1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Truy" trách nhiệm các ban ngành trước tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em

(Dân trí) - Trước tình trạng trẻ em bị đuối nước, bạo hành, mua bán, xâm hại… xảy ra ở nhiều nơi, gây bất an trong xã hội, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đã truy trách nhiệm của những người đứng đầu các sở, ban, ngành liên quan.

Truy trách nhiệm các ban ngành trước tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em - 1
Các đại biểu tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII chiều 11/7.

Gia tăng tình trạng đuối nước trẻ em

Theo báo cáo của Sở LĐ&TB-XH tại phiên chất vấn hội trường, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra chiều 11/7, số trẻ em tử vong do đuối nước của tỉnh này vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có từ 20 - 30 trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 có 27 trường hợp trẻ em bị đuối nước. Thực trạng này cho thấy mô hình “Toàn trường biết bơi, toàn xã biết bơi” chưa thực hiện được.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GĐ&ĐT Nghệ An cho rằng nguyên nhân một phần là do sự chủ quan của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó cơ sở vật chất phục vụ học bơi, dạy bơi còn thiếu. Theo thống kê, toàn tỉnh chỉ mới có 200 bể bơi, trong đó mới chỉ có 150 bể bơi cố định.

Truy trách nhiệm các ban ngành trước tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em - 2
Tình trạng đuối nước trẻ em ở Nghệ An ở mức cao. Từ đầu năm 2019 tới nay, tỉnh này ghi nhận có 27 trẻ em thiệt mạng vì đuối nước.

“Hiện Bộ GD&ĐT chưa có bộ giáo trình dạy bơi trong nhà trường. Các trường trong tỉnh chưa có giáo viên dạy bơi, riêng cấp tiểu học chưa có giáo viên thể dục mà chỉ có tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm”, ông Thành thông tin.

Sắp tới, ngành giáo dục sẽ tổ chức tập huấn dạy bơi cho 600 giáo viên thể dục bậc tiểu học, trung học cơ sở, đồng thời sẽ đưa môn bơi vào chương trình học. 

Tảo hôn có xu hướng gia tăng

Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng hôn nhân cận huyết và tảo hôn ở các huyện miền núi Nghệ An. Từ năm 2015 đến năm 2018, tỉnh Nghệ An ghi nhận có 182 trẻ em tảo hôn, 579 cặp tảo hôn, 83 trường hợp hôn nhân cận huyết. Tình trạng tảo hôn chiếm tỉ lệ cao, thậm chí có xu hướng tăng nhất là đồng bào Khơ Mú, Mông ở các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông.

Truy trách nhiệm các ban ngành trước tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em - 3
Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Chưa có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết nào bị xử lý dù đã có chế tài cụ thể.

Theo ông Lương Thanh Hải – Trưởng Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức, phong tục tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, do mặt trái của cơ chế thị trường, do đặc thù địa bàn sinh sống.

“Tình trạng lơi lỏng pháp luật, chế tài xử lý các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Chưa có trường hợp nào bị xử lý liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, ở nhiều địa phương bố mẹ là cán bộ chủ chốt của xã nhưng vẫn để con cái tảo hôn. Các cháu cưới xin chưa đủ tuổi không báo cáo qua xã. Bên cạnh đó cũng có một phần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của những đơn vị liên quan”, ông Lương Thanh Hải cho biết thêm.

Nhức nhối tình trạng xâm hại trẻ em

Giai đoạn 2016-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng. Ngành chức năng đã phát hiện 71 vụ, liên quan tới 71 nạn nhân bị xâm hại tình dục, trong đó có 16 vụ dâm ô trẻ em, 23 vụ giao cấu trẻ em và 32 vụ hiếp dâm trẻ em.

Cũng trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, 1 số vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích. Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh (chủ yếu là đưa sang Trung Quốc) có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, ngành chức năng đã phát hiện, xử lý 17 vụ mua bán trẻ em, liên quan đến 22 trẻ em bị mua bán. Tình trạng mua bán trẻ em chủ yếu xảy ra ở các huyện biên giới, rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông…

Truy trách nhiệm các ban ngành trước tình trạng đuối nước, xâm hại trẻ em - 4
Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng: “Không có lỗ hổng nào trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nếu cơ quan chức năng thực hiện hết trách nhiệm của mình”.

Tại nghị trường, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan và cho rằng có kẽ hở, lỗ hổng trong trách nhiệm của gia đình, chính quyền và xã hội. “Để xảy ra các tình trạng trên là do thiếu kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch hay do trách nhiệm của những người liên quan chưa được phát huy hết?”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đặt vấn đề.

Ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng: “Không có lỗ hổng nào trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nếu các cơ quan có liên quan thực hiện hết trách nhiệm của mình”.

Bên cạnh nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan thì một trong những nguyên nhân chính khiến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế chính là thiếu kinh phí.

Hiện tại tỉnh Nghệ An có hơn 5.900 cộng tác viên hỗ trợ trẻ em nhưng lực lượng này chỉ được nhận phụ cấp hơn 400 nghìn đồng/tháng. Số tiền này là quá ít, trong khi khối lượng công việc họ phải đảm trách nhiều. Thiếu kinh phí cũng dẫn đến việc khó tổ chức diễn đàn trẻ em thường xuyên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Không có đủ kinh phí xây dựng các khu vui chơi, bể bơi khiến trẻ dễ bị lôi kéo vào các trò chơi vô bổ, nguy hiểm, hay ra sông hồ nghịch dẫn đến đuối nước…

Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, theo ông Vũ, bản thân những người làm cha, làm mẹ và mỗi gia đình phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc chăm sóc, giáo dục, quản lý vào bảo vệ con em mình.

“Hiện nay có nhiều mạng xã hội mà bố mẹ chỉ biết vài cái, trong khi các con biết nhiều hơn. Bố mẹ trang bị điện thoại thông minh, máy tính bảng cho con mà không quản lý, giám sát con thì rất nguy hiểm. Ngành chức năng có tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phát hàng nghìn tờ rơi nhưng chỉ một mạng xã hội không quản lý được sẽ tác động xấu đến trẻ”, ông Vũ nhấn mạnh.

Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh Nghệ An phát hiện 11.203 trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật; trong đó 10.097 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; 1.070 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội (đánh nhau, sử dụng trái phép các loại pháo, đánh bạc)… Ngành chức năng đã phối hợp kiểm điểm, giáo dục, yêu cầu ký cam kết không vi phạm pháp luật đối với 831 em; xử lý vi phạm hành chính 10.082 em; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 212 em; lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dưỡng 78 em.

Hoàng Lam