Chốt chuyên đề giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em
(Dân trí) - Với 446/447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm trên 92% so với tổng số đại biểu Quốc hội), sáng 10/6, Quốc hội thống nhất thông qua chương trình giám sát tối cao năm 2020. Nội dung cuộc giám sát chuyên đề được chọn là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em…
Cụ thể, nội dung giám sát chuyên đề này sẽ được tiến hành tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020).
Ngoài ra, các hoạt động giám sát theo thông lệ như xem xét báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch ngân sách, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn… vẫn được tiến hành.
Báo cáo tiếp thu, giải trình của UB Thường vụ Quốc hội trước đó nêu thông tin, Thường vụ đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội lựa chọn 1 trong 2 chuyên đề do UB Thường vụ Quốc hội đề xuất bằng hình thức bấm nút điện tử. Chuyên đề thứ nhất về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” đã được đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn với tỷ lệ 79,13% để tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị như mở rộng phạm vi giám sát đối với chuyên đề về trẻ em là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em đồng thời xác định rõ phạm vi về mặt thời gian thực hiện giám sát.
Về ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, tình trạng xâm hại trẻ em thời gian vừa qua đang là vấn đề nóng của xã hội, được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Việc lựa chọn nội dung chuyên đề theo đề xuất của UB Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả của chuyên đề và phù hợp với thời gian, nguồn lực của Quốc hội.
Bên cạnh đó, luật Trẻ em mới được ban hành tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực kể từ tháng 6/2017, nên các chính sách liên quan đến bảo vệ trẻ em đang tiếp tục được triển khai thực hiện. UB Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giao các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức các phiên giải trình để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của luật Trẻ em. Do vậy, UB Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự kiến.
Về phạm vi thời gian giám sát, UB Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội xem xét, quyết định (vào ngày 14/6/2019).
Báo cáo giải trình cũng đề cập ý kiến đề nghị bổ sung vào chương trình giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 – 2020”. Tuy nhiên, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, thời gian qua, UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thực hiện nhiều cuộc giám sát về lĩnh vực môi trường; tại kỳ họp thứ 2 và thứ 5, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT và đã ban hành Nghị quyết, trong đó đề cập nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Hơn nữa, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, luật Bảo vệ môi trường dự kiến trình Quốc hội xem xét việc sửa đổi tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10. Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tổng thể các mặt việc thực hiện luật bảo vệ môi trường. Do đó, cơ quan giải trình đề nghị không tổ chức giám sát chuyên đề này.
Tại kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2020) là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn sẽ được tiến hành theo hướng xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp. Điều đó có nghĩa, tất cả các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các lãnh đạo Chính phủ đều có thể “lên ghế nóng” trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thay vì một danh sách cố định 4-5 vị như các kỳ họp thông lệ.
Cũng với tính chất của một kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 24 năm 2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện Nghị quyết số 100 năm 2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
P.Thảo