1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Truy" trách nhiệm Bộ trưởng Nông nghiệp việc dưa, hành... thua đau

(Dân trí) - ĐBQH đặt câu hỏi trách nhiệm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng trách nhiệm chính là việc định hướng, chỉ đạo chưa quyết liệt để có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản suất. Theo Bộ trưởng, chúng ta phát triển nhưng thế giới cũng chuyển động nên muốn vượt lên thì phải quyết liệt hơn nữa.

Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội hóa XIII là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Gần 8h30 sáng nay 11/6, trước Quốc hội, ông Phát tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến các nhóm vấn đề như kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tình hình tiêu thụ nông sản, Giải pháp đầu ra cho sản phẩm cao su và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cao su ở Việt Nam…

Bộ trưởng Nông nghiệp: “Không liên quan” khi dưa, hành... thua đau?
Bộ trưởng Cao Đức Phát là thành viên Chính phủ mở màn phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 9. (Ảnh: Quang Phong)

Trước câu hỏi chất vấn về tình hình tiêu thụ nông sản, ông Phát giải thích, việc một số loại nông sản được mùa mất giá xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sản xuất cung vượt cầu và vướng mắc về thị trường tiêu thụ (năng lực thông quan dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh tháng 4-5/2015; Indonesia dừng nhập khẩu hành tím từ Việt Nam...).

Chỉ ra, nguyên nhân dài hạn, ông Phát cho biết, đó là khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp, năng lực chế biến và tiêu thụ nông sản của nhiều doanh nghiệp còn thấp và tổ chức sản xuất còn cắt khúc, thiếu sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, việc nông sản được mùa mất giá còn có nguyên nhân do khả năng theo dõi, dự báo, thông tin thị trường, hệ thống xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng và dịch vụ thương mại nông sản còn yếu kém.

Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân, ông Phát đưa ra các giải pháp như theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xử lý kịp thời những khó khăn có tính chất tình huống. Cụ thể là phối hợp thực hiện các giải pháp để tăng khả năng thông quan ở các cửa khẩu với Trung Quốc. Đàm phán với Indonexia để tái xuất khẩu hành tím và phối hợp với các nước sản xuất, xuất khẩu cao su thiên nhiên chính để hạn chế tăng nguồn cung, chống đầu cơ ép giá...); điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với tình hình thị trường.

Ngoài ra việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, làm cơ sở khắc phục các nguyên nhân dài hạn nêu trên.

Truy trách nhiệm của Bộ trưởng

Bước sang phần chất vấn, có tới 34 đại biểu nhấn nút đăng ký đặt câu hỏi cho Bộ Trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Các câu hỏi chủ yếu tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Phát làm rõ những vấn đề liên quan đến việc được mùa mất giá. Bên cạnh đó, đại biểu muốn làm rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong việc này. 

Ngoài ra, các đại biểu còn quan tâm đến chính sách hỗ trợ cho ngư dân ra khơi đánh bắt xa bờ.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong 10 mặt hàng xuất khẩu nông sản năm nay có 5 mặt hàng mất giá, 5 mặt hàng được giá. “Tôi nghĩ rằng phải bình tĩnh trong mọi tình huống, ví như dưa hấu là khả năng thông quan thấp, còn hành tím ở Sóc Trăng 70% xuất khẩu nhưng khi Indonesia dừng nhập khẩu thì ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng tôi đã sang tận Indonesia, nhưng việc này cần phải có thời gian vì đó là chính sách của nước bạn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng khi được mùa mất giá, ông Phát chỉ rõ, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ NN&PTNN hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm với năng suất cao hơn nhưng giá thành không cao. Trong phần trả lời, ông Cao Đức Phát không đề cập đến trách nhiệm cá nhân trong vấn đề được mùa mất giá.

Trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề hỗ trợ phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ, Bộ trưởng Phát cho biết, ngư dân đóng tàu và đánh bắt xa bờ tăng ngày càng mạnh. Đến hết tháng 5/2014, con số đó là 30 nghìn chiếc, mã lực tàu cũng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, do lượng cá ngay cả khu vực xa bờ cũng hạn chế nên ông Phát cho rằng, ngư dân cũng như nhà nước phải tìm cách phát triển vững chắc.

Ông Cao Đức Phát cho biết nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn để ra khơi sản xuất. Đến nay, nhà nước đã cho ngư dân vay được 23 tỷ đồng. Với chủ trương nhà nước hỗ trợ vốn cho ngư dân đánh bắt xa bờ như vậy họ sẽ không không phụ thuộc vào thương lái dẫn đến việc không bị ép giá.

Đại biểu không hài lòng, xin được chất vấn lại

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết rõ khâu nào còn yếu nhất trong ngành nông nghiệp hiện nay, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Nữ đại biểu cũng không quên truy trách nhiệm của Bộ trưởng NN&PTNN liên quan đến việc phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đặt vấn đề tại sao thời gian qua doanh nghiệp nước ngoài không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp? Đại biểu đề nghị ngành này cần giải pháp đột phá để hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao đầu tư ồ ạt vào ngành nông nghiệp.

Đại biểu Đỗ Văn Đương còn nêu tình trạng khô hạn nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung thời gian qua. “Việc hạn hán nghiêm trọng ở miền Trung thời gian qua có liên quan đến chặt phá rừng, làm thủy điện ở nhiều nơi hay không? Nếu đúng như vậy trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho nông dân có được các thủy điện đặt ra hay không? Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào và và thời gian tới có giảm bớt thủy điện để "trả lại tự do" cho các dòng sông hay không?”, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu hàng loạt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, khó khăn nhất là nông sản khó tiêu thụ. 

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, nông dân chúng ta rất giỏi, làm nguyên liệu rất nhiều nhưng khâu chế biến còn chưa theo kịp các nước nên trong nhiều trường hợp chúng ta vẫn phải bán nguyên liệu thô với giá chưa có nhiều giá trị gia tăng.

Để tiêu thụ được phải có doanh nghiệp, chế biến được cũng phải có doanh nghiệp. Cùng với việc hỗ trợ ngư dân trực tiếp thì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt từ 2 năm nay là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tập trung vào nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp.

Đề cập đến trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Rõ ràng chúng tôi cũng có trách nhiệm ở đây. Trách nhiệm trong việc quy hoạch, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách”. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này cũng giải thích rằng đã làm với quyết tâm rất cao đối với các công tác về thú y, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Phát cho biết, đất đai đã chia cho nông dân, nên khi doanh nghiệp tư nhân vào cái khó nhất là vấn đề đất. “Chúng ta biết doanh nghiệp làm thì hiệu quả cao hơn, nhưng không thể thu hồi đất của nông dân cho danh nghiệp. Chúng ta không có quỹ đất trống để giao cho doanh nghiệp hàng nghìn ha. Vấn đề này phải có giải pháp phù hợp, hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp”, ông Cao Đức Phát giải thích.

Về tình hình hạn hán, ông Cao Đức Phát cho biết, đối với người dân Ninh Thuận chưa bao giờ hạn hán như năm nay, có nơi 2 năm rồi chưa có mưa. Nguyên nhân vì hiện tượng El Nino dẫn đến nắng nóng bất thường rất cực đoan. Ông Phát cho biết, trước tình hình này phải nghĩ đến bài toán căn cơ, lâu dài, xây nhiều hồ chứa nước và bảo vệ phát triển rừng.

“Ở đây cũng có liên quan đến rừng, nơi nào có rừng nơi đó có nước. Nếu có rừng, hồ nhỏ cũng có nước. Còn thủy điện chúng ta cũng phải nhìn thấy hai mặt của vấn đề vì thủy điện cũng là hồ chứa nước. Theo tôi thủy điện không phải là nguyên nhân gây hạn hán”, ông Cao Đức Phát khẳng định.

Không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bấm nút đề nghị Quốc hội được tái chất vấn Bộ trưởng. Nữ đại biểu nhấn mạnh đến việc tại sao trong thời gian vừa qua, một vấn đề lớn như phát triển nông nghiệp bền vững mà ngành không giải quyết được? Nữ đại biểu cho rằng Bộ trưởng Nông nghiệp chưa nói rõ phần trách nhiệm của mình.

Sau 20 phút nghỉ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục trả lời câu hỏi chất vấn được nhắc lại của các đại biểu.

Thêm một lần trả lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, khâu giống và tổ chức sản xuất, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông luôn quan tâm nhập các loại giống tốt về và cố gắng phát triển giống đặc thù của nước ta. Ví dụ: giống cao su (giống tốt, thuộc tầm cao của thế gưới), cà phê, hạt điều; lúa cũng có nhiều giống tốt; có nhiều giống chưa chủ động được như tôm (nhập ở Hawaii).

Nói về trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng trách nhiệm chính là việc định hướng và chỉ đạo chưa được quyết liệt để có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản suất. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chúng ta phát triển nhưng thế giới cũng chuyển động nên muốn vượt lên thì phải quyết liệt hơn rất nhiều.

“Chúng tôi có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa được hiệu quả” - Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận.

Đại biểu không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát (Ảnh: Quang Phong)

Đại biểu không hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát (Ảnh: Quang Phong)

Câu trả lời của ông Cao Đức Phát về vấn đề khô hạn ở miền Trung cũng khiến đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) không hài lòng. Theo đại biểu, tình hình nắng hạn ngày càng nghiêm trọng ở miền Trung gây cho cây trồng, vật nuôi chết dần, chết mòn.

“Nếu tình hình như vậy tiếp tục kéo dài thì đồng bào miền Trung rơi vào tình trạng không có lương thực, thực phẩm để ăn. Trong khi đó nhiều công trình thủy điện ở khu vực này lại được thiết kế một cách bất cập. Bộ trưởng đã trả lời vấn đề này nhưng tôi thấy chưa thuyết phục. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ đang và sẽ có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết vấn đề này đảm bảo việc làm nâng cao đời sống cho nhân dân”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Ông Cao Đức Phát trả lời: Chính phủ đã đưa ra hai giải pháp ngắn hạn và giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Vấn đề trước mắt là không để người dân thiếu nước, do vậy đã huy động lực lượng chở nước đến từng thôn xóm. Để ứng phó vấn đề khô hạn, phải chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đến nay, Chính phủ cũng hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng và 13 nghìn tấn gạo để hỗ chỡ cho nhân dân vùng khô hạn.

Quang Phong - Như Quỳnh