1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Truy tìm, tịch thu tài sản tham nhũng ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn

Thế Kha

(Dân trí) - Cơ quan tố tụng gửi nhiều yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có nhưng đều kéo dài nhiều năm, được đánh giá còn hạn chế.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 trong lĩnh vực hình sự vừa gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, VKSND Tối cao đã tiếp nhận, giải quyết trên 2.300 yêu cầu tương trợ tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện.

"Các đơn vị có nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự là Cơ quan điều tra Bộ Công an và cơ quan tiến hành tố tụng các tỉnh, thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế", báo cáo nêu.

Theo VKSND Tối cao, các nước nhận nhiều yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Liên bang Nga, Anh, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ…

Nội dung công việc, phạm vi yêu cầu tương trợ tư pháp khá đa dạng: Yêu cầu thu thập, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, xác minh lý lịch tư pháp chiếm 86,5%; yêu cầu tống đạt tài liệu, giấy tờ chiếm 5,6%; yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự chiếm 0,9%...

Truy tìm, tịch thu tài sản tham nhũng ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn - 1

Năm 2021, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ thu hồi được số tiền trên 2,65 triệu USD và 126.749 USD trong tài khoản tại ngân hàng DBS (Singapore) của vợ chồng Phan Sào Nam, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC Online (Ảnh: Tuấn Hợp).

"Gần đây thực tiễn bắt đầu xuất hiện một số yêu cầu tương trợ tư pháp đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện thu hồi tài sản do phạm tội mà có; thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử, đề nghị nước ngoài thu xếp để cán bộ có thẩm quyền Việt Nam sang tham gia thực hiện tương trợ; tổ chức cho người làm chứng sang nước yêu cầu để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ", VKSND Tối cao thông tin.

Ngoài ra, theo cơ quan này, nội dung các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm, trong đó có những tội phạm nghiêm trọng như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người (như giết người, hiếp dâm, mua bán người), tội phạm xâm phạm sở hữu (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản), tội phạm chức vụ (như tội tham ô), tội phạm kinh tế, ma túy…

VKSND Tối cao đánh giá, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đã có tác động hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giải quyết triệt để các vụ án có yếu tố nước ngoài. Trong đó, nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, được dư luận quan tâm.

Đơn cử như Vụ án tham ô và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam năm 2012 (Vinalines). Vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam năm 2014 (Vinashin). Vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam năm 2015 (JTC).

Một số vụ đã thu hồi tài sản về cho Nhà nước, điển hình như phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và Cơ quan Tổng Chưởng lý Singapore thực hiện thành công yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong vụ án Phan Sào Nam phạm tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền; vụ án Giang Kim Đạt phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản, Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Che giấu tội phạm…

Truy tìm, tịch thu tài sản tham nhũng ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn - 2

Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) từng bị truy nã đỏ khi lẩn trốn ra nước ngoài. Tháng 7/2015, sau 1.825 ngày đêm kiên trì truy lùng, ban chuyên án mới bắt giữ được Giang Kim Đạt (Ảnh tư liệu).

Về hạn chế, báo cáo VKSND Tối cao cho rằng, triển khai thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thường mất nhiều thời gian, trong khi giải quyết các vụ án, vụ việc trong nước phải tuân thủ thời hạn luật định.

Việc chậm hoặc thậm chí không có kết quả thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự.

"Một số yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam có khả năng bị nước ngoài từ chối thực hiện vì một số lý do như yêu cầu có liên quan đến hình phạt tử hình (nếu Việt Nam không cam kết về việc sẽ không tuyên án tử hình hoặc có tuyên thì không thi hành bản án); hành vi phạm tội liên quan đến yêu cầu không đáp ứng nguyên tắc tội phạm kép", VKS nêu trở ngại.

Hoạt động tương trợ về truy tìm, kê biên, phong tỏa, tịch thu, trả lại tài sản do phạm tội mà có còn hạn chế. Thực tiễn, cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đã gửi nhiều yêu cầu loại này cho nước ngoài đề nghị hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên thời gian thực hiện các yêu cầu này đều kéo dài nhiều năm.

Nước được yêu cầu đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng các chuẩn mực pháp lý, thực hiện nhiều thủ tục tố tụng và cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu. VKSND Tối cao tổng kết, việc đáp ứng những đòi hỏi này gặp nhiều vướng mắc do khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với pháp luật nước ngoài…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm