1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Truy tìm “thủ phạm” gây sụt, lún TPHCM

Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có những số liệu xác nhận thành phố đang bị lún cục bộ. Ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở, cho biết Sở đang tìm hiểu liệu TP có bị lún trên diện rộng và cấp bách truy tìm "thủ phạm" gây lún.

Thưa ông, nguyên nhân TPHCM bị lún có phải do khai thác nước ngầm vô tội vạ?

 

Theo nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất - Môi trường Miền Nam, tại khu vực phường 10, quận 6, TPHCM phát hiện có bậc thềm nhà dân bị lún 20 cm so với mặt đường. Chúng tôi cũng phát hiện hiện tượng này quanh các giếng khoan ở quận 6, 11, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh và khu vực phía Nam TP. Nhưng chỉ đổ cho việc khai thác nước ngầm là không đúng. TP lún do nhiều nguyên nhân như: vùng địa chất yếu, khai thác sử dụng đất không hợp lý, quy hoạch xây dựng công trình chưa phù hợp...

 

Ông nhận định gì về tác hại do lún sụt gây ra?

 

Tình trạng lún đất sẽ gây những tác hại nghiêm trọng như làm gia tăng ngập lụt, hư hỏng các công trình ngầm và hệ thống thoát nước, phá hủy hệ thống giao thông... Ở một số TP lớn của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản đã có nghiên cứu về hiện tượng này và nhiều tài liệu công bố cho thấy mặt đất có nơi lún cả mét. TP Hà Nội cũng đã xác định được tình trạng lún do khai thác nước ngầm. Do đó, việc nghiên cứu toàn diện để tìm ra nguyên nhân gây lún ở TPHCM để có giải pháp ngăn chặn là vô cùng cấp bách.

 

Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có kế hoạch gì hạn chế tình trạng lún?

 

Trước mắt, chúng tôi xác định những vùng đã có sự thay đổi về địa hình trong những năm qua để tìm ra những khu vực có nguy cơ lún cao. Năm 1980, TP có lập bản đồ địa hình và mới đây làm thêm bản đồ mới. Nếu dùng bản đồ mới cho chồng lên bản đồ cũ sẽ cơ bản xác định được nơi nào lún, lún bao nhiêu, từ đó hoạch định việc nghiên cứu. Song do bản đồ mới còn thiếu những thông số cần thiết như: cao độ, tọa độ của nhiều khu vực nên chờ bổ sung...

 

Vậy là phải chờ điệp khúc... nghiên cứu?

 

TP đã đầu tư hệ thống quan trắc về lún, cuối năm nay sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, khi vận hành không thể nói là có ngay kết quả mà phải chờ một thời gian. Hiện tại, thông qua hệ thống 60 giếng quan trắc nước ngầm, chúng tôi sẽ theo dõi chặt hiện tượng hạ thấp nguồn nước để cảnh báo ngay vì đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến lún sụt mặt đất. Trong năm 2007, sẽ hạn chế những khu vực khai thác nước ngầm.

 

Trước mắt, Sở TN-MT cho tổng hợp các số liệu về khai thác nước ngầm ở các hộ dân, lập bản đồ hệ thống các khu vực cấm, hạn chế khai thác mới, cũng như lộ trình thực hiện. Đối với những khu vực xác định có nguy cơ lún cao sẽ không cấp phép khai thác mới; tổ chức quan trắc, theo dõi sự thay đổi mực nước và các hiện tượng lún sụt; theo dõi việc lún mặt đất ở các công trình xây dựng. Từ những giải pháp này sẽ hạn chế đến mức tối đa việc lún mặt đất.

 

Hạn chế khai thác nước ngầm đã được đề cập nhiều nhưng vẫn chưa thấy triển khai?

 

Khi ta hạn chế dân khai thác nước ngầm để giải quyết bài toán lún thì nguồn nước sinh hoạt phải được cấp đủ. Nếu những vùng nước máy yếu lại nằm trong khu vực cấm khai thác, ngành cấp nước phải có trách nhiệm cung cấp nguồn nước sạch để người dân không phải quay lại khai thác nước ngầm. Sắp tới, mọi người khi khai thác nước ngầm đều phải đăng ký, những vùng đã có lệnh cấm nhưng vẫn khai thác sẽ bị xử lý nghiêm theo Luật Tài nguyên nước.

 

Phải chăng hạn chế khai thác nước ngầm là chống được lún?

 

Chỉ hạn chế được lún cục bộ nhưng ứng phó với hiện tượng lún diện rộng đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, Sở TN-MT không thể đảm đương nổi. Cụ thể như trong quy hoạch chi tiết, phải lưu ý đến nền địa chất, cao trình... Nơi nền đất yếu quá thì cần đặc biệt quan tâm đến tác động của công trình đối với nền đất, nhất là khả năng chịu tải của đất để xây dựng cho hợp lý. Không thể để nền đất chịu tải yếu mà cứ “trồng” lên trên đó các khối bê tông đồ sộ với mật độ dày đặc. Nếu không chú trọng vấn đề này, hiện tượng lún trên diện rộng sẽ dễ xảy ra.

 

Theo Người Lao Động