Trường phái đối ngoại và ngoại giao đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"
Cuốn sách của Tổng Bí thư là kim chỉ nam đường lối, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại; đóng góp to lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Cuốn sách của Tổng Bí thư là kim chỉ nam đường lối, chủ trương của Đảng về công tác đối ngoại; đóng góp to lớn, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Với dung lượng hơn 800 trang, cuốn sách được chia làm 3 phần, bao gồm bài tổng quan "Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"" và 85 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện đối ngoại,... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 52 ý kiến của các nhà chính trị, chuyên gia, học giả và bạn bè quốc tế. Nội dung cuốn sách khẳng định quan điểm toàn diện, nhất quán, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc sảo, quyết đoán của người đứng đầu Đảng ta đối với công tác đối ngoại, ngoại giao, góp phần thực hiện chủ trương của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về"xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân"(1), bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.
Ngoại giao "Cây tre Việt Nam" thể hiện phẩm chất và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam
Ngoại giao "cây tre Việt Nam" là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khái niệm này không phải là một trường phái ngoại giao mới, mà là sự đúc kết, hình tượng hóa đường lối đối ngoại mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện với những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Tiếp đó, đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (tháng 12-2021), Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định và bổ sung, phân tích, làm sâu sắc thêm về trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam": "Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa và phát huy bản sắc, cội nguồn văn hóa và truyền thống dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, phát triển trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc"(2).
Nội dung này được làm rõ thông qua bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hội nghị ngoại giao, Hội nghị đối ngoại toàn quốc. Theo đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, bài viết tổng quan là điểm nhấn nổi bật của phần này cũng như cả cuốn sách, bởi đây là bài viết mới nhất của Tổng Bí thư về đối ngoại và lần đầu tiên được công bố, đã tổng kết toàn diện, sâu sắc và khái quát hóa lý luận và thực tiễn đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Xuyên suốt các bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh và khẳng định quan điểm: "Đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước; sự gắn kết chặt chẽ, nhịp nhàng giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân"(3). Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân gắn bó chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là lợi ích quốc gia - dân tộc. Việc triển khai đồng bộ, sự phối hợp chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân sẽ phát huy thế mạnh của từng trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam. Đây vừa là truyền thống quý báu, vừa thể hiện sự sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, được Tổng Bí thư phân tích, lý giải và định hướng cụ thể bằng nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm tư duy chiến lược, cho thấy bước phát triển về tư duy đối ngoại Việt Nam, vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với việc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, sự phát triển trong tư duy đối ngoại của Đảng còn thể hiện ở sự kiên định mục tiêu đối ngoại và có những bước đi phù hợp trong giải quyết mối quan hệ giữa giữ vững độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; việc ứng xử linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng về phương thức, biện pháp trước thực tiễn phức tạp và nhiều biến động của tình hình quốc tế, đặc biệt là trong kiến tạo điểm tương đồng, xử lý bất đồng để đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu với các quốc gia trên thế giới.
Trong những năm qua, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới; truyền tải thông điệp về một quốc gia thân thiện, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và sẻ chia với cộng đồng quốc tế: "Việt Nam luôn luôn lấy con người làm trung tâm, luôn sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai, dù mang quốc tịch nào"(4). Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tạo dựng nên một thực tế không thể phủ nhận, đó là "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"(5).
Những cố gắng, kết quả nổi bật nói trên của đối ngoại, ngoại giao đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Bên cạnh việc làm rõ kết quả và nhiều thành quả to lớn, Tổng Bí thư cũng yêu cầu "cần nhìn thẳng các mặt còn hạn chế để khắc phục, tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện mình để đạt được những thành tựu to lớn hơn". Tổng Bí thư phân tích, thẳng thắn chỉ rõ 5 mặt hạn chế của công tác đối ngoại, ngoại giao(6):
Một là, công tác đối ngoại, ngoại giao có lúc còn bị động, chưa kịp thời phát hiện, xử lý các biến động mới có tác động đến Việt Nam. Công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, dự báo tình hình có lúc thiếu tính chủ động, thiếu sự phối hợp liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan tham mưu chủ chốt.
Hai là, trong quan hệ với một số đối tác, kể cả đối tác chiến lược, toàn diện chưa sâu sắc, còn "điểm nghẽn" cản trở tiềm năng hợp tác. Hiệu quả hội nhập quốc tế vẫn chưa tương xứng, chưa tận dụng lợi ích của hội nhập. Nhận thức, năng lực hội nhập chưa đồng đều giữa các ban, bộ, ngành, địa phương và người dân. Triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế còn chậm do thiếu sự đôn đốc sát sao hoặc do chậm cụ thể hóa. Công tác đào tạo cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế chưa ngang tầm yêu cầu thực tiễn.
Ba là, chúng ta chưa thật sự tự tin thể hiện xứng tầm với thế và lực mới, tâm thế mới của đất nước trong ứng xử đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế trước những điều chỉnh nhanh chóng về chiến lược và quan hệ của các nước lớn. Chưa quyết liệt chủ động trong những vấn đề liên quan đến lợi ích chiến lược, chưa có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tầm khu vực và quốc tế.
Bốn là, công tác đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ làm công tác đối ngoại có lúc, có trường hợp chưa hiệu quả, hợp lý. Cá biệt, có trường hợp để cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, suy giảm niềm tin của nhân dân.
Năm là, công tác thông tin đối ngoại chưa thực sự sáng tạo, hiệu quả; có lúc còn để một số đối tác hiểu lầm, nghi ngại, hiểu chưa đầy đủ, chưa cập nhật thông tin thường xuyên về chủ trương, đường lối của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Thông tin cho nhân dân về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta chưa đầy đủ.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả, thành tựu, chỉ rõ những hạn chế của đối ngoại, ngoại giao trong thời gian qua, đồng chí Tổng Bí thư đã đúc rút 5 bài học kinh nghiệm quý báu, trong đó "bài học bao trùm và bất biến là luôn luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác đối ngoại, ngoại giao"(7); coi sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng nhất để phát huy hiệu quả và sức mạnh tổng hợp của đối ngoại. Đồng thời, chỉ rõ nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho công tác đối ngoại nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Tổng Bí thư, trước những biến chuyển lớn của thời đại, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam càng phải thể hiện rõ cốt cách của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" để tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ và đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đối ngoại của đất nước trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: "Nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, phong cách chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các kênh và các cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế"(8) và "xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới hết sức nặng nề, đòi hỏi các thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam kế thừa và phát huy tinh hoa ngoại giao truyền thống, luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, "dĩ bất biến ứng vạn biến", phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sự tận tâm, chuyên nghiệp của bản thân và tinh thần đoàn kết của tập thể, phải thật sự thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 (tháng 8-2018): "Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo"(9).
Trước bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ vô cùng trọng đại, đối ngoại, ngoại giao đóng vai trò quan trọng, không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, giúp tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ, mở ra cục diện mới thuận lợi, nâng cao thế và lực của Việt Nam, mà đây còn là một trong những động lực mạnh mẽ, góp phần quan trọng, xứng đáng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bản sắc "ngoại giao cây tre": Lấy độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa và đa phương hóa làm kim chỉ nam
Trong 37 năm đổi mới vừa qua, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của dân tộc, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh quyết tâm "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"(10).
Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương khẳng định: Cuốn sách có giá trị vô cùng to lớn bởi đây là công trình đầu tiên mang tính hệ thống, tập hợp những phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư về lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao. Các bài viết thể hiện một cách cụ thể, sâu sắc và sinh động sự đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư trên nhiều cương vị khác nhau trước đây và với cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng ta hiện nay trong việc xây dựng và phát triển đường lối đối ngoại của Việt Nam; đồng thời, khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, toàn diện, xuyên suốt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối với công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân(11).
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, chúng ta tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, trọng tâm là các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Đối với quan hệ song phương, các bài nói, bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện sự đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát huy truyền thống hòa hiếu của cha ông, Tổng Bí thư khẳng định cần tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, tăng cường tin cậy, phát huy điểm đồng, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các tranh chấp và thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển nhằm củng cố vững chắc cục diện đối ngoại ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, Tổng Bí thư khẳng định: "Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, việc tăng cường và củng cố tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước"(12); Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam "hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta"(13). Trong quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, Tổng Bí thư coi đây là cơ sở quan trọng, định hướng chiến lược lâu dài, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển tốt đẹp, ổn định và bền vững. Trong Điện mừng gửi đồng chí Tập Cận Bình nhân dịp được bầu lại là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tôi luôn luôn hết sức coi trọng và sẵn sàng cùng đồng chí tiếp tục dành sự quan tâm cao độ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hai bên quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới, ổn định, lành mạnh, bền vững, đáp ứng lợi ích căn bản, lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới"(14). Đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, Tổng Bí thư khẳng định: "Sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là những nguyên tắc cơ bản, có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ hai nước và quan hệ quốc tế. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng sự khẳng định của Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng""(15)...
Chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương còn được thể hiện qua nhiều bài viết, bài phát biểu và trả lời phỏng vấn: "Phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia"; "Không ngừng vun đắp tình hữu nghị đặc biệt và quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba"; "Không ngừng củng cố quan hệ hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Lao động Triều Tiên trong giai đoạn mới"; "Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga"; "Tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Inđônêxia"; "Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và lâu dài của Việt Nam"... Qua đó, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực, quốc tế và các khuôn khổ hợp tác cũng như trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện của đất nước.
Trong quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, các đảng cầm quyền và các đảng dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, có đóng góp quan trọng về cả lý luận và thực tiễn vào kho tàng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ công cuộc đổi mới của Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ, thật sự vì con người; khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam "luôn coi trọng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, với các đảng cộng sản, công nhân và bạn bè truyền thống"(16); "Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội"(17); "Chủ nghĩa Mác - Lênin đã, đang và sẽ tiếp tục là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới... Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng và sẵn sàng mở rộng hợp tác với các chính đảng mácxít và lực lượng tiến bộ trên thế giới"(18). Đặc biệt, theo Tổng Bí thư, để giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, cần định vị chỗ đứng, tiếp tục phát huy vai trò và giá trị cốt lõi của ASEAN, "hoạt động của AIPO ngày càng đi vào thực chất hơn, các nghị quyết của AIPO phải thực sự đi vào đời sống chính trị của mỗi quốc gia"(19), "Vì một AIPA hướng tới cộng đồng của nhân dân, vì nhân dân, đùm bọc và chia sẻ"(20), đồng thời tận dụng tốt những cơ hội từ khi gia nhập WTO và phát huy những lợi thế, ưu việt của phong trào hợp tác xã quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội...
Trong các bài viết, bài phát biểu, tư tưởng "đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị" cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất quán chỉ đạo; trong đó, đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây là hai mặt có mối quan hệ biện chứng với nhau, bổ sung cho nhau, nhằm phát triển nền kinh tế nước ta ngày càng vững mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo Tổng Bí thư, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ không có nghĩa là coi nhẹ vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Trái lại, hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung trong đường lối kinh tế, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kết hợp nội lực với ngoại lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp phát triển đất nước. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng chính là nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đáp ứng yêu cầu và lợi ích của quốc gia; đồng thời, thông qua hội nhập kinh tế quốc tế để phát huy vai trò và tiềm năng của nước ta trong quá trình hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Nằm trong tổng thể nội dung "đối ngoại là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị", Tổng Bí thư gửi gắm sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như người dân nước sở tại. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Tổng Bí thư khẳng định: "Bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc"(21); Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài "là "chất xúc tác" quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân nước ta trong công cuộc đổi mới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn giáo, bà con kiều bào ta đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế"(22). Đối với nhân dân các nước sở tại: Lào, Cu-ba, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hung-ga-ri..., Tổng Bí thư nhấn mạnh việc chia sẻ những giá trị tương đồng và tiềm năng để đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, nỗ lực hình thành các thỏa thuận và cơ chế hữu hiệu để duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chung, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị và kiến tạo nền tảng xã hội cho quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Dấu ấn đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế
Các hoạt động đối ngoại theo tinh thần "ngoại giao cây tre" đã củng cố vững chắc cục diện đối ngoại để Việt Nam có môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Thực tiễn ngoại giao trong hai năm qua cũng tiếp tục làm phong phú và sâu sắc hơn các bài học quý báu về đối ngoại trong công cuộc đổi mới. Đó là: Càng đứng trước khó khăn, thử thách, càng phải kiên định trong nguyên tắc, linh hoạt, sáng tạo trong sách lược; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.
Cuốn sách đăng tải 52 ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc hình thành và phát triển trường phái ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Đó là những kỷ niệm, tình cảm, những câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, được gặp Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước.
Bàn về những thành tựu đối ngoại và dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Thongsavanh Phomvihane, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào khẳng định: "Những thành tựu của Việt Nam nói chung, những thành tựu trong công tác đối ngoại nói riêng cũng chính là những thành tựu, là bài học kinh nghiệm quý báu cho đất nước Lào"(23); "Đặc biệt, Đảng, Nhà nước Lào đánh giá cao ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc nhấn mạnh 6 nhóm vấn đề là mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng đầy vẻ vang trong việc triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam"(24). Trong bài viết "Giá trị thời đại của trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", đồng chí Hàn Phương Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Học hội ngoại giao và quan hệ quốc tế CHARHAR, nhận định: "Ngoại giao "cây tre Việt Nam"... là vừa kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa tích cực mở rộng trong lĩnh vực ngoại giao, bảo vệ và phát triển lợi ích quốc gia của Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tính linh hoạt và tính nguyên tắc, nỗ lực thích ứng với thế giới không ngừng biến đổi; mặt khác, cùng với việc phát triển các quan hệ ngoại giao hiện có, thiết lập các quan hệ hợp tác mới. Đây chính là nền tảng ngoại giao để Việt Nam vẫn phát triển ổn định, lành mạnh dù đứng trước tình hình thế giới vô cùng phức tạp"(25). Qua bài viết "Ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong ngoại giao văn hóa Việt Nam - Nhật Bản", ông Kuroiwa Yuji, Thống đốc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản không chỉ bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bởi sự gần gũi, thân thiện của đồng chí dành cho người dân tỉnh Kanagawa, mà còn thể hiện niềm tin tưởng rằng: việc giao lưu được thúc đẩy ở cấp độ chính quyền địa phương hai nước sẽ góp phần giúp quan hệ hai nước được "mở rộng, uyển chuyển và vững chắc", thực sự là kết quả triển khai trên thực tiễn "ngoại giao cây tre Việt Nam"(26). Còn rất nhiều nhận định, khẳng định quý báu và đầy tâm huyết qua nội dung của các bài viết "Ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - kiên cường và ngày càng phát triển"; "Ngoại giao Việt Nam cung cấp mô hình tốt hơn cho các quốc gia trên thế giới"; "Trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã được Việt Nam áp dụng thành công trong thực tiễn";... Hay đơn giản, ngắn gọn như tiêu đề "Ấn tượng Việt Nam", song lại chứa đựng suy ngẫm và tình cảm sâu sắc của bà Lorena Pena Mendoza, Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, về những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và hệ thống lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ đó hun đúc nên niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tiến hành vì một thế giới hòa bình, công bằng, đa cực, nơi quyền của các dân tộc và đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái được tôn trọng đầy đủ(27). Có thể khẳng định, chính phong cách ngoại giao mang đậm cốt cách văn hóa dân tộc Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sâu sắc thêm tình cảm quý trọng, ngưỡng mộ và sự tin cậy của bạn bè quốc tế đối với Đảng ta và đất nước ta, trở thành một trong những nhân tố làm nên sức mạnh của ngoại giao Việt Nam.
Bên cạnh việc đề cập những ý kiến, đánh giá và suy ngẫm của bạn bè quốc tế, cuốn sách cũng góp phần khẳng định sự ủng hộ và đồng thuận to lớn của nhân dân Việt Nam đối với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng ta dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời, thể hiện sự kính trọng, tình cảm trân quý và sự tri ân sâu sắc của nhân dân đối với Tổng Bí thư, từ đó thêm tin tưởng, tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước, trong đó có đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Đó là "Đôi dòng về người lĩnh xướng ngoại giao "cây tre Việt Nam"", "Về trường phái ngoại giao Việt Nam hiện đại", là ấn tượng với "Phong cách ngoại giao nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", ""Ngoại giao vì con người" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng",...; hay nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc, như "Những năm tháng quý giá - những kỷ niệm không quên với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - câu chuyện của một người làm Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng 12 năm, trong đó có tới 10 năm dưới sự chỉ đạo trực tiếp và được chuẩn bị, phục vụ các hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, người đọc càng thêm ấn tượng về phong cách ngoại giao của Tổng Bí thư: "Tổng Bí thư không quá chú ý đến trang phục, bài trí mà có thể nói là rất giản dị, khiêm nhường, lễ tân ứng xử với khách quốc tế luôn rất chân thành, cởi mở, thân thiện với nụ cười đôn hậu, cái bắt tay nồng ấm, lúc trao đổi với khách luôn khúc chiết, chặt chẽ, dí dỏm, tác phong khoan thai, phong nhã"(28), để rồi từ đó như thấu tỏ: Tổng Bí thư của chúng ta là thế - luôn hiểu và tôn trọng bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc thấm nhuần triết lý và thực hành hiệu quả trường phái ngoại giao mang bản sắc "cây tre Việt Nam" có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cuốn sách thực sự là cuốn cẩm nang, tài liệu tham khảo hữu ích, không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ lý luận và thực tiễn hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư - một trường phái ngoại giao đặc sắc của thời đại Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam./.
--------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. I, tr. 162
(2) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 18 - 19
(3) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 47- 48
(4) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 36
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
(6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 37 - 38
(7) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 38
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 165
(9) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 38
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 161 - 162
(11) Xem: Nguyễn Thị Thùy Linh: "Lễ ra mắt cuốn sách: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 22-11-2023
(12), (13) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 181, 201
(14), (15), (16), (17) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 213, 300 - 301, 408, 406
(18) (19), (20), (21), (22) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 411 - 412, 438, 440, 518, 523
(23), (24), (25), (26) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 642, 644, 649 - 650, 688 - 689
(27), (28) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", Sđd, tr. 728 - 729, 739
PGS, TS PHẠM MINH TUẤN
Phó Tổng Biên tập, phụ trách Tạp chí Cộng sản,
Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương,
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam