1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Trưởng đặc khu thậm chí phải là Ủy viên Trung ương”

(Dân trí) - “Tại sao ta cứ sợ Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền mà không nghĩ người được đề xuất chắc gì đã nhận “ghế” Trưởng đặc khu? Thực tế, qua làm việc tại các địa phương, đa phần anh em đều bày tỏ quan ngại nếu được cử làm Trưởng đặc khu” – TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội trao đổi.

Cách ứng xử với người "rót" tiền thế nào?

- Dư luận về dự thảo luật về đặc khu kinh tế hiện đang phân tách theo hai hướng, một hướng cho rằng việc cần làm là “lót ổ” chính sách để thu hút “đại bàng”,” phượng hoàng” đến làm tổ chứ không phải chi tiền ngân sách để “mồi”. Hướng quan điểm khác lại cho rằng, chỉ tập trung vào việc “vẽ” ưu đãi nghĩa là mới chỉ chú trọng đến phụ gia trong khi cơ bản nhất là đặc khu phải tạo được mô hình mới mẻ, đặc biệt. Quan điểm của ông?

- Vấn đề ở đây tôi nghĩ mình quên mất mình đang là công bộc của doanh nghiệp, phải làm chính sách để đáp ứng yêu cầu của doah nghiệp chứ không phải là yêu cầu của mình. Vậy nên chúng ta mới tranh luận mãi, từ việc giao đất 49 năm hay 99 năm, thuế nên giảm 10 năm hay 20 năm đầu… Đó là những cái rất tiểu tiết trong khi quan trọng là phải thấy rõ đặc khu được làm cho ai, làm vì mục tiêu gì, mục tiêu thu tiền hay thí điểm thể chế.

Phải xác định chúng ta đang nỗ lực kiếm tiền, hãy làm mọi thứ để thúc đẩy kinh tế.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: Sao cứ phải sợ Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền mà không nghĩ người được đề xuất chắc gì đã nhận “ghế”?
Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên: "Sao cứ phải sợ Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền mà không nghĩ người được đề xuất chắc gì đã nhận “ghế”?

- Nếu xác định tiêu chí là kinh tế, là kiếm tiền về như ông nói thì hiệu quả của bài toán đặc khu cần tính tới đầu tiên. Mỗi đặc khu cần sự đầu tư rất lớn, như Phú Quốc dự kiến cần khoảng 40 tỷ USD, Vân Đồn thì khoảng 270.000 tỷ đồng trong khi phần thu về, như tính toán của Bộ KH-ĐT, tới năm 2030, nhà nước có thể thu được cỡ 20-30 tỷ USD từ cả 3 đặc khu?

- Tính như thế là tính theo kiểu bài toán ngân sách. Người ta tính cần 40 tỷ USD ở Phú Quốc hay 270.000 tỷ đồng ở Vân Đồn là tính tổng mức đầu tư và người ta có phương án để huy động được trong vòng 5-10 năm và điều đó sẽ tạo ra cú hích phát triển ở khu vực ấy. Cú hích đến thông qua đầu tư, thông qua các sản phẩm tạo ra tại đó mà nhà nước lại không phải bỏ tiền ra.

Đó mới chính là cái lợi thu được. 40 tỷ USD hay 270.000 tỷ đồng đó chính là lợi nhuận mà đặc khu đem lại. Hút được khoản đầu tư cực lớn trên một diện tích đầu tư cực nhỏ đó chính là nguyên lý của đặc khu, là lợi ích kinh tế hướng tới chứ đó không phải là chi phí.

Còn phần vốn ngân sách nhà nước phải bỏ ra thì cũng sao đâu, mỗi đồng bỏ ra để hút được 10 đồng về chẳng phải rất tốt, rất đáng bỏ ra sao?

- Vậy ông đánh giá sao về tính khả thi của việc thu hút được những khoản đầu tư lớn như vậy khi xung quanh Việt Nam hiện đã có không ít những đặc khu hấp dẫn, thành công?

- Vấn đề với chúng ta là cách thức ứng xử với người bỏ tiền ra như thế nào, có giống như ứng xử với các nhà đầu tư BOT thời gian vừa qua không. Nếu ta ứng xử với các nhà đầu tư vào đặc khu giống như cách ta nhìn các nhà đầu tư BOT vừa rồi thì tôi lo còn lâu chúng ta mới làm được 3 đặc khu dự kiến. Hiện tại, theo tôi, cái vướng chính là ở quan điểm.

Chưa Phó Chủ tịch tỉnh nào muốn làm Trưởng đặc khu

- Vấn đề khác thu hút chú ý trong dự luật là về cơ chế tổ chức bộ máy chính quyền ở đặc khu. Hầu hết các ý kiến nghiêng về phương án xây dựng thiết chế Trưởng đặc khu nhưng cũng không ít e dè về cơ chế kiểm soát quyền lực trong trường hợp này?

- Tại sao ta cứ sợ Trưởng đặc khu sẽ lạm quyền mà không nghĩ người được đề xuất chắc gì đã nhận “ghế” Trưởng đặc khu? Cứ lo vậy thôi chứ thực tế khi làm việc tại các tỉnh, trao đổi với những người như trong dự thảo Luật có khả năng bổ nhiệm làm Trưởng đặc khu thì họ đều bày tỏ quan ngại nếu được giao giữ nhiệm vụ này.

Trưởng đặc khu, nếu xếp theo thứ bậc hành chính của Việt Nam hiện nay thì… chơi vơi, khó có thể xếp là chức vụ gì, Phó Chủ tịch tỉnh cũng không phải, Bí thư Huyện uỷ cũng không, nghĩa là một người chân không tới đất cật không tới trời, sẽ rất khó. Tôi thì nghĩ Trưởng đặc khu, nhất là trong giai đoạn “thử nghiệm thể chế” này, nên là một Uỷ viên Trung ương Đảng.

- Trưởng đặc khu cũng được trao một cơ chế quan trọng để có thể tự tin nhận nhiệm vụ đấy chứ, như trong đề án của tỉnh Quảng Ninh là quyền miễn trừ trách nhiệm cho những quyết định sai lầm của người này nếu đó không phải do lỗi chủ quan?

- Đưa ra cơ chế đó là bởi Quảng Ninh đã có một số thí điểm và lãnh đạo địa phương lường trước được những lo lắng của dư luận để người nhận nhiệm vụ yên tâm công tác. Đã gọi là đặc khu thì phải có những hành xử không giống như là luật pháp thông thường đang áp dụng.

Ta đang quá lo lắng nên cứ ngồi nói mãi việc phải làm gì trong khi Trung Quốc – đất nước ngay sát cạnh Việt Nam, dân số 1,3 tỷ người đã làm đặc khu kinh tế suốt 30 năm qua mà mọi việc vẫn ổn đó thôi, họ không mất sự lãnh đạo của Đảng, chẳng mất chính quyền mà lại tạo được nguồn động lực phát triển kinh tế ở phần phía đông để lôi kéo phía tây của đất nước phát triển. Chúng ta cần phải nỗ lực nhìn xa hơn.

Cái mà các doanh nghiệp cần là cơ chế để giải quyết thủ tục thật nhanh, thuận lợi. Người ta đến đầu tư, cần đất để triển khai dự án, chỉ cần đến gặp ông Trưởng đặc khu nêu yêu cầu, cam kết thực hiện các quy định, luật lệ đề ra, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, môi trường là xong, 2 tuần sau có thể quay lại để nhận quyết định giao đất, nộp tiền theo đúng khung giá là có thể bắt tay vào làm ngay.

Trưởng đặc khu không thể chào đón rồi giới thiệu nhà đầu tư tới phòng TN-MT để xin cấp đất, xong rồi thì sang phòng KH-ĐT để nộp đề án đầu tư xem có khả thi hay không, sau đó lại qua phòng Tài chính để chứng minh năng lực tài chính, tới phòng Xây dựng lấy giấy phép xây dựng, sang Công an để xin giấy phép phòng cháy chữa cháy…

- Vấn đề ông nêu ra khá tương đồng với câu chuyện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng chia sẻ về 4 câu hỏi các nhà đầu tư lớn của Mỹ đặt ra với Vân Đồn 5 năm trước (như quy hoạch Vân Đồn ở cấp độ nào; sự đảm bảo về tính pháp lý; tiến độ các cam kết về điều kiện hạ tầng như sân bay, bến cảng; ai là người chịu trách nhiệm và là người làm việc thường xuyên với nhà đầu tư…). Những câu hỏi này giờ đã có thể trả lời chưa, thưa ông?

- Với dự thảo luật xây dựng lần này, ta trả lời được 3 câu hỏi trong số đó. Thứ nhất, Việt Nam đã luật hoá các quy định với đặc khu này. Thứ 2, có một người xác định để nhà đầu tư liên hệ khi cần – đó là ông Trưởng đặc khu. Thứ 3, nhà nước công khai những chính sách, điều kiện để có thể trao cho nhà đầu tư những cơ chế đó. Nhưng với câu hỏi thứ 4, mọi vấn đề có đảm bảo giải quyết nhanh, đúng như yêu cầu không thì chúng ta chưa dám hứa.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm