Đặc khu kinh tế: Ai giám sát quyền hạn của Trưởng đặc khu?

(Dân trí) - Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt giao cho Trưởng đặc khu 128 quyền hạn. Nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng cần có cơ quan kiểm soát quyền hạn, giám sát việc thực hiện quyền hạn của Trưởng đặc khu.

Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu chủ trì buổi lấy ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu chủ trì buổi lấy ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Tại Hội nghị lấy ý kiến và tiếp xúc cử tri chuyên đề về dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 1: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt đặc khu) gồm có Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Hội đồng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Cùng với đó, dự thảo luật này nêu phương án 2: Tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa - ông Phạm Quốc Đạt cho rằng, tổ chức chính quyền ở đặc khu nên chấp nhận hình thức không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền hiện tại.

“Có nghĩa là tổ chức phải hết sức gọn nhẹ nhưng phải bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, được áp dụng các thủ tục về hành chính - kinh tế thuận lợi nhất cho nhà đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế”, ông Đạt nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh cũng bày tỏ ủng hộ phương án 1 nêu trên. “Tôi nghĩ rằng, với mô hình này thì việc triển khai giải quyết các thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn, đáp ứng kịp thời được nhu cầu phát triển”, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nêu ý kiến.

Ông Lê Đức Vinh cho rằng, nếu chúng ta theo mô hình 2 thêm Hội đồng nhân dân của đặc khu thì về cơ bản vẫn như cũ, không có gì mới khác biệt, giống như một chính quyền cấp huyện. Điều này sẽ ràng buộc nhiều quan hệ trong công việc dẫn đến sự chậm trễ, trì trệ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, phương án 1 giao rất nhiều quyền (128 quyền) cho Trưởng đặc khu trên nhiều lĩnh vực nên đề nghị cần có cơ quan kiểm soát quyền hạn, giám sát việc thực hiện quyền hạn của Trưởng đặc khu. Trong đó, có ý kiến nêu là Hội đồng đặc khu nếu thực sự là một hội đồng giám sát hoạt động của Trưởng đặc khu thì phải có quyền lực thực sự.


Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ là một trong 3 đặc khu hành chính - kinh tế

Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ là một trong 3 đặc khu hành chính - kinh tế

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Trần Anh Tuấn, đã là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì “tính đặc biệt” được thể hiện trên 2 phương diện, đó là: hành chính và kinh tế. Qua thực tế nghiên cứu thì thấy mô hình đặc khu ở các nước khác nhau, không có nước nào giống nước nào.

Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Uông Chu Lưu cho biết, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là một khuôn khổ pháp lý để tạo động lực thu hút các nhà đầu tư, tạo ra sự phát triển về kinh tế - xã hội. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự kiến Quốc hội sẽ quyết định luật này tại kỳ họp thứ V (tháng 5/2018).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phải có những cơ chế, chính sách, chế độ đặc biệt. Luật này phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với Hiến Pháp, phù hợp với các công ước, thỏa thuận quốc tế mà nước ta là thành viên. Luật này được phép vượt trội những quy định pháp luật hiện hành, nếu những chính sách này là cần thiết.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tỉnh này đang nghiên cứu xây dựng phương án thành lập Đặc khu Bắc Vân Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích của huyện Vạn Ninh, với diện tích khoảng 111.000 ha. Trong đó, mặt đất khoảng 56.000ha, mặt nước 55.000ha, diện tích có thể xây dựng là 20.000ha. Số đơn vị hành chính là 12 xã, 1 thị trấn, với dân số hơn 131.000 người. Theo đó, dự kiến số vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật cấp thiết khoảng 10.980 tỷ đồng. Hiện nay, Khánh Hòa đang thuê đơn vị nước ngoài tư vấn lập quy hoạch tổng thể.

Viết Hảo