1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trưởng BQL Đường sắt đô thị TPHCM nói gì về việc tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m?

(Dân trí) - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định 3 đơn vị tư vấn đã thẩm tra, thẩm định việc điều chỉnh tường vây đoạn ngầm ở trung tâm thành phố thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tường vây 1,5m đảm bảo an toàn cho metro và công trình lân cận, nhà dân.

Liên quan đến việc tường vây thuộc gói thầu CP1a tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) bị điều chỉnh thiết kế từ 2m xuống 1,5m khiến dư luận đặt nhiều vấn đề, chiều 26/12, PV Dân trí đã có trao đổi với Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (Ban QLĐSĐT) Lê Nguyễn Minh Quang.

Trưởng BQL Đường sắt đô thị TPHCM nói gì về việc tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m? - Ảnh 1.

Trưởng Ban Đường sắt đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định việc điều chỉnh thiết kế tường vây từ 2m xuống 1,5m là vì lợi ích của thành phố

Theo ông Quang, trước khi về đảm nhiệm chức Trưởng Ban vào tháng 6/2016, ông đã nghiên cứu về đoạn ngầm dưới đường Lê Lợi tại gói thầu CP1a (ga Bến Thành – ga Nhà hát TP) và nhận thấy nhiều bất hợp lý. Lúc đó, ông làm việc cho nhà thầu thi công tường vây thuộc gói thầu này.

“Cho đến khi tôi về làm Trưởng ban thì càng nhận ra điểm bất hợp lý trong hạng mục xây dựng tường vây. Những điều tôi nhận ra được đúc kết từ kinh nghiệm 20 năm làm việc trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm”, ông Quang nói.

Ông Quang lý giải, tường vây của đoạn metro dày 1,5m, ở những đoạn có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất như khách sạn Rex, Nhà hát TP.

Tuy nhiên, đoạn tường vây dài 170m dưới đường Lê Lợi (từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) lại được thiết kế dày 2m, trong khi địa chất khu vực này không có gì khác nhau và công trình ngầm cũng cách xa nhà dân. Do đó, nếu xây tường vây 2m sẽ gây lãng phí.

“Nếu thi công tường vây 2m thì có khả năng lãng phí cả triệu USD và tôi đã gặp lãnh đạo thành phố để trình bày việc này”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, khi về làm việc tại Ban QLĐSĐT, ông cùng với đội ngũ kỹ sư và Tư vấn Nippon Koie (Nhật Bản) tính toán lại, sau đó thống nhất đề xuất thành phố điều chỉnh tường vây xuống 1,5m.

“Đến ngày 6/6/2016, Liên danh tư vấn NJPT có công văn báo cáo thiết kế kỹ thuật thay đổi tường vây dọc đường Lê Lợi thuộc gói thầu CP1a kèm theo bản vẽ và bảng tính toán cho việc thay đổi chiều dày tường vây từ 2m xuống 1,5m đạt yêu cầu kỹ thuật và an toàn”, ông Quang nói.

Sau đó, Ban QLĐSĐT đã đề nghị Tư vấn thẩm tra Sao Việt do nhóm phó giáo sư, tiến sĩ Trường Đại học Xây dựng thẩm tra và kết luận việc điều chỉnh này hoàn toàn đạt yêu cầu. Sở GTVT tiếp tục mời Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI (thuộc Bộ GTVT) thẩm tra độc lập để thẩm tra về khả năng chịu lực, độ ổn định của tường vây kết quả cũng như vậy.

“Đến ngày 12/3/2018, tư vấn TEDI đánh giá tường vây đảm bảo khả năng chịu lực. Như vậy, có đến 3 đơn vị thẩm định, thẩm tra độc lập việc điều chỉnh thay đổi chiều dày tường vây”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, việc điều chỉnh độ dày tường vây giúp thành phố tiết kiệm 4 triệu USD (khoảng 93 tỷ đồng) và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng. Ông khẳng định việc điều chỉnh thiết kế là tiết kiệm cho thành phố.

Trưởng BQL Đường sắt đô thị TPHCM nói gì về việc tường vây metro giảm từ 2m xuống 1,5m? - Ảnh 2.

Trưởng Ban QLĐSĐT cho biết việc điều chỉnh thiết kế tường vây giúp tiết kiệm 93 tỷ đồng và rút ngắn thời gian thi công 5 tháng

Về việc điều chỉnh thiết kế tường vây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra rằng Ban QLĐSĐT đã làm không đúng theo quy trình thủ tục.

Trả lời PV Dân trí vì sao vấn đề kỹ thuật được đảm bảo mà quy trình thủ tục lại không đúng, ông Quang cho biết đây là vấn đề rất mong được chia sẻ.

Theo Trưởng Ban QLĐSĐT, ngày 8/12/2015, UBND TP cho phép Ban QLĐSĐT quyền tổ chức thẩm định kỹ thuật, sau đó báo cáo UBND TP hoặc Sở GTVT xem xét, phê duyệt kết quả thẩm định làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, tùy trường hợp, điều kiện.

Tuy nhiên, từ ngày 1/6/2017, nội dung ủy quyền của thành phố không còn phù hợp với Nghị định 42/2017 của Chính phủ và việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình tuyến metro số 1 thuộc thẩm quyền Sở GTVT.

“Như vậy, trong thời gian được ủy quyền tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật đến nay, Ban QLĐSĐT không trình UBND TP hoặc Sở GTVT TP thẩm định là chưa đúng quy trình. Khi biết thông tin này chúng tôi cũng xanh mặt”, ông Quang.

Do đó, sau khi nghe các bên báo cáo kiểm điểm, UBND TPHCM quyết định kể từ 8/12/2016 đến 1/6/2017 (khi có nghị định 42 ra đời) những hồ sơ nào ký trước tập hợp lại đưa cho Sở GTVT gửi UBND TPHCM. Còn từ 1/6/2017 đến sau này chuyển hồ sơ cho Sở GTVT để Sở rà soát lại.

Ông Quang cũng chia sẻ về việc công ty Bachy Soletanche của Pháp (nơi ông làm Tổng Giám đốc trước khi về làm Trưởng Ban QLĐSĐT) thực hiện gói thầu xây dựng tường vây sau khi điều chỉnh thiết kế.

Theo ông, ban đầu nhà thầu chính phía Nhật đề nghị đưa một nhà thầu phụ khác làm, tuy nhiên sau thời gian dài họ không tập hợp được phương tiện thi công nên phía Nhật đề nghị nhà thầu khác. Đó là công ty Bachy Soletanche vì công ty này có giá tốt và Ban QLĐSĐT cũng đã thuê tư vấn đánh giá.

Quốc Anh