Trung ương thảo luận báo cáo kiểm điểm của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
(Dân trí) - Trung ương đã thảo luận về báo cáo kiểm điểm cá nhân của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Đây là cơ sở để Trung ương xem xét trước khi lấy phiếu tín nhiệm.
Chiều 16/5, Văn phòng Trung ương Đảng phát hành thông cáo ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII.
Phiên làm việc diễn ra dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại hội trường, thảo luận về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương cũng đồng thời thảo luận báo cáo kiểm điểm cá nhân của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Báo cáo kiểm điểm cá nhân của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là cơ sở để Ban Chấp hành Trung ương xem xét trước khi lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 Ủy viên Bộ Chính trị và 5 Ủy viên Ban Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ đã đánh giá báo cáo kiểm điểm cá nhân của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo và gửi trình Trung ương để chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm.
Trong báo cáo kiểm điểm cá nhân có phần tự nhận xét của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật.
Báo cáo kiểm điểm cá nhân của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng thể hiện rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu giải pháp khắc phục cho những hạn chế còn tồn tại.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của vấn đề, Tổng Bí thư đề nghị các Ủy viên Trung ương nghiên cứu kỹ báo cáo kiểm điểm cá nhân của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm với từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo yêu cầu của người đứng đầu Đảng, việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. "Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", Tổng Bí thư yêu cầu.
Tổng Bí thư cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác.
Về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ, Tổng Bí thư đánh giá báo cáo này đã đề cập một cách khách quan, toàn diện bối cảnh tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay với những diễn biến nhanh chóng, bất thường. Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn, phức tạp hơn dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước.
Báo cáo đồng thời chỉ rõ những ưu điểm nổi bật, những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, và phân tích nguyên nhân, rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển kinh tế - xã hội…
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương thể hiện rõ chính kiến về những nhận xét, đánh giá của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cũng theo yêu cầu của người đứng đầu Đảng, các đại biểu cần đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu cần phải tập trung trong nửa cuối của nhiệm kỳ.