"Trung ương đi làm việc của xã, vướng là phải"
(Dân trí) - Lắng nghe ĐBQH chia sẻ vướng mắc khiến việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia bị chậm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra mấu chốt do thủ tục phức tạp và không phân cấp, phân quyền.
Câu chuyện về "rừng thủ tục" và thực trạng thiếu phân cấp, phân quyền được đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) chia sẻ khi thảo luận tổ về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, xuất phát từ thực tế của địa phương.
Sốt ruột việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội giám sát tối cao đang rất khó khăn, bà Luyến dẫn chứng ngay trong quy định mua giống cây con, số vốn được phân bổ chưa tiêu hết sẽ thu lại. Trong khi đó, chưa tiêu hết vốn là do giao vốn chậm và phải hướng dẫn thực hiện.
"Chậm là do thủ tục và hướng dẫn nên vốn không kịp tiêu hết. Đến nay dù đã ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện, nhiều địa phương chưa tiêu hết vốn và bị thu hồi lại, rất băn khoăn", nữ đại biểu chia sẻ.
Theo bà, số vốn này là nguồn động viên lớn cho bà con, việc thực hiện chương trình cũng cho cả giai đoạn dài, nhưng chỉ vì vướng mắc cơ chế mà địa phương mới bắt tay vào làm đã bị thu hồi hết. "Chúng tôi rất băn khoăn", bà Luyến nói.
Lắng nghe những chia sẻ này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng ba chương trình mục tiêu quốc gia chậm do thủ tục ban đầu rất lúng túng. "Chương trình mục tiêu quốc gia rất đúng, rất cần, nhưng thủ tục rườm rà, không phân cấp. Trung ương đi làm cả việc của xã, việc của từng hộ gia đình thì sao làm hết được", theo lời Thủ tướng.
Nhấn mạnh cần phân cấp, phân quyền, người đứng đầu Chính phủ nêu đề xuất thí điểm phân cấp trọn gói cho cấp huyện, còn tỉnh giữ vai trò điều phối. Ví dụ, phân cho Bình Định 100 tỷ thì Bình Định phải lo các công việc tiếp theo, có thể thí điểm cho huyện "lo" trọn gói trong thực hiện các nhiệm vụ Trung ương giao.
"Mỗi tỉnh có thể thí điểm ở 1-2 huyện theo hướng giao trọn gói cho huyện, về cả vốn đầu tư, như vậy mới làm được", Thủ tướng nói.
Theo ông, quan trọng nhất là giao vốn, giao mục tiêu, hướng dẫn quy trình, cách làm và đi kiểm tra, giám sát.
"Nói thật, chúng tôi rất đau đáu việc này. Một rừng thủ tục như thế vướng là phải thôi, mà thủ tục do mình chứ do ai đâu. Do đó, phải điều chỉnh sát với tình hình cho khả thi, hiệu quả", lãnh đạo Chính phủ chia sẻ.
Nhắc lại quan điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Thủ tướng nhận định nhiều cách làm trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chưa mạch lạc khiến mọi việc bị rối, cần điều chỉnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát.
"Trung ương đi làm việc của xã, vướng là phải", Thủ tướng nhắc lại định hướng quan trọng trong việc phải phân cấp, phân quyền.
Trước đó, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại trung ương và các cấp địa phương đều chậm.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội cho phép HĐND cấp tỉnh được phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ còn đề xuất kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách Nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023, để đảm bảo đủ nguồn lực cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.
Thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, cũng là một đề xuất được Chính phủ trình lên.
3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.