1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trung tâm TPHCM sẽ gồm Phố Đông và Phố Tây

(Dân trí) - Để mở rộng khu trung tâm, TPHCM đã quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành khu đô thị trung tâm mới. Với việc ghép thêm Thủ Thiêm, trung tâm TPHCM sẽ gồm Phố Tây là khu trung tâm hiện hữu và Phố Đông là khu trung tâm mới.

Trung tâm TPHCM sẽ gồm Phố Đông và Phố Tây
Trung tâm hiện hữu (trong viền xanh) và Thủ Thiêm (trong viền đỏ) sẽ kết hợp thành Trung tâm TPHCM mới, đối xứng với nhau qua sông Sài Gòn

Mở rộng gấp đôi diện tích đô thị trung tâm

Ngày 14/4, TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo quy hoạch này, khu đô thị trung tâm của thành phố sẽ bao gồm khu trung tâm hiện hữu rộng 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 737 ha.

Trước đây, trung tâm thành phố chỉ bao gồm quận 1, quận 3. Đến đầu năm 2013, UBND TP chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm thành phố mở rộng thêm 1 phần quận 4 và Bình Thạnh, thành quy mô 930 ha như hiện nay. Với việc mở rộng sang Thủ Thiêm, Trung tâm TPHCM mới sẽ rộng 1.667 ha, rộng gần gấp đôi so với trung tâm hiện hữu.

Như vậy, với quy hoạch này, Trung tâm TPHCM mới được định hướng thành mô hình Phố Đông – Phố Tây đối xứng nhau qua con sông Sài Gòn. Phố Tây là khu trung tâm hiện hữu vẫn sẽ là trung tâm hành chính của thành phố và phát triển các chức năng văn hóa, lịch sử, du lịch, dịch vụ đa ngành. Phố Đông là khu trung tâm mở rộng (Thủ Thiêm) sẽ bổ sung các chức năng du lịch, dịch vụ đa ngành, các công trình giao thông và một số chức năng mà khu trung tâm hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển.

Trung tâm TPHCM tương lai (hình: Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM)
Trung tâm TPHCM tương lai (hình: Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM)
Từ Phố Tây đã phát triển nhìn về Phố Đông đang thành hình
Từ Phố Tây đã phát triển nhìn về Phố Đông đang thành hình

Hai khu này sẽ kết nối với nhau bằng nhiều cầu đường bộ, cầu bộ hành và đường hầm vượt sông. Về quy mô dân số, Phố Tây dự kiến đến năm 2020 có khoảng gần 250.000 người và sẽ không phát triển thêm. Phố Đông được quy hoạch cho quy mô dân số khoảng 150.000 người cư trú thường xuyên. Tổng cộng cả 2 khu là khoảng 400.000 người.

Tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển hạ tầng

Về quan điểm phát triển, quy hoạch nêu rõ sẽ xây dựng và phát triển TPHCM thành hạt nhân của vùng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Hai vấn đề lớn TPHCM sẽ thực hiện trong thời gian tới là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển nhanh và bền vững…

Cụ thể, TPHCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8,5% - 10,5% trong giai đoạn 2011 – 2025, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là khoảng 14.000 USD/năm. Ngành dịch vụ được định hướng phát triển các ngành mang tính đột phá. Ngành công nghiệp – xây dựng tập trung vào những ngành, lĩnh vực, công đoạn có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao. Nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao…

Về hạ tầng, TPHCM tập trung phát triển mạng lưới giao thông kết nối các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp và các công trình đầu mối giao thông liên vùng. Định hướng chung là sẽ phát triển thêm hạ tầng giao thông và các phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Từ Phố Tây đã phát triển nhìn về Phố Đông đang thành hình
TPHCM định hướng phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc và phát triển bền vững

Lĩnh vực đường bộ sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm và đường vành đai, tập trung vào các tuyến cửa ngõ và các nút giao thông trọng yếu. Mục tiêu là nâng tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đến nam 2015 là 8,2%, đến năm 2020 là 12,2% và đến năm 2025 là 16% – 20%.

Các ngành giao thông công cộng khác cũng được định hướng phát triển mạnh hơn. Đối với đường hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo, nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm. Xe buýt và metro được ưu tiên phát triển với mục tiêu đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân thành phố vào năm 2015, 20% - 25% vào năm 2020 và 30% vào năm 2025.

Theo quy hoạch này, trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung nghiên cứu, triển khai sớm các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp nhằm hạn chế sự phát triển phương tiện giao thông cá nhân, phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của thành phố.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân yêu cầu các sở-ngành, quận-huyện khi triển khai các quy hoạch chi tiết phải tuân thủ đúng quy hoạch tổng thể mà Thủ tướng đã phê duyệt. Trong quá trình quy hoạch chi tiết có thể sửa đổi, bổ sung nhưng phải xuất phát từ lợi ích kinh tế cao nhất cho thành phố, tuyệt đối không được vì mục đích cá nhân, cục bộ.


Tùng Nguyên