Trung tá Hồ Đắc Thạnh và huyền thoại Tàu không số
(Dân trí) - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tá Hồ Đắc Thạnh, sinh năm 1934, tại phường 3, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, người được biết đến với 12 lần điều khiển tàu không số vượt qua muôn trùng khó khăn giữa biển khơi để vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí đạn dược chi viện vào miền Nam, góp phần to lớn trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trung tá Hồ Đắc Thạnh nhập ngũ từ năm 16 tuổi, đến năm 1958, được chuyển sang học Trường 45 thuộc Cục Phòng thủ bờ biển, tiền thân của Bộ Tư lệnh Hải quân ngày nay. Sau đó, ông được biên chế về Đoàn 759 - Đoàn tàu không số, tiền thân của Lữ đoàn 125 bây giờ, thuộc Bộ tổng Tham mưu.
Với những đóng góp của mình, ông được nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhất; Ba năm liền là chiến sĩ thi đua và nhiền khen thưởng khác….
Còn Tàu 41 do ông làm thuyền trưởng là chiếc tàu duy nhất 2 lần được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ Trang Nhân dân (hiện mang số hiệu 671 và được đưa về Bảo tàng Quân chủng Hải quân). Tàu này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 6, năm 2017).
Người viết nên huyền thoại Vũng Rô
Vũng Rô, thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm trên tuyến đường huyền thoại của lịch sử quân sự Việt Nam và nhân loại - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tên Vũng Rô đã gắn liền với Trung tá Hồ Đắc Thạnh, người mở đường, trực tiếp làm thuyền trưởng 3 chuyến tàu đầu tiên vận chuyển 200 tấn vũ khí và 8 cán bộ cập bến an toàn.
Trong 12 lần đưa thuyền vượt biển đưa vũ khí, đạn dược chi viện vào cho miền Nam, thì 3 chuyến tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô là một ký ức không thể nào quên đối với Trung tá Hồ Đắc Thạnh.
Nhớ lại sự kiện này, Trung tá Hồ Đắc Thạnh hào hứng kể: "Nhiều chuyến thuyền chở đạn dược vào miền Nam, đi qua vùng biển miền Trung là lòng tôi đều hướng về quê hương. Ao ước rằng có một ngày nào đó mình sẽ được chỉ huy tàu không số trực tiếp đưa vũ khí về cho quê hương mình đánh giặc.
Năm 1964, sau khi hoàn thành chuyến công tác ở miền Tây, được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường Khu V bằng tàu sắt vào bến Vũng Rô (Phú Yên). Đây là bến của quê hương mình nên rất vui mừng, phấn khởi chuẩn bị chu đáo và lên đường.
Sau những ngày lênh đênh trên biển, đến ngày 28/11/1964 trên đường chuẩn bị vào bến Vũng Rô thì tàu ta gặp máy bay của địch theo dõi bám sát. Tiếp đó là 2 chiếc tàu chiến địch tiếp cận tàu ta khoảng cách 1 hải lý, lúc này tất cả các hạm pháo trên tàu địch đều mở họng và hướng súng của chúng vào tàu ta.
Trước tình hình này nếu mình không ngụy trang kỹ thì sẽ rất nguy hiểm, để địch biết tàu ta là tàu của Bắc Việt chở vũ khí cho Quân giải phóng thì chúng sẽ ra lệnh bắn ngay, nhưng mà tàu ta ngụy trang rất kỹ dưới dạng tàu đánh cá. Sau 1 giờ theo dõi, nó thấy tàu ta không có dấu hiệu khả nghi nên nó bỏ đi. Thế là từ 120 hải lý ở vùng biển Quốc tế tàu ta bắt đầu tiến vào Vũng Rô.
Đến khuya ngày 28/11/1964, tàu vào Vũng Rô thì cảm xúc quê hương cứ trào dâng rất khó diễn tả; không có người đón, tôi cho 2 thủy thủ đi thuyền vào Bãi Lau thấy người của ta đang lùi sắn ăn vì thiếu lương thực. Ai nấy đều vui mừng, chọn Bãi Chùa để bốc dỡ vũ khí. Nhưng vì khối lượng lớn nên không kịp, tôi quyết định cho tàu ngụy trang trước 4 giờ sáng để đến tối lại bốc dỡ tiếp. Đêm hôm sau tàu vào Bãi Chính, đến 3 giờ sáng toàn bộ 63 tấn vũ khí được giao cho quân giải phóng Phú Yên.
Chuyến thứ 2 vào đến vịnh Vũng Rô ngày 25/12/1964. Ngoài vũ khí cùng 4 cán bộ chi viện, tàu còn mang theo 3 tấn gạo cho đơn vị bến đang thiếu lương thực. Không thể kể hết tình cảm vui mừng của quân, dân đơn vị bến Vũng Rô khi ấy. Chuyến này cũng phải ngụy trang ở lại một ngày để bốc dỡ theo cách cũ, tàu ra vào vịnh Vũng Rô an toàn tuyệt đối.
Ngay khi về đến Hải Phòng, tàu 41 lại được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào đến Vũng Rô đúng giao thừa Ất Tỵ 1965, nhằm tranh thủ sơ hở của địch. “Tôi bảo với anh em thủy thủ sẽ đón Tết ở Vũng Rô. Khi kiểm tra hàng hóa trên tàu, đã thấy anh em chuẩn bị cả bánh tét, cành đào Nhật Tân, nên tinh thần ai cũng phấn chấn.
Tối 31/1/1965 đúng đêm giao thừa, tàu vào vịnh Vũng Rô, pháo nổ trắng trời, cứ ngỡ bị lộ nhưng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua radio mới nhận ra là pháo hoa của địch. Tàu được ngụy trang, phải 2 đêm mùng 1 và mùng 2 Tết Ất Tỵ mới bốc dỡ hết vũ khí…” - Trung tá Thạnh phấn chấn kể lại.
Nói đến đây, Trung tá Thạnh dừng lại bồi hồi: “Trong 3 chuyến hàng chở vào Vũng Rô, một ấn tượng không bao giờ quên trong cuộc đời tôi là giây phút cô dân công cầm chiếc khăn trong đó có một nắm đất gửi đến tôi với lời nhắn “Em gửi theo anh nắm đất Vũng Rô, nắm đất đã trải qua bao nhiêu lần giặc cày đi xéo lại nhưng mà vẫn kiên trung bất khuất, nay có súng đạn của các anh đưa vào, mảnh đất này sẽ là niềm tin để cho bà con anh em Vũng Rô (Phú Yên) nói riêng và miền Nam nói chung tiếp thêm sức mạnh dành nhiều thắng lợi giải phóng đất nước…”.
Cầm nắm đất Vũng Rô, nắm đất của quê hương trong tôi có một cảm xúc lạ dâng trào. Sau này, nắm đất sau khi trải qua nhiều hành trình hiện nay ở bảo tàng Quân chủng Hải Quân…” - Trung tá Thạnh nói.
Truyền lửa và nhiệt tình cách mạng
Năm 1984, Hồ Đắc Thạnh về hưu trở lại với cuộc sống đời thường. Đến năm 2011, ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Khi về hưu dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung tá Hồ Đắc Thạnh luôn giữ vững khí chất của anh bộ đội cụ Hồ.
Anh hùng Hồ Đắc Thạnh còn là “nhân chứng sống” trao truyền lại những bài học lịch sử quý giá cho thế hệ hôm nay. Bộ quân phục Hải quân nhân dân Việt Nam, giọng nói ấm áp và những câu chuyện lịch sử về huyền thoại Tàu không số đã trở thành quen thuộc với thế hệ trẻ ở Phú Yên.
Tại buổi nói chuyện với PV báo Dân trí, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh nhắn nhủ với thế hệ trẻ hôm nay: “ Ngày trước, chiến đấu trong thời chiến là vô cùng khó khăn, nhưng các chú các bác đều vượt qua và giành chiến thắng cho dân tộc Việt Nam. Hôm nay thanh niên của các cháu có đủ điều kiện rồi, có đủ trình độ năng lực thì trong tình hình đất nước đang ở tình thế vừa xây dựng kinh tế vừa bảo vệ tổ quốc, các cháu phải cố gắng làm tốt cả 2 vai trò này. Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam chúng ta hiện nay đang bị xâm phạm, trách nhiệm của các thế hệ trẻ là phải làm như thế nào đấu tranh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn non sông lãnh thổ Việt Nam…”.
Trung Thi