1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trung tá công an tố cáo Viện trưởng kiểm sát tại toà

Trong phiên toà xét xử bị cáo trung tá Hoàng Minh Công về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ngày 18/8, ông Công đã tố cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng cố tình trả thù, khởi tố vụ án trái luật.

Từ "phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng"...

Theo cáo trạng, Hoàng Minh Công là điều tra viên Phòng CSĐT Công an Đà Nẵng. Ngày 11/11/1999, ông được giao thụ lý điều tra vụ Phạm Mại (Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung) "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân" với tổng số tiền 4,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Công đã không làm các thủ tục tố tụng như: quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định phân công điều tra viên, chỉ làm thủ tục quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã bị can. Khi hết thời hạn điều tra vụ án, Hoàng Minh Công không làm thủ tục trình lãnh đạo ký quyết định tạm đình chỉ vụ án và tạm đình chỉ điều tra bị can.

Do vậy, khi bắt được Phạm Mại theo lệnh truy nã, cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đã phải huỷ bỏ biện pháp tạm giữ vì không có cơ sở phục hồi điều tra vụ án. Vụ án không được khởi tố nên không có cơ sở kết thúc điều tra mà ra quyết định pháp lý cuối cùng chấm dứt tố tụng vụ án.

Cáo trạng cũng khẳng định Hoàng Minh Công vi phạm các quy định về quản lý hồ sơ, để mất 181 bút lục và báo cáo kết thúc của Phòng Cảnh sát Kinh tế về vụ Phạm Mại. Điều đó khiến Công an Đà Nẵng phải tập trung lực lượng để khôi phục các tài liệu bị mất, làm căn cứ phục hồi điều tra.

Hành vi này của bị cáo được cho là đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan điều tra, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và công dân. Vì vậy, Viện KSNDTC cho rằng, có đủ căn cứ để xác định Hoàng Minh Công đã phạm tội.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo thừa nhận Hoàng Minh Công có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc không làm thủ tục trình lãnh đạo ký quyết định tạm đình chỉ điều tra và để mất 181 bút lục, gây nên những khó khăn nhất định trong các giai đoạn tố tụng khác nhau và phần nào cũng có gây thiệt hại về vật chất, uy tín của cơ quan tố tụng.

Tuy nhiên ông đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cần cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, có tình có lý về những hậu quả đó có nghiêm trọng tới mức cấu thành tội phạm hình sự hay không?

Đến... vô tội!

Để làm rõ vấn đề này, HĐXX đã yêu cầu Thượng tá Lâm Cao Luynh, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Đà Nẵng trình bày thêm. Ông này cho hay, về thiệt hại vật chất, để khôi phục 181 bút lục bị mất, cơ quan CSĐT Đà Nẵng đã cử điều tra viên đi xác minh, thu thập chứng cứ tại các đơn vị, cá nhân liên quan. Mỗi nơi chỉ đến làm việc một lần và tổng thời gian cho việc này chỉ mất hơn 14 giờ công, quy ra tiền lương thì khoảng... 100.000 đồng!

Đối với nhận định của cáo trạng rằng sai phạm của Hoàng Minh Công "gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan điều tra", Thượng tá Lâm Cao Luynh nhận xét: "Các sai phạm của Hoàng Minh Công lẽ ra chỉ thuộc phạm vi nội bộ, xử lý theo các quy định của ngành".

Trong khi đó, HĐXX cũng xác định: 181 bút lục và báo cáo kết thúc số 180 của Phòng CSKT Đà Nẵng mà Hoàng Minh Công làm mất chủ yếu phản ảnh quan hệ kinh tế, dân sự, là bản photocoppy (bản chính do cơ quan và đơn vị chủ quản quản lý), không có giá trị lớn và không ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý vụ Phạm Mại.

Phạm Mại có hợp đồng kinh tế, có giấy tờ vay mượn và đã trả được một lượng tiền lớn, chỉ còn lại một số ít so với số đã thanh toán. Việc ông Mại chưa thanh toán tiếp được số nợ này là do làm ăn thua lỗ chứ không phải cố tình chiếm đoạt.

Hơn nữa, ông Mại đã già (70 tuổi) nên cơ quan CSĐT thấy không cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đã cho gia đình bảo lãnh, chờ xử lý sau.

Theo HĐXX, nợ nần của Phạm Mại chỉ là tranh chấp kinh tế, dân sự chứ chưa có dấu hiệu hình sự. Vì vậy, cơ quan CSĐT Đà Nẵng đã giải quyết dứt điểm vụ việc bằng các quyết định huỷ bỏ khởi tố bị can và không khởi tố vụ án hình sự.

Các quyết định này đều đã được thông báo cho các đơn vị, cá nhân liên quan nhưng không có bất kỳ đơn thư khiếu kiện nào. Điều đó cho thấy sai phạm của Hoàng Minh Công chưa đến mức khiến vụ án không thể khởi tố, bỏ lọt tội phạm như Cáo trạng đã đánh giá.

Qua đó cho thấy, Hoàng Minh Công tuy có hành vi thiếu trách nhiệm nhưng chưa tới mức gây hậu quả nghiêm trọng đối với lợi ích của Nhà nước và công dân được quy định tại Điều 285 BLHS. HĐXX quyết định tuyên bố bị cáo Hoàng Minh Công không phạm tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Và những lời tố cáo tại phiên toà

Đây là lần thứ 2 phiên toà này được mở ra trong vòng 10 ngày. Trước đó, hôm 8/8, TAND TP Đà Nẵng cũng đã đưa vụ việc ra xét xử nhưng đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng lại vắng mặt không có lý do. Điều này hầu như chưa từng xảy ra tại các phiên toà ở Đà Nẵng.

Tại phiên toà lần này, ngoài việc bác bỏ hoàn toàn các luận cứ, luận điểm buộc tội trong Cáo trạng của Viện KSNDTC, Trung tá  Hoàng Minh Công còn cho rằng, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC không có thẩm quyền điều tra vụ án này và việc làm đó là đã "đứng trên luật pháp".

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo) phân tích thêm: Theo quy định tại khoản 3 Điều 110 BLTTHS, Cơ quan điều tra Viện KSNDTC có thẩm quyền điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội thuộc cơ quan tư pháp. Các tội đó được quy định ở điều 264 và 202 BLHS.

Tuy nhiên, ở đây Hoàng Minh Công bị truy tố tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" được quy định ở điều 285 BLHS thì lại không thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSNDTC!

Trong tâm trạng bức xúc, Trung tá Hoàng Minh Công trình bày với HĐXX: "Tôi cho rằng, nguyên nhân khiến tôi bị Viện KSNDTC khởi tố là vì năm 1999, khi được phân công thụ lý vụ án Phạm Minh Thông, tôi đã 9 lần đề xuất bắt Lê Tiến Dũng là Trưởng ban quản lý đầu tư dự án Nhà máy xi măng Hải Vân, nhưng đều bị Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng Nguyễn Quốc Dũng bác bỏ.

Được lãnh đạo Bộ Công an đồng ý, tôi đã viết quyết định khởi tố, được một Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng phê chuẩn và Lê Tiến Dũng đã phải thụ án. Sau đó, tôi nhiều lần viết đơn tố cáo với các cấp thẩm quyền về việc ông Nguyễn Quốc Dũng bao che tội phạm.

Để trả thù tôi, ông Dũng đã cấu kết với một số người ở Viện KSNDTC khởi tố tôi về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án Phạm Minh Thông, nhưng sau 17 tháng phải đình chỉ điều tra mà miễn trách nhiệm hình sự đối với tôi.

Đến nay, họ lại dựa vào vụ việc Phạm Mại để quyết tâm đưa tôi vào tù, cố tình đưa ra truy tố không đúng quy định. Khi bắt tôi, họ không có lệnh của Vụ thực hành công tố (Viện KSNDTC), sau 7 ngày mới đưa. Khi thu giữ hồ sơ của tôi tại cơ quan lẫn nhà riêng, họ cũng không lập biên bản...

Trong 9 tháng bị tạm giam, tôi bị đối xử hết sức tồi tệ. Khi di lý tôi từ Đà Nẵng ra Hà Nội, họ cùm tay, cùm chân, bỏ tôi nằm dài trên sàn xe suốt cả ngàn cây số. Đến khi ở trại tạm giam, tôi bị bệnh nặng, phải vào Viện quân y 108 nhưng họ không cho gia đình thăm nuôi... Suốt mấy năm qua, vì sự trù dập người tố cáo này mà tôi đã phải chịu đựng biết bao nhiêu tổn thất về vật chất lẫn tinh thần.

Tại phiên toà này, tôi đề nghị HĐXX ghi nhận lời tố cáo của tôi và có các biện pháp để làm rõ các hành vi cố tình vi phạm pháp luật như vừa nêu".

Tuy nhiên trong kết luận của mình, HĐXX của TAND TP Đà Nẵng không đề cập đến các tình tiết mới này. Phát biểu với báo chí về việc có yêu cầu Viện KSNDTC bồi thường vì đã khởi tố, bắt tạm giam oan sai, Trung tá Hoàng Minh Công cho rằng tất cả phải làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội!

Theo Hải Châu
VietNamnet