Trung Quốc không thể cứ mãi yêu sách đường lưỡi bò
Tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4 khai mạc sáng 26/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nghiên cứu biển Đông của Việt Nam và thế giới nhất trí rằng tuyên bố của Trung Quốc về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là vô nghĩa và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các quan khách tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 4.
Theo GS Franckx, cho đến tận bây giờ, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một lời giải thích rõ ràng nào về đường lưỡi bò. Ngày 7/5/2009, Trung Quốc lần đầu tiên trong 60 năm đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc văn bản đính kèm bản đồ có đường 9 đoạn, gây chú ý trong dư luận với tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với các đảo ở biển Đông và các vùng biển liền kề, được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy của vùng biển đó”.
Theo GS Franckx, các thuật ngữ của Trung Quốc trong công hàm này như “vùng nước liền kề” và “vùng nước liên quan” không phổ biến và không được sử dụng trong Luật Biển của Liên Hợp Quốc. Do đó có thể thấy quan điểm chính thống của Trung Quốc liên quan đến bản chất của yêu sách đối với vùng nước của biển Đông rất mơ hồ.
Ngay sau khi đường lưỡi bò chính thức xuất hiện trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối, trong đó nêu rõ Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển lân cận ở biển Đông như được minh hoạ trong bản đồ đính kèm với các công hàm gửi Liên Hợp Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế, do đó vô hiệu.
Theo GS Franckx, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ yêu sách đường 9 đoạn, bởi các đảo trong đường lưỡi bò này đều có tuyên bố chủ quyền mang tính chất lịch sử.
“Đối với một vùng nước rộng lớn như thế xét theo luật quốc tế, rất khó để một quốc gia chứng minh chủ quyền của mình thông qua việc tự mình vẽ ra một bản đồ không nhất quán” - GS Franckx nói và chỉ ra rằng các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ một bức tranh khác về biển Đông so với các bản đồ cũng như các tài liệu khác của các quốc gia ven biển trong khu vực. Đường lưỡi bò trên bản vẽ của Trung Quốc trước năm 1953 bao gồm 11 nét đứt, trong khi những phiên bản sau đó chỉ bao gồm 9 nét. Trung Quốc không đưa ra lý do chính thức nào để giải thích cho việc xóa đi 2 nét đứt này, do vậy các tài liệu không có sự thống nhất thì không đáng để tin cậy.
Luận điểm cuối cùng mà GS Franckx đưa ra về việc khó chấp nhận yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là vì một đường biên giới cần có sự đồng thuận của nhiều nước, chứ Trung Quốc không thể đơn phương tự vẽ ra được. Vì vậy, xét về khía cạnh luật quốc tế, Trung Quốc không thể duy trì mãi yêu sách đường lưỡi bò phi lý này.
Theo Vân Anh
Báo Lao Động