Trưng cầu ý dân: Làm không tốt dễ có tình trạng bỏ phiếu hộ
(Dân trí) - Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định với vấn đề được đưa ra trưng cầu.
Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định
Trình bày dự án Luật trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất về mọi mặt, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai.
Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho rằng, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định.
“Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước”, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Dự thảo xây dựng trên cơ sở kết quả cuộc trưng cầu ý dân có giá trị quyết định do đó, kết quả cuộc trưng cầu ý dân phải đảm bảo số lượng cử tri nhất định theo công thức “quá bán kép” cụ thể là: “Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành”.
Quyền dân chủ cao nhất
Chỉ rõ quan điểm còn có ý kiến khác nhau trong Luật trưng cầu dân ý, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.
Trong dự thảo Luật trình 2 phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Theo Phương án 1 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2 mở rộng thêm một số chủ thể khác có quyền sáng kiến pháp luật cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.
Về vấn đề trên, Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, trưng cầu ý dân là hình thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp cao nhất của người dân. Chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thảo luận và cân nhắc kỹ tại kỳ họp thứ 8 khi xem xét, thông qua Luật tổ chức Quốc hội. Theo đó, “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội”.
Ủy ban Pháp luật cũng đưa ra quan điểm rằng nếu quy định tỷ lệ tham gia và tán thành của cử tri quá cao (quá hai phần ba) đối với một vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân thì không khả thi. Thậm chí nếu tổ chức không tốt có thể dẫn đến tình trạng thúc ép cử tri đi bỏ phiếu hoặc cử tri đi bầu hộ, bầu thay và như vậy, sẽ làm giảm sút ý nghĩa của việc trưng cầu ý dân với tư cách là một hình thức để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình.
Do đó, Ủy ban pháp luật tán thành với việc quy định cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được quá nửa tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Phương án trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành được công bố để thi hành.
Quang Phong