Trục lợi từ giới thiệu con nuôi chưa bị xử hình sự
(Dân trí) - Lần thứ 3 Uỷ ban thường vụ QH thảo luận về dự thảo sửa đổi bộ luật hình sự. Bỏ hình phạt tử hình ở tội hiếp dâm còn nhiều băn khoăn. Tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi lại được đưa ra do yêu cầu từ thực tế…
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu quốc hội, về việc bổ sung Tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi (Điều 119a), có đại biểu cho rằng không cần thiết vì hành vi phạm tội quy định trong điều này không rõ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, nuôi con nuôi là một hoạt động nhân đạo sâu sắc nhằm góp phần bảo vệ quyền của trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, nhất là đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Gần đây một số đối tượng cũng đã lợi dụng việc giới thiệu con nuôi để trục lợi. Việc quy định một tội riêng sẽ làm rõ hơn cấu thành tội phạm của hành vi này, để dễ xử lý trong thực tế.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên xác nhận vấn đề giới thiệu trẻ em làm con nuôi đang ngày càng phát triển. Ông Kiên nêu quan điểm, ban soạn thảo nên thiết kế điều khoản riêng trong Bộ luật để kịp thời có chế tài xử lý.
Tuy nhiên, đặt vấn đề xử lý hình sự hay hành chính, theo UB thường vụ, cũng cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ, đề nghị chưa bổ sung trong lần sửa đổi luật này.
Về việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh, thường vụ QH “gật đầu” với đề nghị bỏ 8/17 tội, giữ lại hình phạt này ở 9 điều luật được thiết kế. Tổng hợp ý kiến của 23 đoàn ĐBQH, nhiều ý kiến đề nghị giữ mức phạt cao nhất ở tội hiếp dâm với hậu quả gây thương tật từ 61% trở lên, gây tự sát, chết người hoặc biết bản thân bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
Theo phân tích, hậu quả của hành vi hiếp dâm nhiều trường hợp nghiêm trọng làm cho nạn nhân chết hoặc tự sát, nhưng không thể truy cứu về tội giết người hoặc tội bức tử được. Quy định tình tiết tăng nặng của tội danh này làm cơ sở cho việc định khung hình phạt tử hình là phù hợp.
Ở 6 đoàn đại biểu khác, ý kiến giữ lại hịnh phạt cao nhất đối với tội hiếp dâm là vì thực tế hiện nay, loại hình tội phạm này đang có xu hướng tăng lên, diễn biến phức tạp, xâm phạm đến danh dự, sức khỏe, và tính mạng của con người. Khách thể xâm phạm đối với tội hiếp dâm là danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ. Vì thế, việc giữ lại hình phạt tử hình sẽ có tác dụng trừng trị đối với người phạm tội, đồng thời giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Trong khi đó, Uỷ ban tư pháp lại nêu quan điểm, xét về bản chất, hành vi hiếp dâm đã xâm phạm một cách nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi, khả năng giáo dục cũng như với chính sách nhân đạo của Nhà nước ta và trong xu hướng tiến bộ của thế giới thì không nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này.
UB thường vụ QH cũng cho rằng hình phạt tù chung thân là đủ nghiêm khắc và vẫn bảo đảm răn đe, phòng ngừa chung.
Với những tội danh mới thiết kế liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, UBTVQH cho rằng đây là các tội phạm mới được bổ sung nên trước mắt chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội đã phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng.
Thường vụ đã chỉ đạo ghép Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán vào Tội gian lận, lừa đảo trong giao dịch chứng khoán của dự thảo Luật Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết hoặc giao dịch chứng khoán.
P.Thảo