1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Trụ sở hoành tráng trở thành nơi... nuôi heo, nhốt bò

Quốc Triều

(Dân trí) - Gia súc, gia cầm được người dân nuôi nhốt trong khuôn viên những trụ sở đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng rồi bỏ hoang ở Quảng Ngãi.

Ngày 1/4/2020, tỉnh Quảng Ngãi quyết định sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng. Việc này nhằm thực hiện Nghị quyết 867 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. 

Cán bộ thuộc huyện Tây Trà cũ chuyển về làm việc tại trung tâm huyện Trà Bồng. Hai nơi này cách nhau khoảng 40km, do đó hầu hết trụ sở làm việc của các đơn vị thuộc huyện Tây Trà cũ phải đóng cửa.

Trụ sở hoành tráng trở thành nơi... nuôi heo, nhốt bò - 1

Nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Tây Trà cũ hoang hóa, xuống cấp nghiêm trọng sau hơn 2 năm sáp nhập huyện.

Một thời gian sau sáp nhập, chỉ một số trụ sở như Huyện ủy Tây Trà, trụ sở cơ quan Mặt trận và các hội đoàn thể… được chuyển cho một đơn vị sử dụng. Số còn lại chỉ chuyển giao trên giấy tờ mà không được sử dụng, quản lý nên xuống cấp trầm trọng. 

Sau hơn 2 năm sáp nhập huyện, xã Trà Phong (trung tâm huyện Tây Trà cũ) trở nên hoang vắng. Dọc tuyến đường trung tâm xã là những trụ sở bề thế bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm.

Trụ sở hoành tráng trở thành nơi... nuôi heo, nhốt bò - 2

Trụ sở còn khá khang trang nhưng bị người dân phá cửa đưa bò vào nuôi.

Ghi nhận tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tây Trà cũ, khối nhà 2 tầng với hàng chục phòng vô cùng nhếch nhác. Người dân địa phương tận dụng nuôi bò bên trong trụ sở; dưới nền nhà phân bò đóng thành lớp dày. Trụ sở tòa án cũng hoang tàn, cây dại mọc tràn lan. Một phần diện tích được tận dụng chăn nuôi gà.

Bà Hồ Thị Ba (một người dân ở địa phương) cho biết, lúc mới sáp nhập còn có người đến dọn dẹp, trông coi các trụ sở nhưng về sau thì đóng cửa im ỉm. Do không có người trông coi nên nhiều nơi xuống cấp, cây cối che phủ. Một số nơi bị người dân phá khóa đưa gia súc, gia cầm vào nuôi.

"Thấy trụ sở bỏ hoang nên nhiều người đưa bò vào chăn thả trong đó. Có nơi họ còn nuôi heo, gà bên trong. Mấy cái nhà này còn rất tốt mà bỏ hoang tiếc quá", bà Ba nói.

Trụ sở hoành tráng trở thành nơi... nuôi heo, nhốt bò - 3

Heo, gà cũng được người dân đưa vào bên trong các trụ sở bỏ hoang để chăn nuôi.

Theo UBND huyện Trà Bồng, sau khi sáp nhập, tất cả tài sản của huyện Tây Trà được bàn giao cho huyện Trà Bồng quản lý, gồm hàng chục khu nhà công vụ, với tổng diện tích đất sử dụng hơn 589.000m2, tổng giá trị hơn 516 tỷ đồng.

Dù huyện Trà Bồng đã bố trí một số trụ sở của huyện Tây Trà cũ cho các cơ quan, đơn vị, nhưng vẫn không sử dụng hết. Huyện cũng gặp khó khăn về nguồn kinh phí thuê người trông coi nên nhiều trụ sở đóng cửa lâu ngày đã xuống cấp.

Trụ sở hoành tráng trở thành nơi... nuôi heo, nhốt bò - 4

Nhiều công trình hoành tráng rơi vào tình trạng đóng cửa, xuống cấp khiến người dân huyện Tây Trà cũ tiếc nuối.

Cũng theo UBND huyện Trà Bồng, trung tâm huyện Tây Trà cũ nằm ở nơi hẻo lánh, dân cư thưa thớt nên việc xử lý các trụ sở này gặp nhiều khó khăn. Đối với trụ sở các đơn vị ngành dọc như viện kiểm sát, tòa án bị người dân chiếm dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm gây nhếch nhác, huyện sẽ có kiến nghị để các đơn vị quản lý trực tiếp tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng này.