1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
  3. Thảm họa lũ quét Làng Nủ

Trụ cầu ở Huế như "răng sâu", có thể sập bất cứ lúc nào

Vi Thảo

(Dân trí) - Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, chân trụ bị ăn mòn, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào.

Hiện nay, ngành giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý 19 cây cầu dọc tuyến Quốc lộ 49B, 20 cầu trên Quốc lộ 1A (đoạn Km791A+500 - Km848+875) và 143 cầu trên các tuyến đường tỉnh.

Đáng chú ý, trên 621km đường tỉnh ở Thừa Thiên Huế, có 6 cây cầu đã xuống cấp, tải trọng thấp, không phù hợp với khả năng khai thác của tuyến, gồm: Cầu Lợi Nông, Như Ý, Trung Chánh (Tỉnh lộ 3); An Hòa (Tỉnh lộ 4); Nam Giản (tỉnh lộ 11C) và cầu treo Bình Thành (Tỉnh lộ 12D).

Trụ cầu ở Huế như răng sâu, có thể sập bất cứ lúc nào - 1

Nhiều cây cầu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuống cấp, nguy cơ sập (Ảnh: Vi Thảo).

Năm 2020, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương xây dựng mới 6 cầu yếu trên, nhưng do khó khăn về kinh phí, nhiều công trình khác cần ưu tiên triển khai trước, nên đến nay việc xây mới cầu chưa thực hiện được.

Vừa qua, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra, giám sát, hậu kiểm xe quá tải lưu thông qua những cầu có tải trọng thấp, cầu hạn chế tải trọng, cầu yếu; đồng thời kiểm tra xói lở mố trụ, kết cấu công trình cầu trên các tuyến quốc lộ.

Qua đánh giá, cơ quan chức năng nhận định 3 cây cầu (Lợi Nông, Như Ý, Trung Chánh) trên tuyến Tỉnh lộ 3, đoạn đi qua địa bàn vùng trũng thấp thuộc thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, đã xuống cấp nặng, có nguy cơ sập.

Trụ cầu ở Huế như răng sâu, có thể sập bất cứ lúc nào - 2

Dầm cầu, trụ mố cầu Lợi Nông hoen gỉ nặng (Ảnh: Vi Thảo).

Các cây cầu này có nhiều hạng mục hư hỏng nặng như: mố, trụ, mặt bản dưới cầu bị bong bật cốt thép 10-20%, các thanh liên kết dầm sắt gỉ sét, mố cầu bị xói lở, dầm bê tông cốt thép không liên kết với mố cầu, các trụ kê mố cầu không có tường chắn đất,…

Tại 3 cây cầu nêu trên còn có hiện tượng sụt lún, bong tróc lớp bê tông mặt cầu, mố xây bằng đá hộc bị xói lở, hư hỏng (trên 70%). Phần gia cố bằng rọ đá ở đầu cầu Như Ý bị hư hỏng làm rơi đá hộc ra ngoài.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Dân trí, dù đã xuống cấp nhưng hàng ngày, 3 cây cầu yếu trên tuyến Tỉnh lộ 3 "gánh" một lượng lớn phương tiện đi qua. Vì là tuyến đường huyết mạch của khu vực, nhiều ô tô vận tải chở hàng hóa, vật liệu xây dựng vẫn phải lưu thông theo hướng này.

"Các trụ cầu bị bong bật lớp bê tông bên ngoài, lộ rõ phần cốt thép đã hoen gỉ bên trong, tựa như chân răng đã bị ăn mòn, không biết rụng lúc nào", một người dân sống cạnh cầu Như Ý lo lắng.

Trụ cầu ở Huế như răng sâu, có thể sập bất cứ lúc nào - 3

Một trụ cầu Như Ý được người dân ví như răng đã bị mòn chân (Ảnh: Vi Thảo).

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết sau khi kiểm tra, các đơn vị quản lý đã cắm biển báo hạn chế tải trọng đối với các cây cầu yếu để bảo đảm an toàn giao thông.

Các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, vệ sinh mặt cầu, hệ thống thoát nước, đầu dầm, khe co giãn, gối cầu và sửa chữa những hư hỏng nhỏ, cục bộ, trám cấu kiện bê tông bị vỡ, đánh gỉ và sơn lại các cấu kiện thép.

Để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sớm bố trí vốn để nâng cấp cải tạo, xây mới các cầu yếu.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, yêu cầu có giải pháp ngắn hạn đối với các cây cầu yếu, bao gồm biện pháp hạ tải, hạn chế phương tiện trọng tải lớn qua cầu; có kế hoạch, bố trí nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp, sửa chữa, xây dựng cầu mới vững chắc hơn.