1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM:

Trồng dừa làm cây xanh đô thị ở TPHCM dễ phải "trả giá"!

(Dân trí) - Liên quan đến việc Hiệp hội Dừa Việt Nam đề xuất trồng dừa ven kênh rạch, tuyến đường mới ở TPHCM, nhiều chuyên gia về môi trường, giao thông,… khẳng định: “Đề xuất trồng dừa làm cây xanh là không phù hợp. Điều này là sai lầm và phải trả giá”.

PGS.TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC) ĐHQG TPHCM - cho rằng việc trồng dừa làm cây xanh ở TPHCM là không phù hợp.

Theo ông Phi, khi quả dừa, tàu lá rụng sẽ rất nguy hiểm đến người đi đường; lại tăng gánh nặng ngân sách cho việc chăm sóc, bảo đảm an toàn. Dừa chỉ phù hợp trồng để tạo cảnh quan ở nông thôn.

“Nói hệ thống kênh, rạch chằng chịt, nhưng thành phố cũng đang dần cải tạo, có đường ven kênh phục vụ giao thông, hay làm công viên,… Diện tích đất để trồng dừa là rất hạn chế. Mà tại sao không chọn cây khác mà lại chọn cây dừa. Nếu làm cây xanh đô thị thì quan trọng là tạo bóng mát. Trong khi đó, cây dừa thì cho bóng mát không nhiều” – ông Phi nói.

Trồng dừa ven biển (ảnh: phuot.vn)
Trồng dừa ven biển (ảnh: phuot.vn)

Theo ông Phi, xét về mặt kinh tế, trồng dừa ở đô thị sẽ không mang lại hiệu quả. Ở xứ dừa Bến Tre, người ta trồng tập trung với diện tích lớn nên tiện công chăm sóc và dễ thu hoạch. “Còn ở thành phố trồng dừa lẻ tẻ dọc kênh, dọc đường phố thì công hái dừa cũng tốn kém, liệu tiền bán dừa có bù lại được tiền công đi hái?”, ông Phi đặt câu hỏi.

“Một số vùng biển như Nha Trang, Vũng Tàu người ta trồng dừa nhưng số lượng không nhiều. Dừa có khả năng chống xâm nhập mặn, chắn gió và cũng tạo cảnh quan đẹp nên trồng ở vùng biển là hợp lý. Hơn nữa, đơn giản là ở vùng biển, người ta không có nhiều lựa chọn. Trong khi đó, TPHCM có nhiều sự lựa chọn hơn tại sao phải chọn cây dừa. Trên thế giới người ta cũng không chọn dừa làm cây xanh đô thị”, - ông Phi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Phạm Sanh nói: “Ở những vùng biển thì không trồng được cây khác nên phải trồng dừa. Ông cha ta đã biết cây dừa từ lâu nhưng không ai đem dừa trồng ở đường phố. Việc trồng cây dừa ở đô thị, nhiều nước trên thế giới cũng đã nghiên cứu rồi nhưng người ta không áp dụng. Giờ mình nghĩ ra ý tưởng này rõ ràng là không khả thi”.

Theo ông Sanh, khi đề xuất chọn một chủng loại cây nào đó để trồng trong đô thị không nên chỉ quan tâm tới nâng cao cảnh quan mà phải xét tới nhiều yếu tố, đặc biệt là vấn đề an toàn. Với thực trạng hiện nay, xu hướng chọn cây xanh đô thị phải là cây thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng đồng thời cũng phải tạo bóng mát, phù hợp cảnh quan.

Ông Sanh phân tích, trồng dừa ở đô thị có nhiều yếu tố nguy hiểm cho người tham gia giao thông như nguy cơ trái dừa, tàu lá,… rơi trúng đầu. Ngay cả những khu du lịch, người ta cũng cảnh báo là nên cẩn thận khi đi dưới gốc dừa. Dừa thì trồng ở vùng biển thì mới đẹp. Còn dừa đứng từng hàng trơ trọi trên đường phố - cây thì cao, bóng mát thì ít -  thì “tệ” hơn rất nhiều so với nhiều cây khác.

Theo ông Sanh, nếu trồng dừa dọc kênh rạch tự nhiên còn hoang dã thì nó sẽ giúp cải tạo đất, giữ bờ; trồng ở những khu khai thác du lịch, dọc sông Sài Gòn thì cũng hợp lý vì nó làm khung cảnh thơ mộng hơn. Còn nếu trồng ở bờ kênh được kiên cố, hoàn chỉnh thì rễ dừa sẽ phá kết cấu bê tông, phá vỉa hè. Ngoài ra cũng sinh ra nạn trộm cắp (hái dừa).

Cây dừa mặc dù hệ rễ rất nhiều nhưng không phải là rễ cọc mà là rễ chùm ăn ngang, đối với đất đô thị TP bê tông nhiều, đất dành cho cây dừa sẽ ít hơn ở nông thôn cho nên sức bám của bộ rễ có phần hạn chế và khả năng chịu đựng những trận cuồng phong sẽ yếu hơn những cây dừa được trồng ở nông thôn.

“Trồng dừa ở đô thị không tận dụng được ưu điểm của dừa mà ngược lại phát huy những nhược điểm thì e là quá phi thực tế. Còn nếu nói áp dụng công nghệ mới, trồng dừa mà không cho ra trái thì phiêu lưu và tốn kém vô cùng. Cách làm này là không khả thi. Không nên thí điểm, áp dụng theo đề xuất trồng dừa làm cây xanh. Điều này là sai lầm. Việc chọn chủng loại cây gì trong đô thị là việc rất quan trọng, nếu chọn sai chủng loại cây sau này có thể phải trả giá”, ông Sanh kết luận.

 

TPHCM từng cấm trồng dừa trên đường phố

Theo Quyết định 52, ngày 25/11/2013 về ban hành danh mục cây cấm trồng trên đường phố thuộc địa bàn TPHCM, cây dừa bị cấm trồng, vì quả dừa to, rụng gây nguy hiểm.

27 loại cây khác thuộc diện cấm trồng gồm: bã đậu, bàng, bồ kết, các loại cây ăn quả, cao su, cô ca cảnh, da (sung), điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, lòng mức lông, mã tiền, me keo, mò cua (sữa), sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trôm hôi, trứng cá, trúc đào và xiro.

Theo UBND TPHCM, những loại cây trên có độc tố gây nguy hiểm cho người, gây ảnh hưởng sức khỏe, môi trường. Còn cây ăn quả khuyến khích trẻ em leo trèo, quả rụng ảnh hưởng vệ sinh đường phố.

 

Quốc Anh

Trồng dừa làm cây xanh đô thị ở TPHCM dễ phải "trả giá"! - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm