1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trộn bê tông “vá” những mảnh đời...

(Dân trí) - Quá trưa, 3 người phụ nữ vẫn gồng mình bưng những hòn đá lớn lên xe ba gác rồi chở ngược lên dốc. Theo chân những người phụ nữ “cơ bắp” ấy, chúng tôi tìm về bãi táp lô, nơi hàng ngày những người phụ nữ vật lộn với kế sinh nhai.

Bãi mưu sinh của phụ nữ

 

Bãi táp lô cuối đường Đào Tấn (TP Huế) xơ xác nằm ngổn ngang những đống cát sạn, ngay trên bãi đất có căn chòi tạm phủ bạt xanh đã thủng lỗ, te tua theo mưa nắng. Bên trong căn chòi trống hoác vất vưỏng mấy bì xi măng đang bóc dở với ấm nước chè cáu cạnh. Nhìn khắp bãi không một bóng người đàn ông, chỉ thấp thoáng dáng hình gầy gò của một người phụ nữ đang cật lực trộn hồ giữa cái nắng gay gắt.

 

Quẹt những dòng mồ hôi trên má, dì Mãn cật lực đảo trộn bê tông. Bà Nguyễn Thị Cháu, chủ bãi táp lô vui chuyện bằng câu nói đùa chua chát: “Sự đời của bãi cô đơn”.

 

Không phải vô cớ mà bà gọi như vậy, tất cả những người làm công ở đây đều là phụ nữ, họ mang những số phận khác nhau nhưng họ cùng có chung một điểm là hoàn cảnh gia đình éo le, không hạnh phúc và phải làm cật lực chỉ để đủ ăn qua ngày.

 

“Bãi cô đơn” - theo cách gọi của bà Cháu - đã hình thành cách đây 10 năm. Hình thức hoạt động của nó cũng rất “cô đơn” vì chỉ có bà Cháu, 70 tuổi, đứng ra làm thầu khoán chính, kiêm luôn cả gọi nhân công, trả tiền và hoàn tiền cho doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng.

 

Ngồi bên dãy táp lô còn nặng mùi bê tông, bà Cháu thổ lộ: “Tui già rồi, công việc không còn được như ngày trước nữa, những người làm việc ở đây tự xoay sở hết mọi công việc, lời lãi bao nhiêu cả tui lẫn họ đều hưởng như nhau. Tiếng là chủ nhưng thiệt ra chỉ là có chút vốn bỏ ra mua vật liệu xây dựng thôi, họ cực khổ không có vốn thì góp công, khi nào có người mua táp lô thì họ chở đi, không có việc thì đúc táp lô, đi chở cát sạn thuê”.

 

11 giờ trưa, mới có 2 người phụ nữ kéo xe về bãi, đó là dì Mai và dì Hương, hai người vừa chuyển một xe sạn từ ngoài đường Duy Tân vào trong kiệt với giá 15.000 đồng.

 

Công việc ở “bãi cô đơn” dù không ồn ào, tấp nập nhưng luôn bận rộn và vất vả. Bên cạnh bãi táp lô, hàng xe kéo xếp ngay ngắn chỉ chờ người tới kêu là xuất phát. Ngần ấy công việc nặng nhọc, đều một tay những người phụ nữ đảm nhiệm.

 

Những mảnh đời sau “bãi cô đơn”

 

Trên bãi táp lô này, các dì làm việc cùng nhau, đồng tiến kiếm được chia đều hết thảy, những lúc đói run tay ổ bánh mì bẻ ba bẻ bốn. Tuy nhiên mỗi người có mỗi hoản cảnh éo le của riêng mình, họ phải bán mồ hôi để đổi lấy cơm áo cho những đứa con.

 

Trong số mười người làm thuê ở bãi thì dì Mai là người có hoàn cảnh đặc biệt hơn cả. Nhà có 6 đứa con nhưng lại nghèo túng, chồng đạp xích lô ở chợ Bến Ngự, chú cũng đã già không còn sức mà bươn chải với đồng tiền, chỉ ai gọi thì đạp xe đi. Người con trai đầu học hành không đến nơi đến chốn phải nối nghiệp cha đạp xích lô chở hàng thuê, thế nhưng thanh niên làm nghề này nuôi thân chưa đủ nói gì đến chuyện lo cho gia đình. Hai đứa tiếp theo 1 theo bạn vào Nam kiếm sống, đứa về nhà vợ ở rể. Ba đứa còn lại còn nhỏ dại đang tuổi cắp sách tới trường. Thương con, dì Mai gồng mình kiếm tiền cho chúng theo học chứ chẳng lẽ nối gót mãi theo cái nghèo.

 

Còn dì Mãn, người đảm nhận công việc đúc táp lô, hoàn cảnh cũng không mấy khá hơn. Dì lấy chồng được 15 năm và cũng đã chịu đủ mọi khổ cực từ 15 năm đó. Chồng dì nghiện rượu, không chịu làm việc, chỉ đòi tiền vợ đi uống. Sau khi sinh đứa con thứ hai, chồng dì bắt đầu phát bệnh xơ gan, dì phải chạy ngược xuôi lo tiền thuốc. Thương con dì không nỡ nhìn chúng sống trong cảnh gia đình lìa tan, nuốt nước mắt vào trong dì đến với bãi táp lô chấp nhận công việc nặng nhọc để kiếm đồng tiền nuôi các con và lo cho ông chồng thiếu tình nghĩa.

 

Tiền công kiếm được hàng ngày chị nhường em, em nhường chị, rồi khi phố thị lên đèn họ mò mẫm trở về trên đôi chân rã rời. Bình minh lên, họ lại lao ra đời kiếm sống. Công việc của họ cũng chỉ may rủi ở trời. Hôm nào khá, nhiều người thuê thì được 50 ngàn đồng, cũng có hôm mỗi người chỉ được mươi ngàn đồng, các dì phải ăn tạm mì, dành tiền ăn cho các con. Trong thời buổi giá cả càng ngày càng tăng, sức nặng của  nhả bê tông như muốn gò lưng của những người làm việc trên bãi táp lô này.

 

Mùa nắng người ta xây nhà nhiều nên táp lô bán chạy, họ kiêm luôn công việc chở hàng cho khách để dôi ra được vài chục bạc lẻ. Nhưng vào mùa mưa thì ế ẩm không ai kêu, các dì lại tranh thủ đi nghề buôn ve chai.

 

Công việc các dì bận túi bụi, đè nặng lên vai. Dù vắt kiệt những dòng mồ hôi trên bãi cát sạt hăng mùi nắng nhưng họ vẫn hi vọng đến ngày mai trời tiếp tục nắng, nhiều công trình xây mới, để các dì có công việc kiếm tiền nuôi con, dù rằng đó là công việc mà các dì sẽ không có đủ mồ hôi để đổ.

 

Trần Văn Tú