1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trộm đánh ôtô đến chùa “chôm” tượng

Táo tợn, liều lĩnh, đó là hành vi của những tên trộm cổ vật ở các tỉnh phía Bắc. Tại chùa Biện Sơn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc - một di tích văn hoá được xếp hạng quốc gia với những pho tượng cổ, quý hiếm với niên đại hàng trăm năm, trong vài năm qua, hầu như năm nào chùa cũng bị bọn xấu “viếng thăm”.

Đánh cả ô tô chở đồ ăn cắp

Đại đức Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn cho biết, từ năm 2001 đến nay, chùa đã mất cắp đến... 3 lần, thậm chí 32 pho tượng cổ, gắn trên toà Cửu Long (nơi thờ chính trong chùa) đã bị bọn trộm lấy lần thứ hai.  

Lần thứ nhất, kẻ trộm đã lấy đi, sau đó công an tìm lại được và trả về chùa. Thế rồi, "ngựa quen đường cũ", chỉ một thời gian sau, kẻ trộm lại tới cuỗm đi. Chưa hết, chùa còn mất pho tượng Quan âm nhiều tay cao tới 1,6m, mà muốn lấy phải đánh cả ôtô tới để chở.

 

Mới đây, bọn trộm suýt nữa ăn cắp được hai pho tượng Thích Ca Mâu Ni. Đại đức Thích Minh Pháp khẳng định: "Xét về giá trị văn hoá, tinh thần thì vô giá, bởi đây là những bức tượng cổ, có niên đại hàng trăm năm nay và đồng bộ với số tượng ở trong chùa".

 

Táo tợn hơn, tại đình Hoàng Chuế, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, bọn trộm còn đánh cả xe ôtô vào đình để ăn cắp hai bộ kiệu và 10 bộ chấp kích. Ông Nguyễn Huy Kỳ, người được giao trông nom ngôi đình cho biết, hai bộ kiệu đẹp và rất giá trị. Hàng năm bà con trong làng đều làm lễ rước kiệu theo truyền thống, khi rước phải cần tới 24 người khiêng, vậy mà bọn trộm vẫn lấy cắp ngon ơ. Bây giờ, ngày hội hàng năm, người dân chẳng còn biết rước gì nữa!

 

Theo thống kê, trong toàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua đã có khoảng 150 cổ vật bị đánh cắp.

 

Tại Hà Tây, nơi có nhiều di tích đền, chùa vào loại nhất, nhì miền Bắc thì tình trạng ăn cắp cổ vật cũng tỉ lệ thuận cùng số lượng đình, chùa. Theo Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hà Tây, từ năm 2000 - 2004, toàn tỉnh đã xảy ra 40 vụ, mất 298 hiện vật... Rồi các tỉnh như Phú Thọ, Bắc Ninh cũng xảy ra nhiều vụ mất cắp những cổ vật có giá trị...

 

Năm 2003-2004, tại Vĩnh Phúc đã xảy ra 20 trộm tại các đình, chùa và mất 150 cổ vật. Trong đó có 101 hiện vật đồ gỗ, 18 hiện vật đồ sứ, 25 đồ giấy và 6 đồ đồng. Mới chỉ có... 1 vụ được cơ quan công an  khám phá.

           

Hà Tây hiện có 820 ngôi đình, 800 ngôi chùa trong đó  369 di tích và cụm di tích được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận, 12 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

 

Từ 2000- 2004 đã xảy ra 40 vụ trộm cổ vật với 298 hiện vật bị đánh cắp. Cổ vật bị mất chủ yếu là: Đạo sắc phong, tượng Phật, Cửa võng, Kiệu rước, Long ngai bài vị, Lư hương, Kiệu rước và các lọ lục bình, chén sứ, hạc, ấm  tích...

Có những nơi, mặc dù đã lắp hệ thống báo động nhưng cổ vật vẫn bị mất như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Hay tại chùa Tây Phương (Hà Tây) bọn trộm đánh cả xe tải để ăn cắp bức tượng Phật bà Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay mà không ai biết...

 

Mất 20, tìm được... 1

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cắp cổ vật tại các đình, chùa và khu di tích văn hoá là do việc triển khai bảo vệ ở địa phương cũng như việc điều tra, xử lý bọn tội phạm của cơ quan chức năng chưa đến nơi đến chốn.

 

Ông Nguyễn Chí Ninh, chuyên viên Ban quản lý di tích thuộc Sở VH-TT Vĩnh Phúc cho biết: "Việc đánh cắp cổ vật tại các đình, chùa hiện nay, theo đánh giá của chúng tôi là nghiêm trọng, đây là tệ nạn cần sớm ngăn chặn. Ngoài nguyên nhân do những ngôi đình, chùa này nằm cách xa dân, xây dựng lâu ngày, đã xuống cấp, không có lực lượng bảo vệ... thì còn một nguyên nhân quan trọng nữa là sự phối hợp triển khai của các cơ quan chức năng hầu như không có. Trong số khoảng 20 vụ mất cắp, cơ quan chức năng mới chỉ phá được đúng... 1 vụ".

 

Cũng theo ông Ninh, sự phối hợp giữa cơ quan công an và Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh vẫn chưa thực sự chặt chẽ dù mới đây, Sở cũng đã có công văn gửi công an tỉnh để cùng phối hợp điều tra, ngăn chặn.

 

Cho đến nay, những gì mà cơ quan chủ quản đang làm mới chỉ dừng lại ở các cuộc hội họp, công văn... Còn điều cần thiết là phải tăng cường một cách có hiệu quả việc bảo vệ tài sản tại các di tích và điều tra xử lý nghiêm minh những kẻ tổ chức, tiêu thụ những cổ vật thì triển khai vẫn rất chậm. 

 

Đức Hòa