Đồng bằng sông Cửu Long:
Trời lạnh, nước bẩn: Cá chết hàng loạt
Liên tục trong những ngày qua tại các bè nuôi cá trên sông Tiền (Tiền Giang) và sông Hậu (An Giang), cá, tôm chết hàng loạt nổi lềnh bềnh trên sông.
Chúng tôi ngược sông Tiền từ cầu Rạch Miễu về phía hạ lưu cù lao Tân Long (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - nơi có trên dưới 100 bè cá. Lúc này có khá nhiều người đang quăng chài xung quanh các bè cá. Hỏi chuyện cá chết, một bạn chài xác nhận: “Mấy hôm nay tụi tui bắt được rất nhiều tôm và cá khờ (sắp chết)”.
Đi ngang qua khu vực này, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy khá nhiều cá chết nổi lên trắng bệch trong bè. Ông Nguyễn Văn Đong có ba bè cá điêu hồng nuôi dọc cù lao Tân Long. Mấy ngày nay ông mất ăn mất ngủ vì bỗng nhiên cá bị hao hụt khá nhiều.
Lúc 14h30 ngày 2/1, trong bè cá của ông có khoảng năm con to cỡ bàn tay chết nổi trên mặt nước mà ông không buồn vớt lên. Ông Đong kể: “Khoảng bốn ngày nay nước xấu quá. Hôm trước thấy tôm, tép tự nhiên nổi lờ đờ xung quanh bè, tui bắt đầu lo nhưng không kịp. Hôm sau cá bị hao nhiều, tỉ lệ hao gần gấp đôi ngày thường”. Các bè cá của ông còn khoảng hơn một tháng nữa sẽ thu hoạch, nhưng tình hình này làm ông rất lo.
Ở các bè cá gần đó, khá nhiều cá điêu hồng và một số loại cá khác chết nổi lềnh bềnh. Anh Đinh Quốc Phong, chủ bè cá điêu hồng composite gần bè ông Đong, nói: “Tui lo sốt vó mấy ngày nay. Không hiểu sao cá bỏ ăn rồi chết nhiều quá. Có ngày bị hao hơn 100 con. Cá mới nuôi được gần ba tháng, lỡ có chuyện gì…”.
Ông Đong tâm sự: “Tôi cũng mong có ai tới hỏi chuyện này để nói cho họ biết coi có cách gì không, chứ để tình trạng này kéo dài thì mệt lắm”. Ông cho biết thêm mấy ngày nay không cho cá dùng kháng sinh mà chỉ... phó mặc cho trời (?). Các chủ bè đều bảo đã vớt hết cá chết xay chế biến thức ăn cho cá khác ăn.
Trong khi đó tại một số làng bè trên sông Hậu thuộc địa phận An Giang cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt trong mấy ngày qua. Ông Võ Văn Tuồng, chủ ba bè cá ở làng bè Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang), cho biết không riêng gì bè của ông mà gần như 90 hộ nuôi bè ở cụm ba câu lạc bộ 20.000 tấn cá nguyên liệu của Công ty Agifish đều gặp khó khăn vì hiện tượng cá chết, cá sụt giá.
Nhiều bè như của ông Tư ở tổ 11, khóm Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, lượng cá chết trên 50% (loại trên 500 gam/con), có bè chết sạch. Ông Tư khẳng định trong thời gian chưa đầy bốn tháng nuôi, số cá tra chết do nguồn nước bẩn đã làm gia đình ông mất đứt trên 700 triệu đồng.
“Từng là một đại gia trong làng cá bè, với trên chín năm kinh nghiệm ăn nên làm ra vậy mà chưa bao giờ tôi bị thua lỗ và ê càng với nghề cá bè như bây giờ. Chỉ riêng phần nợ ngân hàng do giá rớt, cá chết thôi đã lên tới 1,4 tỉ đồng” - ông Tư cho biết thêm.
Theo một cán bộ ở Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tiền Giang, thời gian qua chi cục đã có khuyến cáo người dân không nên thả nuôi với mật độ dày và khi phát hiện môi trường nước xấu phải tăng cường sức đề kháng cho cá. Tuy nhiên do người dân có tâm lý nuôi dày để… trừ hao số lượng hao hụt, nên tình trạng cá nhiễm bệnh chết xảy ra khá thường xuyên. Và lẽ ra khi cá chết, người dân phải vớt lên thì có không ít trường hợp cứ để đó hoặc vớt bỏ ra sông nên mức độ lây nhiễm càng nghiêm trọng.
Khảo sát các bè cá ở làng bè cá Mỹ Hòa Hưng, chúng tôi chứng kiến nhiều nhà bè hư hỏng, không được tu sửa, thậm chí bỏ lún vì không còn khả năng tái đầu tư cho sản xuất. Bè của ông Th. bên chìm bên nổi, đồ đạc xiêu vẹo trông rất thảm. Ông T. nhà bè gần bên cho biết nguồn nước môi trường càng ngày càng xấu. “Chúng tôi định nghỉ nuôi cá một thời gian cho nguồn nước sạch trở lại sau đó mới thả cá. Thế nhưng sau thời gian vài tháng nghỉ nuôi, khi thả nuôi thử cá vẫn chết. Những năm 1996-1997 tỉ lệ hao hụt do cá chết khoảng 15-20% nhưng bây giờ đã trên 50%”.
Theo bà Ngọc Xuân, trưởng phòng môi trường Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã được sở cảnh báo từ lâu. Ông Trần Đắc Mậu, chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản An Giang, cũng cho rằng phổ biến nhất là tình trạng xả chất thải từ bè xuống sông, nhiều chất đã cấm không được sử dụng vẫn được thải bừa xuống sông. Đó là chưa kể nhiều nhà máy, sản xuất nông nghiệp, khu dân cư đô thị... thải nước bẩn chưa xử lý ồ ạt ra sông. Cá trên bè và ao hồ sẽ chết và chết nhiều hơn nếu không có biện pháp xử lý quyết liệt.
Ông Dương Quốc Nghĩa, giám đốc Sở NN& PTNT Đồng Tháp, cũng cho biết hiện nay cá chết nhiều hơn mọi năm và cần thiết phải có sự liên kết để giải quyết tình trạng cá chết trên sông. Ông nói: “Nếu không có giải pháp đồng bộ trong chăn nuôi thủy sản giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL thì rất khó quản lý.
Hiện ở tỉnh Đồng Tháp có khoảng 2.500 bè cá tập trung ở huyện Hồng Ngự và trên 600ha ao hồ nuôi cá tra, cá các loại. Phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Văn Thạnh cho hay trước mắt Sở sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu thủy sản 2 và Đan Mạch để quan trắc môi trường nước ở các khu vực nhạy cảm trên sông Hậu, sông Tiền. Từ đó đưa ra cảnh báo và định hướng kỹ thuật nuôi cá cho nông dân.
Theo Tuổi Trẻ