1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trở lại nơi xảy ra vụ lật cầu thảm khốc khiến 8 người tử vong

(Dân trí) - “Vừa rồi, sau khi bán thảo quả, gia đình tôi thu về được khoảng 80 triệu đồng, số tiền đó đủ để mua sắm một xe máy mới, nuôi các con ăn học đầy đủ. Chỉ tiếc là chồng tôi phải ra đi sớm quá”, một phụ nữ có chồng tử nạn trong vụ lật cầu Chu Va chia sẻ.

Hơn một một năm trước, vào cuối tháng 2/2014, tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu đã xảy ra một vụ lật cầu thảm khốc khiến 8 người chết và 33 người khác bị thương. Chưa bao giờ vùng quê nghèo nơi sơn cước lại hứng chịu một thảm họa đau thương đến vậy, nhiều gia đình đã vĩnh viễn mất đi lao động chính trong nhà, chồng xa lìa vợ, con cái mất cha.

Trở lại nơi xảy ra thảm họa, PV Dân trí nhận thấy có một "sức sống mới" đã được hồi sinh trên chính mảnh đất đau thương ngày nào. Tạm quên đi nỗi đau, những người dân thuộc hai bên bờ Chu Va 6 và Chu Va 8 đã và đang dần ổn định cuộc sống, tập trung lao động sản xuất và hướng tới một cuộc sống bền vững hơn.

Sức sống mới được hồi sinh tại nơi chân núi Phan xi Păng (Ảnh: Toàn cảnh thôn Chu Va 6).
Sức sống mới được hồi sinh tại nơi chân núi Phan xi Păng (Ảnh: Toàn cảnh thôn Chu Va 6).

Trường hợp đau thương nhất trong thảm họa lật cầu có lẽ là chị Hàng Thị Na (SN 1981) ở ban Chu Va 8. Chỉ trong tích tắc, chị đã vĩnh viễn mất đi người chồng là Vàng A Chư (SN 1982) và cháu ruột là Vàng A Xanh sau khi bị rơi xuống dòng suối cao hơn 9 mét. Từ ngày anh Chư ra đi, bỏ lại một mình chị Na nuôi nấng ba người con nhỏ, còn nheo nhóc. Bốn miệng ăn trong gia đình đều chỉ trông chờ vào sức lao động yếu mềm của chị Na.

Vợ chồng Na có được ba người con, cháu lớn là Vàng A Sinh (SN 2000) hiện đang học lớp 9. Ngoài giờ học, Sinh phải cùng mẹ lên nương lấy củi, phụ giúp những công việc đồng áng nặng nhọc. Hai người em là Vàng Thị Sua (2003) và Vàng Thị Dung (2007) còn quá nhỏ nên chỉ phụ giúp những việc vặt ở nhà và tự trông nhau.

Do neo người nên mỗi khi lên nương, chị Hàng Thị Na đều “gửi” lại nhà cửa cùng ba người con nhỏ cho bố đẻ là Hàng A Chinh (SN 1951) trông coi giúp.

Ông Chinh cho biết: “Sau khi chồng mất, con gái tôi bất đắc dĩ trở thành lao động chính trong nhà. Mặc dù sức con gái chân yếu tay mềm, nhưng nó vẫn phải kham khổ dậy sớm thức khuya để chèo chống gia đình, trong khi các con còn nhỏ, chưa phụ giúp được nhiều. Mặc dù nỗi đau qua đi không thể nào lấy lại được, do đó người dân Chu Va luôn động viên nhau vươn lên để tập trung lao động sản xuất”. 

Chị Hàng Thị Na và các con
Chị Hàng Thị Na và các con

Gần tối mịt, chị Hàng Thị Na và con trai mới từ trên nương trở về. Nhễ nhại mồ hôi, chị Na chia sẻ: Năm ngoái, gia đình có trồng được một chút thảo quả ở phía dưới chân núi Phan - xi - păng. Mặc dù tuyết rơi trong năm có gây thiệt hại chút ít nhưng không đáng kể. Tính ra, gia đình cũng được khoảng hơn 4 tạ, thu về được hơn 50 triệu đồng. Số tiền đó gia đình đã mua được một chiếc xe máy mới để dễ đi lại. Còn chiếc xe máy cũ tôi giữ lại làm kỷ niệm giữa tôi và người chồng đã quá cố.

Chị Cứ Thị Giàng hiện là một trong những gương điển hình lao động sản xuất ở bản Chu Va 6. Chị Giàng cũng có chồng tai nạn tử vong trong vụ lật cầu, vượt qua nỗi đau, chị cùng các con tập trung lao động, sản xuất để có thu nhập, trang trải cuộc sống.

Từ ngày bố mất, Vàng A Sinh phải giúp đỡ mẹ làm những việc nặng nhọc cho gia đình.
Từ ngày bố mất, Vàng A Sinh phải giúp đỡ mẹ làm những việc nặng nhọc cho gia đình.

Mùa thảo quả vừa rồi, gia đình chị cũng đã thu hoạch được gần hai chục bao, bán được khoảng gần 80 triệu đồng. Số tiền đó cũng đủ để cho gia đình trang trải cuộc sống, sinh hoạt và nuôi các con ăn học.

May mắn hơn, ông Giàng A Khoa (SN 1970), người dân bản Chu Va 8 cũng là người bị rơi xuống suối trong khoảnh khắc cầu sập. Sau đó, ông Khoa đã bị gãy tay phải, do chấn thương nên phải cắt đi một quả thận. Nhưng ông đã khỏe lại, hòa nhập cộng đồng và luôn có niềm tin, lạc quan trong cuộc sống.

“Mặc dù sức khỏe không còn được như xưa nữa, nhưng nỗi đau nào cũng sẽ đã qua đi, tôi cũng chẳng buồn nhớ lại nữa. Giờ tôi còn được sống, nhìn thấy các con, cháu lớn lên và khỏe mạnh là vui rồi. Mong rằng mọi người dân trên đất nước này sẽ không còn gặp một thảm họa đau thương nào như thế nữa.”

Hiện bản Chu Va 6 có khoảng 106 hộ dân và Chu Va 8 có 100 hộ dân với khoảng hơn 500 nhân khẩu mỗi thôn. Hầu hết người dân hai bờ Chu Va chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp và trồng cây thảo quả.

Người dân hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 đi qua cầu tạm.
Người dân hai bản Chu Va 6 và Chu Va 8 đi qua cầu tạm.

“Dù thương tích đầy mình nhưng tôi cũng cảm thấy mừng vì trong thời gian điều trị đã được các bác sĩ, chính quyền các cấp quan tâm. Giờ đây, những vết thương đang dần lành lại, bà con chúng tôi luôn có một niềm tin, mong muốn được một cuộc sống yên vui, hạnh phúc”, ông Khoa chia sẻ.

Xuân Thái