Vụ sập cầu: 45 người rơi xuống suối vì cầu bị đứt ốc

(Dân trí) - Nguyên nhân ban đầu của vụ sập cầu tang thương tại Lai Châu được xác định là do đứt ốc neo tăng-đơ khiến cây cầu bị lật nghiêng sang một bên, toàn bộ số người trên cầu bị rơi xuống suối.

Đứt ốc neo tăng-đơ
Nói về nguyên nhân cụ thể gây nên vụ sập cầu thương tâm khiến ít nhất 8 người chết và 38 người bị thương, ông Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho hay, sự việc đang được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo và các ban ngành liên quan điều tra cụ thể. Khi có kết quả chính thức tỉnh sẽ thông báo đến các cơ quan thông tấn báo chí.

Theo lời ông Hoàng Thọ Trung - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường - cầu treo Chu Va 6 có chiều dài 54m, cao 9m có trọng tải 1,5 tấn (chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc) nhưng khi xảy ra tai nạn, trên cầu đang có khoảng 50 người.

Nguyên nhân của vụ sập cầu ban đầu được xác định là do đứt ốc neo tăng-đơ khiến cho cây cầu bị lật nghiêng sang một bên, toàn bộ số người trên cầu bị rơi xuống suối.

Ốc neo tăng-đơ bị gãy, được cơ quan chức năng thu lại phục vụ việc làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu.
Ốc neo tăng-đơ bị gãy, được cơ quan chức năng thu lại phục vụ việc làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu.

Còn ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng, Bộ GTVT - nhận định, chất lượng công trình cầu treo Chu Va 6 có vấn đề bởi cáp cầu có thể chịu được trọng tải 79 tấn, nhưng khi sự cố xảy ra, trọng tải chỉ khoảng 2,5 tấn.

Theo ông Sanh, cầu treo Chu Va 6 có kết cấu neo tăng-đơ không đồng bộ với cáp. Kết cấu neo đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng nhưng tai nạn xảy ra là do đứt ốc neo lại ở vị trí chịu tải yếu nhất. Hơn nữa, cầu treo Chu Va 6 không được bảo vệ nên rất dễ bị gỉ sét và bào mòn theo thời gian, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ông Trần Quốc Toản - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng - cũng cho rằng nguyên nhân đứt ốc neo là do tăng-đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường không có bảo vệ tăng-đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian rất dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng cây cầu.

 
Trước đó báo cáo tại buổi làm việc với cơ quan chức năng ngày 25/2, ông Đoàn Đức Long - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu - cho biết "Cây cầu bị sập do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư. Việc thẩm định thiết kế cũng do các cơ quan chuyên môn của huyện đảm nhiệm”.
Làm đường tạm ngay gần vị trí cầu sập
Ông Nguyễn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho biết, thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc khắc phục sự cố, địa phương đã tiến hành mở lối đi tạm bằng đường đất ngay dưới lòng suối để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trao đổi với PV Dân trí sáng nay 26/2, ông Nguyễn Chương cho biết: “Để có thể làm ngay một chiếc cầu treo tương tự như chiếc cầu vừa bị sập tại bản Chu Va 6 (Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) là việc không đơn giản, không thể làm trong ngày một ngày hai. Hiện UBND tỉnh và cơ quan chức năng đang nhanh chóng triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua công điện ngày 25/2”.

Người dân địa phương hoang mang dòm ngó các phần của chiếc cầu bị sập.
Người dân địa phương hoang mang "dòm ngó" các phần của chiếc cầu bị sập.

Theo lời ông Chương, trong 2 phương án mà địa phương đưa ra là làm cầu hoặc mở đường đất dưới suối, việc mở lối đi dưới suối khả thi hơn trong điều kiện lòng suối đang mùa cạn nước. Tuy nhiên, ông Chương cũng khẳng định việc mở đường đất dưới lòng suối chỉ để đảm bảo thông suốt và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân về đi bộ cùng phương tiện đơn giản. Các phương tiện như ô tô, xe máy thì chưa thể lưu thông được trên lối đi tạm dưới lòng suối này.

UBND tỉnh Lai Châu quyết định mở lối đi tạm ngay dưới lòng suối, cạnh chiếc cầu sập.
UBND tỉnh Lai Châu quyết định mở lối đi tạm ngay dưới lòng suối, cạnh chiếc cầu sập.

Sau sự cố sập cầu thương tâm, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và hỗ trợ mỗi gia đình có người tử nạn 2 triệu đồng, có người bị thương 1 triệu đồng. Quỹ từ thiện của Bộ GTVT hỗ trợ gia đình có người tử nạn 3 triệu đồng và gia đình có người bị thương 1 triệu đồng. 

Uỷ ban ATGTQG và Báo GTVT hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 2 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng. Bộ GTVT đã trao 50 triệu đồng động viên tập thể cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Tỉnh Lai Châu đã chi hỗ trợ 54 triệu đồng cho các trường hợp bị tử vong và 3,2 triệu đồng cho các nạn nhân bị thương.

Quốc Cường - Xuân Thái