Tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
“Trở lại nguyên lý cách mạng giải phóng dân tộc không thể là bước lùi”
(Dân trí)-“Chế độ dân chủ cộng hòa thành tựu tiên tiến của nhân loại mà Bác Hồ đã lựa chọn. Trở lại nền tảng bền vững trên cơ sở một học thuyết chính trị đã được tích tụ, kiểm chứng thì không thể nói là một bước lùi” - đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi.
Là người từng phát biểu trước Quốc hội về vấn đề lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ thời điểm “manh nha” ý tưởng sửa Hiến pháp. Bản dự thảo Hiến pháp lần đầu tiên công bố để lấy ý kiến người dân không đề cập nội dung này. Sơ kết sau 1 tháng lấy ý kiến góp ý, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn nêu quan điểm không tiếp thu đề xuất này. Ông có bất ngờ về bản dự thảo Hiến pháp mới với thiết kế về phương án thay đổi tên nước như ông từng kiến nghị?
Tôi rất mừng khi tại kỳ họp thứ 7 vừa rồi, Ban Biên tập sửa Hiến pháp đã thống nhất được việc đưa thêm phương án lấy lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cá nhân tôi đã phát biểu từ lâu về những nội dung cốt yếu, quan trọng của chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Khi nghiên cứu lịch sử, tôi từng đặt câu hỏi, ai cũng biết Bác Hồ là cộng sản, đã trải qua chế độ Xô viết ở nước Nga, đã chứng kiến chế độ Xô Viết ở Quảng Châu mà tại sao khi lên nắm quyền lực trong tay Bác lại không đưa chế độ này vào Việt Nam mà lựa chọn rất sớm chế dộ Dân chủ cộng hòa? Theo tôi, có quyết định đó vì Bác đã tiếp nhận rất nhiều yếu tố tư tưởng chính trị của Hoa Kỳ và được Phương Đông hóa nhiều với chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Đó là một thành tựu tiên tiến của nhân loại về mặt chính trị và Bác đã lựa chọn mô hình tiên tiến nhất vào thời điểm đó.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc lấy lại tên nước vì quan niệm đó sẽ là một… bước lùi trong đà phát triển của đất nước hiện nay?
Tôi cho rằng việc trở lại tên Dân chủ Cộng hòa không phải là bước lùi. Khi bắt đầu việc xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi, trong một hội thảo, tôi có hỏi anh em làm công tác soạn thảo là có đặt vấn đề này không, anh em nói việc này chắc khó vì có quan niệm đó là bước lùi.
Nhưng tại hội thảo đó, tôi chú ý đến ý kiến của 2 vị đại biểu, một đại biểu của TPHCM. Ông ấy nói hiện đang có một khoảng cách giữa thượng tầng kiến trúc là Chủ nghĩa xã hội với hạ tầng kinh tế khi chúng ta vẫn đang phải phấn đấu với nhiều mục tiêu của Chủ nghĩa Tư bản. Một nữ đại biểu khác là lãnh đạo một viện nghiên cứu về pháp luật thì thông tin, qua điều tra xã hội học, tỷ lệ những người đề nghị trở lại tên gọi này rất cao.
Tôi thì muốn nói, phải coi đây là một cơ hội để thay đổi. Trở lại nền tảng bền vững trên cơ sở một học thuyết chính trị đã được tích tụ, kiểm chứng thì không thể nói là một bước lùi. Mặt khác, có thể nói, một cỗ xe phải có cơ chế để lùi được, một người tài xế cũng phải biết cách điều khiển chiếc xe, con tàu lùi lại vì nếu chỉ biết phăm phăm tiến lên phía trước thì có ngày rơi xuống vực.
Trong cách mạng hay trong chính trị, hòa để tiến, lùi để tiến là chuyện hết sức bình thường. Vậy nên phá bỏ được trong đầu mình suy nghĩ cho rằng đó là sự thụt lùi để tìm được sự ổn định mới thực sự đúng đắn. Đó là tinh thần phê và tự phê, dám nhìn vào những cái không còn hợp nữa.
Như ông phân tích, phương án đề xuất này dường như rất… sáng. Vậy có thể nói gì về những “cái được” khi trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa?
Lấy lại tên đó là trở về một nền tảng bền vững, có học thuyết vững chắc, tiếp thu được thành tựu của nhân loại, từ đó đi lên. Vậy thì đó là sự hợp lý, là cái được lớn nhất. Trở lại như thế không phải chỉ là trở về với một thể chế mà còn là trở về phong khí quốc gia, trở lại sức mạnh đã tạo dựng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Thực ra tên gọi cũng chỉ là Quốc hiệu. Nhiều nước đã từng lấy tên là XHCN, sau đó lại bỏ. Còn từ nền tảng dân chủ cộng hòa để xây dựng CNXH vẫn… thuận. Nhưng nếu mang danh là Cộng hòa XHCN Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng có sự chênh lệch giữa thượng tầng kiến trúc với hạ tầng kinh tế như đã nói.
Nhưng không thể phủ nhận việc thay đổi nếu có sẽ mang lại không ít xáo trộn, thiệt hại cho người dân?
Cái rắc rối duy nhất là phải làm lại dấu má, điều chỉnh giấy tờ, tốn kém đôi chút nhưng không là gì cả so với tiền đồ của dân tộc, với những giá trị lịch sử quốc gia.
Thời điểm này đã thích hợp, đã “chín” cho việc thay đổi tên nước, thưa ông?
Tôi cho là rất thuận, rất nên làm vì việc này hiện đang có được sự đồng thuận cao trong xã hội. Có thể tôi chủ quan vì chúng ta chưa có công cụ trong tay để có thể tiến hành những điều tra xã hội học thực sự nhưng rõ ràng có thể cảm nhận rất rõ điều đó.
So với những lần thay đổi tên nước trong lịch sử, thời điểm này có yếu tố nào tương đồng, khác biệt?
Nếu phân tích kỹ, vào năm 1976, khi chúng ta đổi sang tên Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, có những lý do mang tính khách quan, lịch sử, khi thống nhất 2 nhà nước, 2 chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nếu khi đó, cả nước vẫn để tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì có vẻ “thiên vị” cho miền Bắc.
Ngoải ra, cũng có yếu tố, sau khi chiến thắng, không thể nói rằng lúc đó chúng ta không có sự phấn chấn, lạc quan thái quá, cho rằng đất nước đã đủ cơ sở đạt tới CNXH rồi.
Tuy nhiên, phải nhận thức rõ, mỗi quyết định có thời điểm lịch sử của nó, không thể dùng tư duy ở thời điểm khác để phán đoán, quy kết. Chỉ là khi có cơ hội thì nên điều chỉnh kịp thời. Tôi cho rằng, đây là một cơ hội cho sự thay đổi, để chúng ta có một bản Hiến pháp hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!
Hiến pháp 1992 được xây dựng trong thời kỳ phải ứng phó với những thay đổi của thế giới, trong đó có sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của khối các nước XHCN ở Đông Âu. Lúc đó, Việt Nam mới bước vào công cuộc đổi mới, dù đã có 6 năm mang tính trải nghiệm của đổi mới (từ 1986). Khi đó, ta cũng chưa có cơ hội hội nhập thế giới vì năm 1995 mới chấm dứt được bao vây cấm vận của Mỹ, có điều kiện hội nhập. Những việc đó rõ ràng để lại nhiều khiếm khuyết không còn phù hợp trong bản Hiến pháp. Tôi cho rằng phải nhận thức việc sửa Hiến pháp lần này là một cơ hội. Tôi rất quan tâm đến vấn đề làm sao để hiện thực hóa, để thực hiện được quyền phúc quyết của người dân – nội dung đã được quy định trong Hiến pháp nhưng thực tế khó có thể thực hiện vì chưa có đủ công cụ. Vậy nên, thực chất, đây vẫn là phần “cơ chế treo” trong Hiến pháp. Cụ thể, quyền phúc quyết thể hiện ở 3 nội dung cơ bản là quyền hội họp (trong đó có quyền Biểu tình) để thể hiện quan điểm của mình; quyền lập hội; quyền trưng cầu ý dân. Những vấn đề này đã nhiều lần đưa ra Quốc hội nhưng rồi rút lại. Gần đây, quan điểm xây dựng luật Biểu tình hiện đã tìm được sự đồng thuận nhất trí cao, ngay trong Chính phủ. Còn trưng cầu dân ý là phương thức để định lượng được sự phúc quyết của dân thì giờ vẫn chưa có, dù đã xuất hiện trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và không vắng mặt trong bản Hiến pháp nào sau đó. Quan điểm cá nhân tôi, chúng ta khẩn trương nhưng không nên vội vã trong lần sửa Hiến pháp này. Lý tưởng nhất là làm sao khắc phục được những “quyền treo” của người dân mà những việc đó ảnh hưởng đến quyền phúc quyết. Nghĩa là ta vẫn tiếp tục bàn thảo kỹ về định hướng lâu dài cho hiến pháp, đồng thời đi đến chuyện khắc phục sớm trong vòng 1- 2 kỳ họp để các luật Biểu tình, luật Lập hội, luật Trưng cầu ý dân phải được xây dựng xong. Như thế, Hiến pháp chúng ta sẽ thông qua không những có thời gian để làm kỹ hơn mà có đầy đủ công cụ để thực hiện quyền phúc quyết của dân, sẽ đảm bảo tính ổn định, lâu dài cho bản Hiến pháp đang hướng tới. |
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa đưa ra hai phương án về tên nước. Theo bạn: | ||||
| ||||
P.Thảo (thực hiện)