1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trở lại “làng ma ám”

(Dân trí) - Cách đây khoảng 7 tháng, 17 hộ dân thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) lũ lượt rời bỏ làng để... lánh nạn vì nhiều cái “chết xấu” xảy ra trong làng. Nay cuộc sống ở làng mới như thế nào?

Cây cỏ ngập lút “làng ma”

Từ con đường bê tông ven đồi, chúng tôi dừng lại trước một cách cửa bằng gỗ thưa đã đóng cửa; không thể nhận ra con đường nhỏ dẫn vào làng của đồng bào Cơ tu cách đây mấy tháng nữa vì cây đã phủ rậm rạp, bu kín cánh cổng.

Con đường vào “làng ma” đã đóng lại, cỏ và cây rừng mọc rậm kín xung quanh
Con đường vào “làng ma” đã đóng lại, cỏ và cây rừng mọc rậm kín xung quanh

Lách qua một bên, chúng tôi bước vào con đường bê tông nhỏ dẫn vào làng. Chỉ sau vài tháng, cây rừng cao quá đầu người đã phủ lên những lối đi vào làng. Anh bạn đồng nghiệp đi theo cùng bảo sao có mấy tháng mà nhận không ra con đường dẫn vào làng. Trước đây vào làng con đường bê tông vào làng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, giờ cây rừng phủ lên từng bước chân.

Rảo bước một vòng quanh “làng ma”, hình ảnh những ngôi nhà bị đập bỏ vẫn còn nguyên vẹn, tuyệt nhiên không thấy một bóng người, chỉ có tiếng chim kêu và gió rừng nghe xào xạt. Nếu đi vào làng một mình, cảm giác sẽ “lạnh sống lưng”.

Đây là căn nhà kiên cố của chị ALăng Thị Poói ở “làng ma” đã được dở khung và tôn đến nơi mới
Đây là căn nhà kiên cố của chị ALăng Thị Poói ở “làng ma” đã được dở khung và tôn đến nơi mới

Cố nán lại một lát để tìm một ai đó hỏi thăm nhưng chúng tôi đành phải quay ra vì trời trở về chiều, gió rừng càng thổi nhiều hơn và nghe cũng “ớn lạnh” hơn. Đồng nghiệp đi cùng bảo chắc từ đó đến giờ không ai “dám” trở lại đây nữa đâu vì phong tục đồng bào Cơ tu là “một đi không trở lại” đối với những “ngôi làng có ma”.

Khu dân cư giờ đây cỏ mọc lút đầu, phủ lên những ngôi nhà đã bỏ hoang
Khu dân cư giờ đây cỏ mọc lút đầu, phủ lên những ngôi nhà đã bỏ hoang

Người dân ở làng mới chưa an cư

Quay ngược trở ra khoảng hơn 1km rồi rẽ phải, chúng tôi đến làng mới của 17 hộ dân với gần 100 nhân khẩu ở “làng ma” dời ra xây dựng nơi ở mới. Làng mới của người dân được xây dựng tại tổ 1 (thôn Bút Tưa) xem lẫn với những ngôi nhà cũ của những người đã ở trước đây.

Theo quan sát của chúng tôi, tại khu tái định cư mới này, chỉ có lác đác vài ngôi nhà trong số 17 hộ dân di dời từ “làng ma” ra được làm mới, còn vài khung sườn gỗ cũng đã được dựng lên nhưng dở dang vì... hết tiền.

Khu dân cư giờ đây cỏ mọc lút đầu, phủ lên những ngôi nhà đã bỏ hoang
Đây là ngôi nhà nhưng chỉ là khung sườn gỗ của vợ chồng anh ALăng Triều, phía sau là túp lều cả gia đình ở tạm

Vợ chồng anh ALăng Triều và chị ALăng Thị Phin (SN 1981) đang ở trong một “túp lều” cùng 3 con nhỏ. Chị cho biết, khi mới chuyển ra đây, hầu hết người dân dựng tạm túp lều khoảng 15m2 làm nơi sinh hoạt tạm thời ở phía sau khu đất được người thân cho hoặc mua. Đến nay đã 7 tháng chị Phin vẫn chưa có nhà ở mới.

Chị cho biết, nhà có ít gỗ di chuyển từ làng cũ về đây dựng được khung sườn là lợp tôn rồi hết tiền và để đó, đợi có tiền sẽ làm tiếp. Tôi hỏi số tiền làm khung sườn nhà này hết bao nhiêu, chị Phin ước tính khoảng 50 triệu đồng bao gồm công cán. “Thế chị cần bao nhiêu tiền nữa để hoàn thiện ngôi nhà?” Chị Phin ngại ngùng không dám nói. Mãi sau một lúc trò chuyện cởi mở, chị mới thú thật là cần khoảng 50 triệu nữa mới hoàn thiện. “Mùa mưa đến rồi, nhà chưa làm xong thì không biết ở đâu đây”, chị Phin tâm sự với giọng kinh lơ lớ.

Bên cạnh nhà vợ chồng anh ALăng Triều là nhà của vợ chồng anh ALăng Ta và PLoong Thị Lem cũng tương tự. Khi chuyển từ “làng ma” về, anh ALăng Ta cũng làm một túp lều nhỏ phía sau khu đất được người quen cho để cho gia đình và 2 con nhỏ sinh hoạt, còn phía trước cũng đã dựng được một khung nhà gỗ trên đã lợp tôn, chưa có vách nên bốn bề trống trơn.

Những lều tạm của một số hộ dân từ “làng ma” tại nơi ở mới
Những lều tạm của một số hộ dân từ “làng ma” tại nơi ở mới

“Mình cũng muốn hoàn thiện cái nhà để ở nhưng làm cái khung xong hết tiền rồi, khi nào có mới làm tiếp”, anh ALăng Ta nói. Chúng tôi hỏi xã và huyện có hỗ trợ gì để làm nhà không? ALăng Ta cho biết, lực lượng dân quân và xã chỉ giúp chuyển khung gỗ, mái tôn từ làng cũ xuống dựng lại khung sườn nhà này còn chi phí mua thêm gỗ và tôn thì hai vợ chồng anh phải mượn thêm.

Ở nơi tái định cư mới này, ngôi nhà “ngon lành” nhất là nhà của chị ALăng Thị Poói (37 tuổi) đã được xây tường gạch, lát gạch men nhưng cửa nẻo còn thiếu. Đầu năm 2014, chồng chị là anh ALăng Tròn treo cổ tự tử chết ở “làng ma” để lại cho chị nuôi 5 đứa con nhỏ. Ngôi nhà của chị Poói được mặt trận huyện Đông Giang hỗ trợ được 30 triệu đồng, còn chị vay mượn thêm 45 triệu đồng nữa bỏ vào vừa làm xong hồi tháng 7.

Kể về cái chết của chồng, chị Poói cho biết, hôm đó buổi sáng chồng chị vẫn vui vẻ ở nhà nhưng đến chiều khi chị đi rẫy về thì phát hiện ra chồng treo cổ tự tử chết sau nhà. Hỏi chị vì sao chồng treo cổ chết, chị nói “không biết nữa”. Hiện chị Poói một thân nuôi 5 con nhỏ ăn học. Chúng tôi hỏi chị làm sao để nuôi được 5 đứa, chị bảo: “Thì làm rẫy và ai thuê gì làm nấy thôi. Ở đây ai cũng như vậy hết”.

Trao đổi với chúng tôi, ông ALăng Mất – Phó thôn Bút Tưa - cho biết, chỉ riêng trường hợp của chị Poói là được Nhà nước hỗ trợ tiền để làm nhà vì là hoàn cảnh khó khăn nhất trong 17 hộ ở “làng ma” chuyển đến nơi ở mới, còn lại không ai được hỗ trợ gì. Hỗ trợ có chăng là lực lượng dân quân xã phụ giúp công cán di chuyển đồ đạc từ “làng ma” về nơi ở mới và giúp người dân dựng lại túp lều ở tạm.

Ngôi nhà đẹp nhất làng của chị ALăng Thị Poói nhưng thiếu cửa
Ngôi nhà đẹp nhất làng của chị ALăng Thị Poói nhưng thiếu cửa

Theo ông ALăng Mất, trong 17 hộ dân chuyển đến, có 2 hộ làm được nhà xây (trong đó có hộ chị Poói được hỗ trợ 30 triệu đồng), 3 hộ làm được bộ khung nhà, còn lại đều làm túp lều ở phía sau khi đất được người quen cho, đợi khi nào có tiền sẽ làm nhà.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư xã Sông Kôn – Huỳnh Ngọc Thanh – cho biết, tất cả 17 hộ chuyển từ “làng ma” về nơi mới đã có đất của người thân cho nhưng nhà nước chỉ mới hộ trợ cho 1 hộ. “Đây là trường hợp khó khăn nhất được Mặt trận huyện hỗ trợ, còn các trường hợp khác không được hỗ trợ gì. Xã chỉ giúp lực lượng san nền, vận chuyển, dựng nhà cho bà con”, ông Thanh cho biết.

Lý do các hộ dân này không được hỗ trợ, ông Thanh cho biết trước đây các hộ này đã được hỗ trợ trong các chương trình như 134, 167, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết... nên bây giờ không thể hỗ trợ nữa vì một hộ không thể hỗ trợ hai lần.

“Nếu hỗ trợ nữa thì tạo ra tiền lệ sau này ai cũng bỏ nhà đi làm sao mà hỗ trợ được. Huyện cũng đã họp nhiều lần để rút kinh nghiệm trong việc người dân bỏ làng đi”, ông Thanh nói.

Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, có 4 trường hợp (trong số gần 100 nhân khẩu thuộc 17 hộ dân ở tổ 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) treo cổ tự tử chết hoặc chết không rõ nguyên nhân (Dân trí đã có bài viết “Những câu chuyện rợn người ở làng ma ám”) khiến đồng bào Cơ tu ở đây tin rằng ngôi làng này đã bị “ma ám” nên giữa tháng 2/2014, đồng loạt 17 hộ dân này bỏ nhà (hầu hết là nhà xây kiên cố), bỏ làng đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, đến nay cuộc sống ở làng mới của hầu hết bà con vẫn còn rất khó khăn. Khi trở lại làng mới của 17 hộ dân này vào chiều ngày 19/9, vào nhà chị Poói, chúng tôi xem nồi cơm và thấy cơm được nấu với củ. Hỏi chị Poói tối nay chị và 5 đứa con ăn cơm với gì, chị ấp úng không trả lời.

Cuộc sống của các gia đình khác ở đây cũng hết sức vất vả. Một phụ nữ đang cho con nhỏ khoảng 3 tuổi ăn chiều trước nhà, khi nhìn vào chén cơm thì thấy chỉ có cơm trắng và ít muối vừng. Chị nhai xong rồi mớm cho con, hỏi tên tuổi chị và con nhưng chị cứ cười và không trả lời.

Công Bính