1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những câu chuyện rợn người ở làng “ma ám”

(Dân trí) - Trong làng có người “chết xấu” (tự tử), 16 hộ dân người Cơ tu ở thôn Bút Tưa, xã sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) đã đập bỏ nhà cửa, bỏ làng ra đi. Đằng sau đó còn có những câu chuyện kể nghe đến rợn người.

Những câu chuyện rợn người ở làng “ma ám”

Căn nhà của Alăng Tròn được cho là "chết xấu", người nhà đã bỏ đi nhưng vẫn để nguyên theo tập tục Cơ tu là cấm bất cứ ai cũng không được đụng đến.
 
Người làng ma ám bỏ đi đến vở sách dụng cụ học tập của con em họ cũng không được mang theo
Người làng "ma ám" bỏ đi đến vở sách dụng cụ học tập của con em họ cũng không được mang theo 
 
Theo tập tục của người Cơ tu nơi đây, trong làng có người “chết xấu” là một việc hệ trọng và kinh khiếp. Do đó, nhất quyết phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tập tục xưa nay truyền lại. Việc đầu tiên để đuổi “con ma” ra khỏi người chết là thi thể người “chết xấu” sẽ bị thui đốt cho cháy đen và dùng dây rừng trói chặt tay chân, quấn dây toàn thân rồi mới đem an táng. Phải chọn khu rừng hoang hiểm trở và xa làng để chôn cất. Khi an táng xong những người đi theo phải bỏ chạy mỗi người một ngả tự tìm đường để về làng. Làm như vậy để “con ma xấu”  không biết đường quay về quấy nhiễu dân làng.

 

Anh Alăng Điêu - trưởng thôn Bút Tưa - cho biết: “Sau khi ở tổ 1 có 2 người “chết xấu”, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân tổ 1 tuyên truyền để họ khỏi bỏ làng ra đi. Tuy nhiên, người dân làng này trình bày là đêm đêm trong làng hết người này đến người khác ngủ đều mơ thấy ma kéo về làng la ó, nhảy múa, dọa dẫm rất khiếp đảm. Người trong làng còn nghe thấy tiếng ma rì rầm than khóc quanh làng nên khiếp sợ phải bỏ làng ra đi. Họ đồng loạt bỏ chạy đến mức chúng tôi không thể ngăn cản kịp”.
 
Người dân đập phá hết nhà cửa trước khi bỏ đi khỏi làng
 
Người dân đập phá hết nhà cửa trước khi bỏ đi khỏi làng
Người dân đập phá hết nhà cửa trước khi bỏ đi khỏi làng

 

Khi đã bỏ làng ra đi thì nhất định không quay trở lại. Những ngôi nhà có người “chết xấu” phải để nguyên không tháo dỡ, đập phá. Những con vật nuôi như lợn, chó, gà vịt thả rông sẽ không được bắt. Trước khi mặt trời lặn, bất cứ ai còn ở trong làng phải rời khỏi nơi đây. Nếu không sẽ bị cho là cố tình gây xui xẻo đến người trong làng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Bí thư xã sông Kôn - cho biết: “Vì tập tục đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, đời sống của người dân nơi đây nên dù thường xuyên tuyên truyền vẫn khó lòng thay đổi. Tôi đã triển khai lực lượng dân quân giúp dân thu dọn nhà cửa nhưng người trong làng nhất quyết không cho ai được đụng đến các ngôi nhà có người “chết xấu” và bắt các gia súc gia cầm vì sợ con “ma xấu” có thể nhập vào các con vật. Vậy nên chưa biết phải làm thế nào”.

 

Theo già làng Alăng Vân ở tổ 1, thôn Bút Tưa, theo quan niệm, trừ chết do đau ốm, bệnh tật, những cái chết như thắt cổ tự tử, đuối nước, thai ngén…  đều là những cái “chết xấu”. Người bị “chết xấu” sẽ quay về bắt người sống đi theo và gây cho làng nhiều chuyện xấu không sinh sống làm ăn được nữa.

Đồ đạc, vật nuôi bỏ lại, cấm ai được bắt
 
Đồ đạc, vật nuôi bỏ lại, cấm ai được bắt

Đồ đạc, vật nuôi bỏ lại, cấm ai được bắt

 

Vì vậy, khi gia đình nào có người bị “chết xấu” thì phải tổ chức cúng bái để đuổi tà, trừ ma. Trước tiên là người thân gia đình đó sẽ giết chó lấy máu rải xuống đất quanh nhà, nếu còn chết nữa thì tiếp tục rải máu lợn, sau nữa là rải máu dê để đuổi ma, trừ tà, mong mai sau đừng có “chết xấu” nữa!. Khi đến mức phải bỏ làng ra đi thì phải làm lễ cúng đủ 6 ngày, 6 đêm. Khi diễn ra lễ cúng người lạ mặt hay người làng khác không được đến, người trong làng không được ra khỏi làng. Lễ vật là 1 con lợn, 1 con dê, và giết 1 con chó lấy máu rải quanh ngôi nhà có người “chết xấu”. Xác con chó bó lại đem chôn, nơi chôn đó cấm không được ai bén mảng đến gần, không được phát rẫy làm vườn khu vực đó…
 
Bỏ làng dựng lều ở nơi khác sống tạm

Bỏ làng dựng lều ở nơi khác sống tạm

Bỏ làng dựng lều ở nơi khác sống tạm

Cán bộ xã Sông Kôn và huyện Đông Giang thường xuyên đến làng tuyên truyền và ổn định tình hình tránh những việc đáng tiếc xảy ra
.

 

Sau khi sự việc xảy ra, cán bộ xã Sông Kôn và huyện Đông Giang thường xuyên xuống tận nơi thăm hỏi an dân. Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Bí thư xã Sông Kôn - cho biết: “Trước mắt sẽ để người dân tổ 2 trú tạm nhà bà con và làng xóm ở tổ 1, ban nhân thôn Bút Tưa phải thường xuyên theo dõi lắng nghe nguyện vọng của dân để trình báo có hướng giải quyết kịp thời. Còn việc hỗ trợ thì  trước mắt sẽ chi tiền để người dân nơi đây mua sắm đủ lễ vật cúng theo tập tục của họ. Việc họ tự tập phá nhà cửa bỏ làng ra đi dù đã được tuyên truyền chứ không phải do thiên tai hỏa hoạn nên việc hổ trợ theo ngân sách rất khó giải quyết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ tìm phương an thích hợp để ổn định tư tưởng và xây dựng làng mới cho họ”.

 

Đông Phước Hồ