1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Trợ cấp cho nhà một bề con gái: Nhà có toàn con gái nói gì?

Việc hỗ trợ phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ BHXH đã không nhận được sự đồng tình của dư luận.

Mới đây, Dự thảo Luật Dân số sửa đổi do Bộ Y tế xây dựng đã đưa ra một trong những giải pháp nhằm bảo đảm về cân bằng giới tính khi sinh, đó là hỗ trợ tiền cho những gia đình sinh toàn con gái, hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Trên thực tế, chính sách này không nhận được sự đồng tình của phần đông dư luận.  

Nhiều ý kiến không đồng tình hỗ trợ người già không có BHXH chỉ có con gái (ảnh minh họa).
Nhiều ý kiến không đồng tình hỗ trợ người già không có BHXH chỉ có con gái (ảnh minh họa).

Là một người mẹ có hai cô con gái, nhưng chị Đặng Thị Kim Nhung, ở quận Tân Phú, TP HCM không đồng tình với việc hỗ trợ tiền cho chính gia đình mình. Theo chị Nhung, điều này vô hình chung coi gia đình có con gái là yếu thế hơn nhà có nam giới và việc phụng dưỡng cha mẹ thuộc chỉ về nam giới.

Theo chị Nhung, nếu con gái không phụng dưỡng cha mẹ ruột, mà chỉ chăm lo cho gia đình nhà chồng thì ngược lại, con rể cũng sẽ quên đi trách nhiệm này. Quan trọng hơn, quy định hỗ trợ này là không bình đẳng, không đúng với Luật Bình đẳng giới.

Chị Nhung bày tỏ: “Nam hay nữ đều bình đẳng, trong mọi phương diện, trong gia đình và ngoài xã hội. Trong đó việc chăm sóc gia đình, chăm sóc cha mẹ cũng bình đẳng luôn. Mình sinh toàn là con gái nhưng mình không ủng hộ việc này, nên có sự bình đẳng. Tại vì con trai con gái gì thì cũng là có hiếu. Đã có hiếu thì không kể con trai hay là con gái. Ăn thua là cái nhân cách do mình giáo dục từ nhỏ, hình thành đạo đức con người”.

Đồng quan điểm với chị Nhung, anh Lê Quang Vinh, ở quận Thủ Đức cho rằng, việc trợ cấp hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con một bề khó có thể tác động đến việc mất cân bằng giới tính hiện nay. Bởi vì nếu phụ nữ không có vị trí xã hội, không có vai trò tương đương nam giới thì người ta vẫn muốn sinh con trai: “ Để cân bằng giới tính lại thì biện pháp tốt nhất là nâng vị thế của phụ nữ lên, để người ta nhận thấy rằng việc sinh con trai, con gái là điều không quan trọng nữa trong điều kiện xã hội phát triển hiện nay”.

Nhiều người kiến nghị, các nhà làm luật cần hiểu rằng, đối với những gia đình đang có con gái nhưng cứ nhất quyết phải sinh được con trai thì hỗ trợ bao nhiêu cũng là không đủ để họ dừng lại. Đây là đối tượng chính gây ra sự mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo anh Lê Văn Quý, ở quận Bình Tân thì vấn đề ở đây là tư tưởng, quan niệm xã hội chứ không phải là tiền: “Nếu có 2 cô con gái thì được tiền trợ cấp. Xong rồi sẽ cố gắng mọi cách kiếm con trai thì sao? Tôi nghĩ cho tiền không giải quyết được vấn đề này. Chúng ta cần những khoản tiền đó chi cho những chính sách khác”.

Còn theo anh Trần Quốc Ninh, ở Quận 9, TP HCM, gia đình anh có hai con trai, có mong sinh con gái cũng không được. Như vậy, vô tình, việc sinh con trai thuận theo tự nhiên không được trợ cấp gì, có hợp lý hay không? Vấn đề trợ cấp sẽ làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội. Anh Ninh nói: “Bây giờ xã hội mình xu thế là nam nữ mình bình đẳng. Bên nhà mình nè, sinh hai con trai cũng sinh tự nhiên đó, có lựa chọn đâu. Cần gì hỗ trợ gì, bình đẳng cả. Tự nhiên lại làm cho chính sách nam nữ khác đi”.

Trước những ý kiến phản đối của dư luận về chính sách hỗ trợ này, Bộ Y tế cần xem xét lại để đưa ra những chính sách hợp lý hơn, nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính, đồng thời không làm lệch lạc nhận thức về bình đẳng giới mà chúng ta đang hướng tới.

Theo Kim Dung
VOV