Trình Bộ Chính trị việc xây trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM vào 2024
(Dân trí) - "Chúng tôi đang nghiên cứu, cố gắng trong năm 2024 sẽ trình Bộ Chính trị xin chủ trương về việc xây trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM", ông Phan Văn Mãi nói.
Đây là thông tin được Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tối 19/1 (giờ địa phương).
Trước đó, nêu ý kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tiến sĩ Thiều Ngọc Lan Phương, đại diện Hội trí thức Việt tại Hungary, mong muốn có cơ chế để tổ chức này tham gia vào việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam ở TPHCM.
Nghe kiến nghị này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ngay lập tức đề nghị Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi có thêm chia sẻ về kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố.
Trước khi đề cập trọng tâm chính, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh TPHCM ngoài là trung tâm kinh tế còn là trung tâm khoa học công nghệ - nơi có thể kết nối với bên ngoài và hấp thụ tri thức từ bên ngoài để giải quyết các bài toán của thành phố nói riêng, của Việt Nam nói chung.
Vì vậy, ông Mãi nói TPHCM rất mong muốn kết nối với kiều bào, trí thức Việt Nam ở Hungary để cùng giải quyết các bài toán lớn, góp phần vào sự phát triển của đất nước và của TPHCM. "Việc này nếu làm tốt cũng hiệu quả không kém gì trụ cột kinh tế", theo lời người đứng đầu chính quyền TPHCM.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, ông Phan Văn Mãi cho biết TPHCM đã cơ bản hoàn thiện Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương này.
Thủ tướng đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành lấy ý kiến chuyên gia để trình Chính phủ, trình Bộ Chính trị và sau đó trình Quốc hội, để có khung pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM hoạt động.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, hiện nay, trung tâm tài chính ở TPHCM đang hoạt động cũng có yếu tố quốc tế nhưng theo chuẩn, cần phải học hỏi nhiều hơn, xác lập mô hình và sẽ bắt đầu với những thế mạnh của thành phố.
Ông dẫn góp ý của các chuyên gia về việc TPHCM có thể đi trước trong một số trụ cột, ví dụ thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh, Fintech, hay cần một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với mặt bằng pháp lý của cả nước để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…
Đi kèm với định hướng này, phải tính toán đến định chế tài phán để có thể giải quyết các tranh chấp trong quá trình hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế.
"Đây là những vấn đề đầu tiên chúng tôi đang nghiên cứu, sẽ cố gắng trong năm 2024 trình Bộ Chính trị xin chủ trương về cơ chế chính sách xây trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM. Việc này sau đó sẽ được báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nghị quyết giúp trung tâm tài chính quốc tế đi vào hoạt động", ông Mãi thông tin.
Lãnh đạo TPHCM mong muốn bà con người Việt ở Hungary, đặc biệt các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính có kinh nghiệm, kiến thức cũng như mối quan hệ với các tổ chức, chuyên gia quốc tế, sẽ giúp TPHCM tiếp nhận, kết nối chuyên gia tư vấn để hoàn thiện Đề án này.
Ông nhắc lại những ngày qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía Việt Nam đã có phiên làm việc với các tổ chức, chuyên gia trong lĩnh vực này tại Davos (Thụy Sĩ) và cũng đã có lời hứa sẽ thành lập một nhóm chuyên gia, giúp tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TPHCM trong quá trình hoàn thiện Đề án xây trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc này đã thống nhất thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Tổ công tác do Tiến sĩ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia…
Ông mong các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.