Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030

Hoài Thu

(Dân trí) - TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho việc hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM vào năm 2030, theo Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi.

Thông tin này được Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi đề cập tại tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam",  tối 17/1 theo giờ địa phương. Tọa đàm do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, nhân sự Hội nghị WEF Davos năm 2024 tại Thụy Sĩ.

Việt Nam có thể tránh "vết xe đổ" của các quốc gia đi trước

Tiến sĩ Philipp Rösler (cựu Phó Thủ tướng Đức) nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới những năm qua.

Theo ông, Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.

Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030 - 1

Tiến sĩ Philipp Rösler (cựu Phó Thủ tướng Đức), nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới những năm qua (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đại diện các tập đoàn, ngân hàng quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam những điều kiện, nền tảng để xây dựng trung tâm tài chính nhằm thu hút đầu tư; như điều kiện về pháp lý, chính sách thuế, cơ sở hạ tầng điện, công nghệ thông tin, giao thông, lao động tay nghề cao…

Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính. Việt Nam cũng đang có cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những "vết xe đổ", lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.

Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030 - 2

Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS (Ảnh: Đoàn Bắc).

Chia sẻ thêm về định hướng này tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành và TPHCM cho biết Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính có tính liên kết cao.

Các yếu tố này gồm kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược. Đây là lợi thế riêng có và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.

Cùng với đó, thể chế, cơ chế, chính sách được hoàn thiện; thủ tục hành chính, quy định kinh doanh được cắt giảm; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ. Quy mô nền kinh tế và mức độ phát triển của thị trường tài chính ngày càng được nâng lên. 

Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030 - 3

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Đoàn Bắc).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam rất cần sự tư vấn, các sáng kiến và sự đồng hành của các tổ chức tài chính lớn về việc xây dựng trung tâm tài chính tại TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết theo kế hoạch, tới năm 2030, thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực và trong năm nay phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này và tiếp tục cập nhật, bổ sung. 

"Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là tại khu vực Quận 1 và Thủ Thiêm; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của trung tâm tài chính quốc tế", theo lời ông Mãi.

Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030 - 4

Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ về kế hoạch lập trung tâm tài chính tại TPHCM vào năm 2030 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Tổ công tác do Tiến sĩ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì.

Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia…

Kế hoạch hình thành trung tâm tài chính tại TPHCM năm 2030 - 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ông mong các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng định hướng các đối tác nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.

"Chính phủ sẽ phát huy vai trò kiến tạo, luôn đồng hành, chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng phát triển; cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", Thủ tướng cam kết.