Triệu phú làng ăn mày
(Dân trí) - Một thời phiêu bạt sống đời “hành khất”, rồi một ngày anh nhận ra giá trị cuộc sống và quyết giã từ “giang hồ” về quê làm lại cuộc đời, làm giàu ngay chính mảnh đất được mệnh danh “làng ăn mày” bằng hai bàn tay trắng.
Nỗ lực của Trần Công Tiện đã được Hội nông dân Thanh Hoá ghi nhận bằng Bằng khen cho thành tích nông dân sản xuất giỏi.
Làng ăn mày" đổi mới
Giờ đây khi đã thành triệu phú đang dang tay giúp đỡ vài chục người có việc làm nhưng ngồi bên cốc trà nóng cuối năm ôn lại những kỷ niệm, anh Tiện không khỏi rùng mình bởi cái thời trai trẻ dọc ngang của mình. Như bao người dân ven biển Quảng Thái, cuộc sống của anh chật vật cũng chỉ bữa đói, bữa no. Anh tưởng rằng số phận mình cũng chỉ đến vậy cho qua ngày.
Chuyện bắt đầu từ cơn bão số 6 năm 1986. Nó hung dữ cuốn đi tất cả những gì vốn là của xóm làng, đói khổ cũng từ đó mà ra. Xoay đủ cách nhưng cũng vô phương cứu chữa vậy là một số người dân trong làng tìm cách đi làm ăn xa. Người dân quê anh có câu truyền miệng “thà đi ăn mày phúc thiên hạ còn hơn ngồi ăn cắp vặt của nhau”. Chuyện Chủ tịch xã ký giấy cho một số hộ dân đi “ăn mày” thời điểm đói khổ này là hành động đầy tính nhân đạo để giải quyết cái đói trước mắt. Một số người lang thang hành khất tứ phương, không mất vốn mà lại có lãi và cũng kiếm sống được bằng nghề này vậy là người này bảo người khác cùng đi ăn xin...
Anh Tiện xua tay: “Nhưng giờ thì dân chúng tôi không còn đi ăn xin nữa rồi, ở nhà mê (nhiều) việc tha hồ mà làm, việc chi phải đi mô xin ai nữa. Nhiều khi dân nơi khác đi ăn xin cũng nhận là người Quảng Thái, Thanh Hoá, mà lại còn thao thao về chuyện thần ăn mày nữa chứ...”. Giọng anh đầy bức xúc như trút giận lên người bên cạnh.
Trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thái - Trần Công Tính về vấn đề tết cho trẻ lang thang, ông cho biết: “Địa phương chúng tôi luôn được mệnh danh là làng ăn mày, đây còn là điểm nóng của tình trạng trẻ lang thang. Trẻ lang thang của địa phương còn gần 30 cháu trên cả nước, tết này các cháu sẽ về nhà ăn tết và tiếp tục đi học. Chúng tôi đã hoàn thành 21 ngôi nhà trị giá từ 12 đến 20 triệu một ngôi nhà dành tặng cho các gia đình khó khăn, tạo vốn và các phương thức sản xuất mới, ăn tết xong sẽ có việc để thu hút mọi người. Nên chuyện “triệu phú” như hộ anh Tiện là điều dễ thấy”.
Dọc con đường trung tâm chạy qua xã được rải nhựa phẳng mịn là những ngôi nhà mái bằng, hai ba tầng mọc lên san sát nhau, liền kề là trụ sở UBND xã vừa xây mới với số vốn 335,3 triệu đồng. Ngôi trường tiểu học hai tầng số kinh phí trên 606 triệu đồng cũng vừa khánh thành. Cán bộ địa phương đang phấn đấu đến năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đạt từ 7 đến 7,5 triệu đồng... không khí hối hả vào ra của những chuyến xe thu mua hải sản làm cho xóm nghèo thuở xưa nay náo nhiệt hẳn lên.
Của không phụ công người
Chưa dứt câu chuyện tiếng chuông điện thoại reo lên từng hồi, anh có vẻ nóng ruột cho chuyến hàng chiều nay của khách từ Lào Cai đã hẹn trước mà chưa thấy thuyền từ ngoài khơi về. Các chủ cá vừa và nhỏ hiện vẫn đang ngồi chờ, ai cũng muốn đón hàng cho tết. Dẫu vậy, nụ cười tươi rói vẫn rôm rả trên khuôn mặt râu ria đen nhèm của anh làm tan biến đi mọi mệt nhọc cho cả những lao động đang giúp vợ chồng anh phơi cá tạp, moi trược... ngoài sân.
Ngày tháng lang thang hành khất nơi phố thị cho Tiện nếm đủ ngọt bùi cay đắng. Anh quyết định trở về quê làm lại cuộc sống của mình bằng việc đi bể tìm luồng cá như bao người. Sóng gió lênh đênh nhưng không phải ai cũng được đi vì để có được chiếc thuyền gỗ ra khơi lúc này đối với ngư dân nơi đây là một tài sản lớn. Anh phải chờ đợi có ai đó bận hoặc ốm thì mới đến lượt mình, một thời gian dài cuộc sống gia đình anh vẫn bấp bênh sóng gió, cả vợ con anh cũng phải chịu những khó khăn chung ấy. Anh chuyển sang buôn lưới nhưng cũng không thành, đành đi làm thuê cho ông chủ làm moi ở Tĩnh Gia (Thanh Hoá) để sống qua ngày và kiếm chút tiền nuôi vợ con.
Anh cũng không ngờ chính khoảng thời gian này anh đã học được nghề làm moi mang về vóc vách làm. Những ngày đầu toàn hỏng anh vỡ nợ, vậy là lại cặm cụi lóc cóc đạp xe đi bán muối, đổi mắm khắp nơi. Phải vài năm sau mới vực dậy được. Chí làm giàu lại trỗi dậy trong anh, anh quay lại tìm ông chủ làm moi ngày xưa trình bày mong muốn của mình về việc được tiếp tục làm việc, quê anh nhiều moi, cá tạp anh có thể đứng ra thu mua và sơ chế sau đó nhập lại cho ông. Xét thấy hợp lý ông đã cho anh vay 2 triệu cùng với 2 triệu tiền đóng hội của bạn bè làm vốn khởi nghiệp. Bước ngoặt cuộc đời một lần nữa mở với Tiện.
Cứ thế xoay sở, anh mượn được 20 chiếc chum của người thân dùng muối moi, dành một triệu mua cá trược phơi khô, còn lại dùng mua cá tươi bán trao tay kiếm lời. Dành dụm được chút vốn anh đầu tư vào các chủ thuyền khi họ gặp khó khăn xem như giúp đỡ thân tình cũng là lấy mối làm ăn. Vậy là khi đánh bắt về có hàng, họ đều mang đến bán cho anh. Anh hiểu nỗi khó khăn của người đi biển nên gặp những khi biển mất mùa, gặp giông bão anh đều hỗ trợ tiền giúp ngư dân có thể tiếp tục ra khơi.
Ai nấy đều xem anh như người bạn, người “cứu tinh” của xóm làng. Hàng ngày gia đình anh nhận mua tất cả từ cá tạp, tôm tép, cá mắm... theo giá thị trường. Có ngày hàng nhiều anh xuất ra cả trăm triệu để mua hải sản cho bà con. Bận bịu tối ngày nên lúc nào nhà anh cũng cần 10 người làm thường xuyên, khi cao điểm lên tới gần 30 người. Có ngày lên 80 ngàn đồng/người. Giá trược cao điểm lên đến 4000đ/kg, có ngày anh xuất trên 20 tấn trược. Ngư dân đi đánh bắt về là anh mua hết rồi xuất đi nhiều mối hàng khác nhau trên khắp cả nước nên bà con phấn khởi an tâm đánh bắt không sợ ế và ép giá.
Từ một người “cùng đinh” nay anh đã có nhà cao tầng khang trang, các con đều được đến trường. Anh có điều kiện giúp đỡ mọi người bằng cách tạo việc làm cho để con cái họ có cơ hội đến trường. Khi nhận được lời tôn vinh triệu phú, anh cười khiêm tốn: “triệu phú cái chi, nghèo khổ quen rồi nên phải làm để cả mình và dân làng đỡ khổ”. Nhìn những khuôn mặt rám nắng nhưng rạng ngời niềm vui của ngư dân mới thấy, đúng là “làng ăn mày khác xưa rồi”.
Nguyễn Đông Hà