1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Triều cường bất thường ở TPHCM

Trong lúc TPHCM đang tập trung chống ngập do nước mưa chưa xong thì gần đây hiện tượng ngập lụt do triều cường đang lan rộng rộng với mức độ thiệt hại ngày càng cao. Đợt triều cường vừa qua đã làm vỡ nhiều tuyến đê bao, biến nhiều khu dân cư trung tâm và ngoại ô thành phố thành vùng ngập úng.

Ngay từ sáng sớm 4/3, lúc con nước vừa lên thì nhiều nhà dân và tuyến đường khu vực quận 8 bắt đầu ngập nước. Có mặt tại đường Bến Bình Đông - đoạn cầu kênh Ngang lúc 8 giờ sáng, chúng tôi chứng kiến mực nước đo được giữa tim đường đã lên đến gần 1m. Sát 2 bên lề đường còn ngập sâu hơn. Những người dân đang tham gia “chống lụt” khu vực này cho hay, những ngày trước họ còn mua bao cát để đắp bờ cho nước khỏi vào nhà, nhưng rút cuộc nước vẫn vào.

Cuối cùng, họ cứ canh theo con nước lên mà chuyển đồ lên gác, rồi lại canh con nước xuống để đắp bờ và bơm nước ra. Cứ mỗi ngày 2 lần như vậy, riết rồi cũng quen. Ô tô, kể cả xe tải khi đến cầu số 2 đều không đủ can đảm để chạy qua đoạn đường này. Một số xe quay đầu để đi hướng khác, còn lại thì kiên trì chờ nước rút. Một tài xế xe tải do dự: “Đi thì được nhưng sợ ướt hàng trên xe”.

Theo Công ty Thoát nước đô thị TPHCM, mực nước thực tế đo được tại trạm bơm khu vực cầu Bông (kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè) là 1,48m, so với mực triều cao nhất của năm ngoái chỉ 1,44m. Chính vì vậy mà nhiều khu vực ngập sâu hơn. Khả năng của ngành chỉ giải quyết ngập ở những khu vực có trạm bơm.

Giải thích về hiện tượng này, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết triều cường dâng cao gây ngập nhiều vùng ven sông ở Nam Bộ, đặc biệt tại TPHCM, là do kỳ triều cường kết hợp với đợt gió chướng đạt đến cấp 6, có lúc cấp 7 thổi từ vào đất liền. Đợt gió này góp phần làm cho mực nước vùng hạ lưu các sông dâng cao hơn đỉnh triều thiên văn.  

 

Theo dự báo, tuần tới, sẽ xuất hiện thêm một đợt triều cường (triều cường rằm tháng 2 âm lịch) với đỉnh triều thiên văn không cao. Thế nhưng, nếu lại tiếp tục trùng vào đợt gió chướng thổi mạnh, hiện tượng ngập cao tại TPHCM sẽ lại tiếp diễn. (VietNamNet)

Nhưng ngay cả những khu vực có trạm bơm ở hẻm 158 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh; khu vực đường Nguyễn Văn Luông, quận 6... vẫn bị ngập do máy nhỏ bơm không kịp. Các khu vực khác như Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), bến Mễ Cốc (quận 8), các tuyến đường trên địa bàn quận 2... là những nơi ngập thường xuyên và hiện nay chưa có giải pháp.

Vòng sang đường Mễ Cốc, rốn ngập của thành phố, chúng tôi bắt gặp người dân nơi đây đang tập trung nâng nền nhà, nền đường. Gia đình chị Trương Ngọc Thuận ở số nhà F17, đường Mễ Cốc, phường 15, quận 8 đang tiếp tục nâng nền nhà cao thêm.

Chị Thuận cho biết: “Đây là lần nâng nền nhà thứ 3 của gia đình chị. 2 lần trước đã nâng trên 1m nhưng vẫn bị ngập, lần này gia đình quyết định nâng thêm 60 cm hy vọng sẽ có chỗ ngủ mỗi khi triều cường. Không chỉ nhà chị Thuận mà hầu như nhà nào ở khu vực này cũng chọn giải pháp nâng nền nhà, có nhà nâng đến mức người đi đụng phải trần nhà”. Nhưng nâng được nhà thì lại đến các hẻm ngập sâu, nên hẻm nào hẻm nấy lại hùn nhau nâng hẻm. Nhưng cũng chỉ được vài năm, lại tiếp tục ngập.

“Không hiểu vì sao, nước ngập mỗi ngày một cao hơn” - chị Thuận lo lắng. Nước ngập cũng đã làm ngưng trệ việc buôn bán của các tiểu thương chợ Mễ Cốc. Người dân muốn mua sắm phải xắn quần đến tận quá đầu gối để lội vào chợ. Trưởng Ban quản lý chợ Mễ Cốc Nguyễn Minh Hùng, cho biết: Triều cường gây ngập đã làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của chợ.

Chỉ tay vào bãi giữ xe nước ngập hơn nửa mét, ông Hùng nói tiếp: “Nước ngập bắt đầu lên từ khoảng 5 giờ sáng cho đến hơn 10 giờ mới rút, chiều tối lại tiếp tục dâng. Mỗi tháng có trên 15 ngày ngập, tiểu thương kêu trời vì không bán được nhưng thuế vẫn phải nộp đủ. Giải pháp của ban quản lý là nâng nền chợ, nhưng nâng xong chợ lại trở thành “ốc đảo”.

Còn chị Hà tiểu thương ở đây lo lắng đặt câu hỏi: “Giữa mùa khô mà nước ngập sâu qua đầu gối, không biết vào mùa mưa cộng với triều cường sẽ ra sao?”. Thiệt hại lớn nhất là những khu vực có các tuyến đê bao bị vỡ như ở các quận ven như 7,12, Thủ Đức. “Tại phường Hiệp Bình Chánh và Trường Thọ, quận Thủ Đức, do đê bao bị vỡ nên hàng trăm căn nhà của người dân tại khu phố 8, chìm sâu trong nước. Người dân bị động nên thiệt hại nhiều về tài sản, nhất là hoa màu, cây cảnh và hầu hết các ao cá ở phường Trường Thọ bị mất trắng”, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thị Hạnh lo lắng.

Trong khi đó, bà Phan Hoàng Diệu, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, nhận định: Triều cường năm nay chỉ gây ngập tại một số điểm lẻ tẻ (?). 

Theo Hồ Việt - Vân Anh
Sài Gòn giải phóng