1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Triển vọng sáng sủa để Việt Nam gia nhập WTO

Ngày 19/7 này, phiên đàm phán đa phương thứ 12 về việc VN gia nhập WTO sẽ chính thức diễn ra tại Geneva. Ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, nhận xét: “Với những gì đã đạt được, tôi nghĩ rằng đây sẽ là triển vọng sáng sủa để VN bước vào WTO trong năm nay”.

Tại phiên thứ 12 này, tất cả những nội dung VN đã đạt được trong các thỏa thuận song phương sẽ được tổng hợp để đắp da đắp thịt cho thỏa thuận chung này.

Liệu đây đã có thể là phiên đàm phán cuối cùng kết thúc giai đoạn đàm phán gia nhập WTO của VN không, thưa ông?

Nếu nói về tiến trình gia nhập WTO, có thể thấy Trung Quốc đạt thỏa thuận với Mỹ về việc gia nhập WTO vào tháng 11/1999, đến tháng 12 năm đó ông Pascal Lamy (lúc đó là Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu - EU) sang Trung Quốc ký thỏa thuận tương tự. Thế nhưng phải đến năm 2001, Trung Quốc mới có thể trở thành thành viên chính thức của WTO.

Tôi nói thế để có thể thấy rằng từ việc đạt được các thỏa thuận song phương cho đến lúc hoàn tất mọi công việc để trở thành thành viên WTO không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhiều lúc đó có thể coi là đánh vật với các từ ngữ, khái niệm đưa vào bản cam kết đa phương.

Tuy nhiên với VN, vấn đề có thể sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều và hi vọng đây là phiên đàm phán cuối cùng để đưa ra một biên bản chung về cam kết của VN.

Nhưng liệu có chuyện những vấn đề mà VN đã đạt được thỏa thuận với các đối tác sẽ được đưa ra bàn thảo tiếp tại phiên đàm phán đa phương này hay không?

Tôi không tham gia các cuộc đàm phán đa phương, nhưng từ thực tế việc gia nhập WTO của các nước khác thì đến phiên đàm phán này của VN sẽ không còn vấn đề gì bị lật lại xem xét cả.

Có một điều chắc chắn là những gì đã đạt được thỏa thuận rồi thì sẽ được đưa vào biên bản, theo nguyên tắc là những thỏa thuận song phương nào có lợi nhất cho các thành viên WTO thì sẽ được đưa vào bản cam kết chung.

Cho đến lúc này, công việc còn lại, bên cạnh việc tổng kết quá trình đàm phán song phương của VN, thảo luận dự thảo báo cáo của ban công tác, một nội dung công việc cũng sẽ được tiến hành là xem xét lại tiến độ trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi các luật thương mại, đầu tư, doanh nghiệp và sở hữu trí tuệ... mà Quốc hội VN vừa thông qua từ sau phiên đa phương tháng bavừa qua.

Có lẽ việc báo cáo, làm rõ những nội dung văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế, quyền kinh doanh và trợ cấp của VN sẽ là những nội dung mà chúng ta phải dành đáng kể công sức trong vòng đàm phán này.

Vào thời điểm diễn ra phiên đàm phán đa phương thứ 12 của VN, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đang thảo luận, xem xét việc thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN. Liệu việc Hoa Kỳ chưa thông qua ngay qui chế này có ảnh hưởng gì đến vòng đàm phán đa phương cũng như quá trình gia nhập WTO của VN không, thưa ông?

Tôi nghĩ việc thông qua PNTR cho VN ngay lúc này hay chưa sẽ không có gì ảnh hưởng đến vòng đàm phán đa phương. Bởi vì thật ra cho dù lưỡng viện của Hoa Kỳ chưa thông qua ngay PNTR cho VN thì thỏa thuận song phương giữa VN và Hoa Kỳ cũng đã ký kết rồi.

Cái này nằm trong một đạo luật của Quốc hội Mỹ trao quyền đàm phán cho tổng thống và Quốc hội chỉ còn việc biểu quyết thông qua hay không thông qua mà thôi.

Cho đến thời điểm này, những lợi ích của việc trao PNTR cho VN đối với Hoa Kỳ, đối với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã được chính họ bày tỏ rất rõ. Chính vì vậy, tôi nghĩ đây sẽ không phải là vấn đề có thể gây trở ngại cho tiến trình gia nhập WTO của VN.

Vậy trong trường hợp vòng đàm phán kết thúc tốt đẹp, liệu những nội dung cam kết cụ thể đã có thể công bố rộng rãi cho các doanh nghiệp chưa, thưa ông?

Cái đó không phải là quyền của tôi nhưng tôi nghĩ rằng cần công bố cho các doanh nghiệp VN càng sớm càng tốt. Sớm được chừng nào thì các doanh nghiệp VN càng có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chơi mới tốt hơn chừng ấy. Còn nếu cứ tiếp tục “tù mù” thì doanh nghiệp sẽ không thể chuẩn bị tốt được.

Theo Nhật Linh
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm