“Treo” bị can suốt 11 năm không bồi thường
(Dân trí) - Hơn 11 năm phải mang danh phận “bị can”, ông Nguyễn Văn Triều mới được minh oan bằng quyết định đình chỉ điều tra. Thừa nhận có sai trái trong quá trình tố tụng nhưng các cơ quan chức năng lại thoái thác trách nhiệm bồi thường.
Bị “bỏ rơi” vì mất hồ sơ
Ngày 10/3/1996, VKSND huyện Châu Thành cũ đã phê chuẩn đề nghị của Công an huyện (nay là VKSND và Công an quận Cái Răng) khởi tố ông Nguyễn Văn Triều (ngụ tại phường Ba Láng, quận Cái Răng) về tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Cùng bị khởi tố với ông Triều còn có ông Nguyễn Văn Tuân (chú ông Triều, đã chết).
Sau điều tra, Công an huyện Châu Thành đã chuyển hồ sơ cho VKS cùng cấp đề nghị truy tố. Ngày 13/7/1996, trong phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện phát hiện hồ sơ tố tụng có sai sót nên đã ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Triều (trước đó ông Triều bị tạm giam 100 ngày - PV).
Từ đó vụ án bị bỏ quên dù ông Triều đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan tố tụng ở huyện Châu Thành (cũ) và quận Cái Răng (mới), TP Cần Thơ và cả Bộ Công an yêu cầu giải quyết dứt điểm.
Sau 11 năm khiếu nại, ngày 3/1/2007, Công an quận Cái Răng đã có văn bản báo cáo: “Sau khi TAND huyện Châu Thành trả hồ sơ, hồ sơ đã được chuyển về cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành. Cơ quan này lại chuyển toàn bộ hồ sơ sang UBND huyện để chỉnh sửa lại quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Triều. Từ đó, hồ sơ vụ án bị thất lạc”.
Theo quan điểm của PC16 (Công an TP Cần Thơ), việc Công an huyện Châu Thành (cũ) chuyển hồ sơ tố tụng cho UBND huyện Châu Thành là vi phạm chế độ quản lý hồ sơ nghiệp vụ. Do hồ sơ đã mất nên không có chứng cứ thể hiện ông Triều vi phạm pháp luật hình sự dẫn đến việc khởi tố, bắt tạm giam.
Từ đó, PC16 đề nghị các cơ quan tố tụng cần thống nhất cách giải quyết vụ việc của ông Triều. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của những cán bộ có vi phạm trong quản lý hồ sơ tố tụng...
Giải oan nhưng “né” bồi thường
Ông Triều bức xúc: "Dù không bị tạm giam nữa nhưng đã hơn 11 năm, vụ việc của tôi vẫn không được đưa ra xét xử để tuyên tôi có tội hay không có tội. Tôi vẫn phải mang thân phận của một bị can, luôn sống trong dằn vặt lo âu".
Ngày 19/12/2007, Cơ quan CSĐT, Công an quận Cái Răng đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Văn Triều. Ngay sau đó, ông Triều làm đơn khiếu nại gửi đến VKS quận Cái Răng đòi bồi thường oan sai theo Nghị quyết 388 của UBTVQH với số tiền hơn 212 triệu đồng và buộc các cơ quan tố tụng phải xin lỗi công khai.
Ngày 24/7/2008, Viện trưởng VKS quận Cái Răng đã có văn bản từ chối yêu cầu bồi thường oan sai của ông Triều. Công văn số 04/VKS-KT của VKS quận Cái Răng cho rằng: Công an quận Cái Răng đã ra quyết đình chỉ điều tra với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không phải vì không phạm tội. Do đó, trường hợp của ông Triều không thuộc đối tượng điều chỉnh tại điểm a, b khoản 1, điều 1, Nghị quyết 388.
Tuy nhiên theo ông Triều, VKS quận Cái Răng đã nại ra lý do không chính đáng đó để “né” trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế và danh dự đối với ông.
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc, luật sư Nguyễn Trường Thành (đại diện cho ông Triều) cho biết: Lý do mà Công an quận Cái Răng đưa ra để đình chỉ điều tra “đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” là không có căn cứ và không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
“Trường hợp này, hành vi của ông Triều đã bị khởi tố, có kết luận điều tra, cáo trạng và đưa ra xét xử, sau đó trả hồ sơ điều tra bổ sung. Vì sự tắc trách CQĐT đã làm thất lạc hồ sơ nên không giải quyết được vụ án. Lỗi này thuộc về CQĐT nên không thể đưa ra căn cứ “đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” để VKS từ chối bồi thường” - luật sư Thành khẳng định.
Được biết hiện ông Triều đang làm các thủ tục để khiếu nại lên cấp cao hơn. Từ việc tắc trách của cơ quan tố tụng, một vụ việc oan sai đã kéo dài hơn 11 năm trời và chưa biết bao giờ mới đi đến tận cùng chân lý.
Nhật Trường