Trên lễ đài Bác đọc Tuyên ngôn
Giáo sư Ngô Huy Huỳnh - một tài năng trong ngành kiến trúc Việt Nam, là tác giả của công trình “Lễ đài Tuyên ngôn độc lập” 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ông nhớ lại về ngày lịch sử này…
“Chúng tôi chọn nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa Quảng trường Ba Đình và tiến hành thi công vào trưa ngày 1/9. Buổi sáng hôm đó, ông Phạm Văn Khoa tìm đến ông Quyến (một thợ mộc giỏi ở phố Hàng Hành) bàn chuyện kiếm gỗ dựng lễ đài. Ông Quyến huy động 10 thợ đi mượn gỗ cùng vải đỏ của đồng bào để thi công. Thời gian gấp, 40 anh em ở Ban Cổ động, Ban Kiến thiết, Ban Khoa giáo đến giúp.
Khi thi công, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống đỡ bục lễ đài vì phải chịu nặng hơn 2 tấn. Cột cờ và các trụ lễ đài đều chôn xuống đất mà không dùng móng để tranh thủ thời gian và tránh thiệt hại gỗ của bà con cho mượn.
Chúng tôi dùng vải bọc ngoài các thang gỗ và tạo khối kiến trúc để trang trí với thời gian ít nhất. Những công việc không phải mộc, không phải nề này, tôi cùng làm với anh em thanh niên. Công nhân Nhà máy Điện bảo đảm ánh sáng thật đầy đủ. Chúng tôi hoàn thành công việc dựng lễ đài trước rạng đông ngày 2/9. Tất cả anh em làm việc đều mê mải, không chú ý là cả một đêm trắng đã qua nhanh chóng…”.
Và cuối cùng, lễ đài cao 4 m đã được dựng xong. Nó có cấu trúc theo hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa. Bốn mặt hình thang, khung gỗ, gần hết diện tích phủ vải đỏ, giữa có ngôi sao vàng lớn, phía trên phủ vải vàng, bốn mặt trang trí những đường vòng bằng vải đỏ, ở mỗi điểm tiếp giáp thì tết một bông hoa lớn. Cột cờ bằng gỗ cao khoảng 5 - 6m, nhô lên từ chính giữa lễ đài. Hai mặt hai bên trên bệ cao bày lư hương lớn bằng gỗ, bên trong đặt đỉnh đồng, việc đốt trầm hương do mấy cụ chuyên trách lo.
“Lễ Tuyên ngôn Độc lập” được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình là một ngày hội lớn của dân tộc. Luy Liam J. Đincơ, một học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, trong đó có sự kiện về ngày 2/9/1945 tại Hà Nội đã kể:
Sau khi lên bục, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới, ra giới thiệu vị Chủ tịch với đám đông. Bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn nhưng xúc động: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng: Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”…
Một người Mỹ khác, L.A. Patti - một sĩ quan tình báo, người đứng đầu cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) trong cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam?”, sách dầy gần 1.000 trang, tác giả dành hai chương 25, 26 viết về sự kiện lịch sử ngày 2/9. Viên sĩ quan Mỹ này có mặt trong buổi lễ long trọng này từ những phút đầu tiên cho đến khi buổi lễ bế mạc, đã kể lại không khí buổi sáng 2/9 tại quảng trường Ba Đình:
“Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng chăm chú theo dõi và quần chúng im lặng. Mọi người hết sức tò mò và quan tâm đến vị lãnh đạo mới của chính phủ. Họ đều muốn biết ông Hồ Chí Minh là ai? Trên lễ đài, mặc áo kaki màu sẫm, đó là ông Hồ Chí Minh.
Tiếng loa phát thanh nổi lên, quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang: “Độc lập!”. Ông Hồ giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng…”.
Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ tôi nói không?”/ Quần chúng hô vang - đáp lại: “Rõ!”.
Mãi đến tận khuya hôm đó, báo chí địa phương mới cung cấp cho chúng tôi một bản nguyên văn lời tuyên bố của Ông Hồ…”.
Sau ngày mùng 2/9/1945 ấy, trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi nhạc phẩm “Ba Đình nắng” - một bài ca rất được nhân dân ưa thích, nhiều người đã chép và học thuộc lòng.
Đây là “Bài ca đi cùng năm tháng” của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ thơ Vũ Hoàng Địch. Thời ấy, lời bài ca mang tính chất ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“… Ôi! Thương mến lời cha già dân tộc
Bộ kaki đã bạc với gió sương
Người hiện thân sức mạnh của hoà bình
Nắng Ba Đình ngời tia sáng lung linh
Còn ghi lại trên cỏ hoa đua nở
Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ
Tiếng cha già xen lẫn tiếng hoan hô…”.
Mãi mãi nhớ mùa thu lịch sử của dân tộc - mùa thu đổi đời, mùa thu tái sinh, mùa thu hy vọng, mùa thu tương lai… Nhân dân Việt Nam đổi đời không thể nào quên:
Trước quảng trường dân hô “Độc lập”
Trên lễ đài Bác đọc Tuyên ngôn”.
Theo Tin tức