Trên 80% biệt thự cổ ở Hà Nội đã bị biến dạng
(Dân trí) - Có tới trên 80% (tổng số 970) biệt thự cổ thuộc sở hữu Nhà nước đã bị cải tạo, cơi nới, lấn chiếm, biến dạng là một trong những vấn đề nan giải trong quá trình bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Biệt thự đang mất dần giá trị
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến cuối năm 2008, thành phố hiện đang quản lý 970 biệt thự cổ thuộc sở hữu nhà nước bao gồm: 42 biệt thự không bán; 228 biệt thự chưa bán; 164 biệt thự đã bán và 536 biệt thự đã bán một phần.
Qua thống kê, số biệt thự thuộc sở hữu nhà nước do các công ty kinh doanh nhà trực tiếp quản lý chiếm 60%, còn 30% đan xen giữa sở hữu nhà nước và tư nhân và 10% là trụ sở cơ quan Nhà nước đan xen giữ các hộ dân thuê để ở.
Đáng chú ý, hầu hết các biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại Hà Nội được xây dựng trước năm 1954 do các chủ tư nhân hay chính quyền của chế độ cũ xây dựng. Các biệt thự phần lớn mang hình dáng kiến trúc kiểu Pháp, một số được kết hợp hài hòa giữ kiến trúc phương Tây và Á Đông và phần lớn tọa lạc ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính.
Với các biệt thự có kiến trúc kiểu Pháp, giới chuyên môn đều có chung nhận định: đây là một tài sản có giá trị lớn về mặt kinh tế xã hội vì mỗi biệt thự có dáng, kiến trúc riêng tạo nên nét độc đáo, góp phần tô điểm cho diện mạo của đô thị, làm phong phú thêm cảnh quan môi trường.
Tuy nhiên, việc sử dụng các quỹ nhà biệt thự đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý, không tận dụng được những nét đẹp đặc thù của biệt thự mà còn phá vỡ kiến trúc cảnh quan, ảnh hưởng đến kết cấu của biệt thự.
Đây là kết quả của việc sử dụng quỹ nhà biệt thự với nhiều mục đích khác nhau cũng như quá tải về số dân ở trong các biệt thự. Cụ thể là số biệt thự có 1 - 2 hộ dân chỉ chiếm 5%, có từ 5 - 10 hộ dân chiếm 50%, còn lại khoảng 40% số biệt thự có từ 10 - 15 hộ ở, cá biệt có biệt thự có tới 35 - 40 hộ ở.
Tại buổi tọa đàm Bảo tồn và khai thác quỹ biệt thự xây dựng trước năm 1945 diễn ra sáng 12/9 do Hội kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, ông Vũ Mạnh Cường, Cục quản lý nhà và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng cho rằng:
“Việc sử dụng quỹ nhà biệt thự như hiện nay là thiếu hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội. Cụ thể là tiền thuê nhà hiện nay không đủ chi phí cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa biệt thự, làm cho quỹ nhà biệt thự ngày một giảm sút về chất lượng”.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 15% biệt thự còn nguyên trạng trong khi tỷ lệ đã bị cải tạo, biến dạng trong quá trình sử dụng chiếm tới 80% và 5% còn lại thì đã phá đi xây dựng lại.
Đề xuất 207 biệt thự không bán
Tại buổi tọa đàm, theo ý kiến của Sở Xây dựng, một trong những bất cập chính của công tác quản lý biệt thự đó là chúng ta chưa có các quy định riêng về quản lý, sử dụng, các tiêu chí bảo tồn, tôn tạo, thu hồi biệt thự. Đây cũng là quan điểm của KTS Đào Ngọc Nghiêm.
Ông Nghiêm cho biết thêm, việc quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng quỹ biệt thự ở Hà Nội đã được ông đưa ra từ cách đây 10 năm nhưng sau đó cứ “trôi dần” và cho đến thời điểm này thì vẫn chưa có một khung pháp lý cho nó. Trong khi đó, quãng thời gian ấy, cùng với sự gia tăng về giá trị đất đai, các quỹ nhà biệt thự ngày càng nảy sinh nhiều phức tạp và xuống cấp nghiêm trọng.
Để bảo tồn, khai thác sử dụng quỹ nhà biệt thự có hiệu quả, Sở Xây dựng cho biết, theo đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố Hà Nội, quỹ nhà biệt thự được phần thành 2 loại: bán và không bán.
Đối với loại không bán, tiêu chí để xác định đó là: những biệt thự khu trung tâm chính trị Ba Đình; biệt thự có giá trị kiến trúc cần bảo tồn, tôn tạo; các biệt thự đang cho các doanh nghiệp thuê sẽ tiếp tục thuê và quản lý theo quy định hiện hành; biệt thự có số hộ thuê ít hơn 3 hộ… Theo đó, có 207 biệt thự được đề nghị không bán.
Đối với 599 biệt thự được đề nghị bán nhằm tạo điều kiện cho người dân khai thác và sử dụng hiệu quả hơn, Sở Xây dựng cho biết thực hiện bán theo quy định tại Nghị định 61/CP. Số biệt thự còn lại các công ty quản lý nhà tiếp tục quản lý.
Để bảo tồn giá trị bền vững đối với các biệt thự “chính quyền thành phố cần có cơ chế chính sách khuyến khích việc giãn dân tại các biệt thực có nhiều hộ ở, khuyến khích việc sửa chữa, cải tạo để phục hồi lại nguyên trạng kiểu kiến trúc” - ông Cường nói.
Lan Hương