Trên 1.400 phạm nhân người nước ngoài đang chấp hành án hình sự tại Việt Nam
(Dân trí) - Theo thống kê, đã có trên 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam, hơn 4.000 người Việt Nam đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc các hình phạt tước tự do khác ở nước ngoài. Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Bộ Công an vừa công bố dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và đề nghị xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Tính đến đầu tháng 5/2019, theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (Bộ Công an), đã có trên 1.400 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 30 quốc tịch khác nhau (bao gồm cả người không có quốc tịch) đang chấp hành án hình sự tại các cơ sở giam giữ trên lãnh thổ Việt Nam; số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù là trên 500 người.
Về tội danh, đa số các phạm nhân bị kết án liên quan đến các tội phạm về ma túy và kinh tế. Về quốc tịch, số phạm nhân mang quốc tịch Lào và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao) là nhiều nhất, tiếp đến là phạm nhân quốc tịch Nigeria, Campuchia, Australia.
Đến tháng 7/2019, với tư cách là Cơ quan trung ương về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 61 hồ sơ yêu cầu chuyển giao phạm nhân từ Việt Nam ra nước ngoài (chủ yếu là các nước Australia, Hàn Quốc, Lào)…
Số liệu thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (tính đến tháng 5/2019) cho thấy có hơn 5 triệu người Việt đang làm ăn, sinh sống, lao động, học tập tại 103 nước và vùng lãnh thổ. Đa số công dân Việt Nam luôn tuân thủ pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên, rất nhiều người đã vi phạm pháp luật và bị kết án phạt tù ở các quốc gia đó.
Hiện nay, theo số liệu của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, có hơn 4.000 người Việt Nam đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc các hình phạt tước tự do khác ở nước ngoài, tập trung phần lớn tại tại Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao), Cộng hòa Séc, Campuchia, Đức.
Bộ Công an đã nhận được trên 16 đề nghị của phía nước ngoài về việc chuyển giao công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt, trong đó có đối tượng liên quan đến tổ chức khủng bố quốc tế, có đối tượng là đối tượng truy nã của Việt Nam.
Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận 4 phạm nhân đầu tiên từ Vương quốc Anh về Việt Nam để tiếp tục cho chấp hành án, gồm: Khoa Kim Học, Vũ Lâm Giang, Vũ Văn Phòng và Nguyễn Việt Cường. Các phạm nhân này đều bị Tòa án có thẩm quyền của Vương quốc Anh tuyên hình phạt tù chung thân về tội giết người. Quá trình chuyển giao không áp dụng các biện pháp chuyển đổi hình phạt; đến nay, chưa phạm nhân nào được áp dụng các hình thức giảm án, tha tù trước thời hạn.
Cần xây dựng Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
Bên cạnh các mặt đã đạt được, Bộ Công an cho biết qua triển khai thi hành quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù của Luật Tương trợ tư pháp còn cho thấy một số khó khăn, vướng mắc. Nhiều nội dung của luật chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trong khi đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 chưa có quy định rõ về việc thi hành bản án hình sự do tòa án có thẩm quyền nước ngoài tuyên đối với công dân Việt Nam sau khi được tiếp nhận về Việt Nam để tiếp tục chấp hành hình phạt.
Vấn đề tạm tha có điều kiện được quy định trong các hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù mà Việt Nam ký kết với các nước nhưng chưa được quy định trong luật.
Luật Đặc xá năm 2007 chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đặc xá cho người bị kết án phạt tù được tiếp nhận về Việt Nam cũng như đối với người nước ngoài được chuyển giao cho nước ngoài.
Một số nước có nhiều người Việt sinh sống, học tập và lao động chưa sẵn sàng đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về chuyển giao người bị kết án phạt tù với Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, việc Việt Nam đàm phán, ký kết điều ước về chuyển giao người bị kết án phạt tù với một số đối tác mới chỉ đáp ứng yêu cầu về mặt chính trị, đối ngoại mà chưa có giá trị thực tiễn.
Hồ sơ phạm nhân được chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam không có tài liệu thể hiện quá trình chấp hành án phạt tù tại nước chuyển giao nên không xác định được quá trình chấp hành án phạt tù của phạm nhân tại nước chuyển giao như thế nào, gây khó khăn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các phạm nhân này.
Vì thế, Bộ Công an cho rằng cần sớm ban hành một đạo luật riêng biệt về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trên cơ sở tách từ Luật tương trợ tư pháp năm 2007 để phân biệt rõ giữa các hoạt động mang bản chất nhân đạo với các hoạt động mang tính cưỡng chế cao như dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự của luật hiện hành.
“Tiến hành khảo sát, thống kê, đánh giá thực trạng, tình hình người Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài và nhu cầu được chuyển giao về Việt Nam để tiếp tục chấp hành án. Đồng thời, khảo sát khả năng đáp ứng yêu cầu tiếp nhận của các trại giam tại Việt Nam trong trường hợp tất cả các công dân Việt Nam đang chấp hành án tại nước ngoài mong muốn được trở về Việt Nam để chấp hành án”- Bộ Công an đề xuất.
Thế Kha