Trẻ nhỏ rơi chung cư: Lan can, cửa sổ như thế nào là an toàn?
(Dân trí) - Vụ bé gái 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex (Hà Nội) xuống đất tử vong đã một lần nữa dấy lên mối quan tâm về quy chuẩn an toàn của lan can, cửa sổ, ô thoáng chung cư cao tầng.
Theo thông tin ban đầu từ một lãnh đạo UBND phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội), tối 19/4, bé gái 4 tuổi ở cùng phòng với mẹ ở tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex trên địa bàn. Sau đó, người mẹ bận làm việc ở ngoài và tưởng con gái ngủ trong phòng nên đã xảy ra việc cháu bé bị rơi xuống đất khi trèo qua cửa sổ phòng ngủ.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe (QCXDVN 05: 2008/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008 đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn chiều cao tối thiểu đối với lan can ở nhà cao tầng.
Cụ thể, với nhà ở, tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao lan can phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu là 1,4m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác từ 0,9 - 1,1m.
Riêng đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng nhét lọt quả cầu đường kính 100mm.
Đồng thời, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư, quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được thấp hơn 1,4 m.
Luật sư Tiền nhận định, trẻ nhỏ là đối tượng cần được bảo vệ, quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ, người lớn. Việc người lớn sao nhãng trách nhiệm, để trẻ nhỏ ở một mình trong phòng sẽ khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Và thực tế đã có rất nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị rơi từ tầng cao chung cư.
"Mọi hành vi dẫn đến hậu quả làm tổn hại, xâm hại, tước đi quyền sống của trẻ đều phải bị xử lý nghiêm khắc. Càng trong quan hệ gia đình càng phải xử lý nghiêm minh. Ví dụ khi cha mẹ đi ra ngoài khóa cửa nhốt con ở nhà, nhưng cửa ban công lại mở, trẻ trèo ra ban công rơi xuống đất ngã chết… thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc dẫn đến rủi ro cho đứa trẻ" - luật sư Tiền nêu quan điểm.
Để phòng ngừa những tai nạn liên quan đến ban công, lan can, cửa sổ nhà cao tầng, theo luật sư Tiền, ngoài sự quan tâm, trông giữ con trẻ của người lớn, vấn đề an toàn trong thiết kế xây dựng công trình, nhà ở cần phải được đặt lên hàng đầu.
Tiếp tục nêu quan điểm để phòng chống các vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra, luật sư Tiền nhận định, pháp luật cần có những quy định thắt chặt việc rà soát, thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng.
"Người có thẩm quyền phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Cùng với đó, cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục… về phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" - ông Tiền nói.
Cũng theo luật sư Tiền, Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thể hiện về "Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ", trong đó nêu rõ cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…
Việc phải xử lý cha mẹ trong những vụ việc tương tự như thế này là hết sức đau đớn vì gia đình đã mất mát quá nhiều, nhưng điều đó là đúng quy định pháp luật.
"Tùy tính chất, mức độ hậu quả thì cơ quan tố tụng áp dụng mức hình phạt phù hợp để giáo dục, răn đe và cũng mang tính nhân văn" - ông Tiền nhận định.