Trẻ rơi từ chung cư: Bài học đau xót sao người lớn mãi chưa "thuộc"?

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Theo các chuyên gia để xảy ra các vụ tai nạn trẻ nhỏ ngã từ tòa nhà cao tầng, lỗi trước hết thuộc về người lớn khi thiếu trách nhiệm, chủ quan, lơ là.

 Cảnh báo rất nhiều, vì sao tai nạn thương tâm vẫn liên tục tái diễn?

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ việc thương tâm, trẻ em rơi từ tòa nhà cao tầng. Mới đây nhất, tối 19/4, bé gái 4 tuổi tử vong khi ngã từ tầng 24 ở chung cư Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người không khỏi đau xót.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, tại sao dù đã có quá nhiều cảnh báo, nhiều vụ việc xảy ra trong thực tế song nhiều cha mẹ vẫn chủ quan lơ là, khiến các vụ tại nạn thương tâm vẫn liên tiếp tái diễn?

Trẻ rơi từ chung cư: Bài học đau xót sao người lớn mãi chưa thuộc? - 1

Khu vực cháu bé bị rơi xuống từ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex tối 19/4. (Ảnh: Nguyễn Trường).

Chia sẻ với PV Dân Trí, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua.

Cụ thể, không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can và không có lỗ hổng nhét lọt quả cầu đường kính 100 mm.

Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên, lan can có chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác từ 0,9 - 1,1 m.

Trẻ rơi từ chung cư: Bài học đau xót sao người lớn mãi chưa thuộc? - 2

Về lý thuyết, số liệu quy chuẩn xây dựng tại các tòa nhà cao tầng là rất an toàn, việc đu bám, leo trèo ra bên ngoài ban công rất khó. (Ảnh minh họa: Đỗ Quân). 

Không những vậy, quy chuẩn còn quy định lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong quy chuẩn liên quan. Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm.

Nếu sử dụng kính ở các lan can, cần tuân thủ không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.

Về lý thuyết, số liệu của quy chuẩn là rất an toàn, việc đu bám, leo trèo ra bên ngoài rất khó.

Tuy nhiên, theo Luật sư Diệp Năng Bình, thực tế có nhiều chủ đầu tư khi xây dựng vẫn làm lan can thanh ngang nên trẻ nhỏ có thể trèo qua được. Thậm chí nhiều cao ốc, các thanh lan can làm quá thưa dẫn đến việc, trẻ nhỏ có thể chui qua lọt.

Trẻ rơi từ chung cư: Bài học đau xót sao người lớn mãi chưa thuộc? - 3

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, các gia đình có trẻ nhỏ còn thiếu ý thức, chủ quan trong việc bảo vệ an toàn khi sống trong các tòa nhà cao tầng.

Ngoài ra, ở đây cũng có sự chủ quan, lơ là của các gia đình. Nhiều hộ dân khi dọn về ở, vẫn để ghế, thùng, các vật dụng ngoài ban công, có thể khiến trẻ hiếu động, nghịch ngợm, leo trèo ra bên ngoài rất nguy hiểm.

"Để xảy ra các tai nạn thương tâm là do nhiều chủ đầu tư không tuân thủ quy định về quy chuẩn an toàn trong xây dựng công trình.

Dù vậy, cũng phải thừa nhận, các gia đình có trẻ nhỏ còn thiếu ý thức, chủ quan trong việc bảo vệ an toàn khi sống trong các tòa nhà cao tầng", Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Lỗi lớn nhất thuộc về người lớn?

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng An - Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) chua xót cho hay, rất đau lòng mỗi lần đọc thông tin về các vụ trẻ rơi từ tòa nhà cao tầng. "Tôi làm công tác bảo vệ trẻ em, cảm thấy rất buồn, rất thương tâm. Tại sao lại liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn như thế dù chúng ra đã nói và cảnh báo liên tục?", ông An đặt vấn đề.

Theo ông An, ngoài trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình khi không tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng, đảm bảo an toàn cho trẻ thì lỗi lớn nhất thuộc về người lớn.

"Trẻ em dưới 6 tuổi không bao giờ được để một mình, người lớn cần phải luôn giám sát, trang bị các kỹ năng tự bảo vệ mình cho các con. Bởi lẽ, khi thức giấc không có người lớn bên cạnh, trẻ dễ hoảng loạn, sợ hãi.

Lúc đó, trẻ sẽ cuống cuồng tìm cha mẹ, các bé có thể mở cửa sổ, chạy ra ban công và rất dễ xảy ra tai nạn. Những vụ việc như này chỉ diễn ra trong tích tắc, nên cha mẹ tuyệt đối đừng bao giờ chủ quan, nghĩ rằng mình chỉ xuống nhà một lát, rửa bát một chút, yên tâm để con chơi hoặc ngủ một mình ...", ông An nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, có một bất cập là hiện nay để đảm bảo quy chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, từ tầng 6 các tòa nhà không được thiết kế ban công, chỉ có lô - gia. Trong đó, lan can lô - gia không được hở chân và không được có chấn song ngang, chiều cao không dưới 1m4.

Cửa sổ của các căn hộ chung cư cũng không có chấn song mà chỉ có bậu cửa lửng. Với những trường hợp này, cha mẹ phải lường trước được các mối nguy cơ, trang bị các lưới đan ni-long che kín. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, thì các lưới này sẽ nóng chảy, đội ngũ cứu hộ vẫn có thể ứng cứu kịp thời.

Về lâu dài, ông An cho rằng, phải xây dựng được một đội ngũ nhân viên, cộng tác viên xã hội, có kiến thức bảo vệ trẻ em làm công tác tuyên truyền, trang bị các kỹ năng cần thiết đến từng hộ gia đình.

"Ở nhiều nước trên thế giới họ rất chú trọng việc phòng ngừa, tuyên truyền các kỹ năng cho cha mẹ bảo vệ trẻ nhỏ. Vì thế, những vụ việc trẻ nhỏ ngã từ tòa nhà cao tầng như thế này cũng hiếm xảy ra.

Trên thực tế, hiện nay trẻ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro: từ việc có thể bị xâm hại tình dục, đuối nước, tai nạn giao thông... việc có đội ngũ tuyên truyền, kiến thức cho cha mẹ bảo vệ con cái là rất quan trọng", ông An nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng trăn trở, ở Việt Nam hiện nay công tác tuyên truyền giáo dục kỹ năng bảo vệ trẻ cũng như mạng lưới nhân viên, công tác viên trong lĩnh vực này còn yếu và thiếu. Điều này cũng dẫn đến việc vẫn để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm cho trẻ mà nếu như công tác phòng ngừa tốt thì có thể tránh được.