Trẻ “hồi sinh” sau khi bị kết luận tử vong: hiện tượng không hiếm gặp
Dù đã có kết luận tử vong ngay khi lọt lòng, bé Phan Thị Hà (sinh 16/6 tại Hà Nam) vẫn sống thêm 5 ngày nữa nhờ được cấp cứu ở Viện Nhi Trung ương. Theo các bác sĩ, hiện tượng <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/7/126883.vip">tim ngừng đập nhưng sau đó hồi lại</a> vẫn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh.
Bé Hà ra đời lúc mới 26 tuần thai, chỉ nặng 800 gram. Theo trao đổi giữa bác sĩ Hằng, người phụ trách ca sinh của bé tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam, với tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, bé khi ra đời đã tím tái và ngạt nặng. Các bác sĩ đã cấp cứu nhưng do bệnh nhi không có đáp ứng, nhịp tim mất nên kết luận tử vong. Khoảng 1 giờ sau khi được gia đình đưa về, cháu lại khóc và tự thở được. Trở lại bệnh viện, cháu được làm thủ tục chuyển lên tuyến trung ương.
Tiến sĩ Khánh Dung cho biết, bé Hà được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương tối 16/6 trong tình trạng tím tái toàn thân do suy hô hấp nặng, độ bão hòa ôxy chỉ đạt 60% (bình thường là 92% trở lên), ngừng thở hoàn toàn. Cháu được cấp cứu và cho thở máy. Tuy nhiên, do sinh quá non, phổi chưa trưởng thành, lại bị xuất huyết não độ 4 (rất nặng) nên bé đã qua đời vào ngày 21/6.
Theo bà Khánh Dung, hiện tượng trẻ sơ sinh đã ngừng tim nhưng sau đó tim đập trở lại không hiếm gặp. Ở trẻ mới lọt lòng, lượng hồng cầu trong máu rất cao nên các cháu có khả năng chịu đựng khá lâu tình trạng thiếu ôxy trong máu.
Khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương từng gặp nhiều cháu bé “hồi sinh” sau khoảng 1 giờ ngừng tim, cấp cứu đã vô hiệu, có thể do động tác thay quần áo đã vô tình kích thích tim bé đập lại, cũng có thể không do tác động nào.
Do đặc điểm trên, nguyên tắc của cấp cứu sơ sinh là thực hiện đến cùng, và khi cháu bé đã ngừng tim thì nên có một khoảng thời gian chờ đợi, theo dõi. Theo tiến sĩ Dung, khả năng cứu sống của các cháu này thường rất ít ỏi, nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, bác sĩ cũng phải nắm lấy. Mặt khác, bộ phận sơ sinh ở tuyến dưới không có máy monitor, chỉ nghe tim thai bằng ống nghe nên nếu tim trẻ đập quá yếu thì có thể không phát hiện ra là cháu còn sống. Bởi vậy, việc theo dõi tiếp khi thấy bé đã ngừng tim là cần thiết.
Riêng với trường hợp bé Hà, bà Dung cho rằng lẽ ra các bác sĩ ở Hà Nam nên cấp cứu triệt để hơn. Tuy nhiên, với điều kiện y tế của Việt Nam hiện nay, những trẻ sinh non 26 tuần rất hiếm khi nuôi sống được.
Theo Thanh Nhàn
VnExpress