1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Trẩy hội tưng bừng ngày đầu năm

Hoạt động từ 8h sáng mùng 1 Tết, các tuyến xe buýt TPHCM hầu hết đều đầy khách. Những tuyến xa như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức đều kín chỗ ngay khi xe xuất bến. Người Hà Nội đổ ra đường đi lễ chùa. Năm nay, không khí trẩy hội đầu xuân còn nhộn nhịp hơn cả năm ngoái.

TPHCM: Khởi hành đầu năm để cả năm thuận lợi

Lẫn trong đám đông những người chờ xe buýt sáng nay, chiếc ô carô trắng nâu của cụ bà Nguyễn Thị Hai nổi bật hẳn lên. Sáng mùng 1 Tết, bà dậy từ rất sớm, mặc chiếc áo dài xanh hôm qua đã ủi thẳng chuẩn bị sẵn, trang điểm một chút lên má cho sắc thêm tươi rồi mang ô ra bến xe đón chuyến sớm đi Nhà Bè. Bà cụ đi thăm con cháu, nhân tiện thắp hương bàn thờ tổ tiên.

Theo Trung tâm quản lý và điều hành xe buýt TPHCM, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi vận hành đầu năm mới, đã có 5 chuyến xe buýt tuyến TPHCM - An Sương xuất bến với đầy khách. Nhiều và hoạt động sớm nhất là tuyến TPHCM - Củ Chi, chuyên chở từ 6h đến 9h sáng đã có 26 lượt xe rời bến. "Lượng khách đi chơi, thăm viếng họ hàng ở tuyến TPHCM - Củ Chi rất đông nên được đặc cách hoạt động sớm", người điều hành tổ phụ trách lượt xe buýt tuyến này cho biết.  

Cũng lần đầu tiên trong nhiều năm, gia đình bà Kim Mai ngụ ở quận Bình Thạnh, xuất hành vào sáng mùng 1 Tết để ra nghĩa trang thành phố viếng mộ, thắp hương cho chồng. Năm nào, gia đình bà cũng đi cúng mộ vào chiều mùng 1 hoặc sáng mùng 2. "Không hiểu sao năm nay tôi muốn ra đường sớm, đi viếng mộ rồi còn thăm cái nhà thằng con mới mua luôn. Mọi việc cứ làm ngay đầu năm sẽ hanh thông suốt năm con lợn", bà Mai giải thích.

Đêm qua, khi pháo hoa vừa kết thúc, các phố quận trung tâm TPHCM đã đông nghịt người đổ ra đường hái lộc, du xuân. Xe máy nẹt bô. Các xe hơi thể thao tay chơi mở nhạc bài Happy New Year chạy ầm ĩ trên đường Nguyễn Trãi, Lê Lai. Sáng mùng 1, đường phố Sài Gòn cũng không vắng người đi lại.

Mọi năm, người đi xe máy qua các ngã tư có thể phóng vèo qua bất chấp đèn đỏ, vì đường phố vắng tanh. Nhưng năm nay, những con đường chính luôn đông người đi nên ai cũng phải tuân thủ luật giao thông. Tuy nhiên, các ngã tư hầu như vắng bóng cảnh sát giao thông.

Hà Nội: Khách dâng hương lễ Phật bị "chém đẹp"

Người dân thủ đô vào sáng mùng 1 Tết không đến các tụ điểm vui chơi giải trí, mà đi lễ chùa đầu năm. Họ đến chùa để cầu tài, cầu lộc cho một năm mới an khang thịnh vượng. Khoảng 8-9h sáng, tại các đền, phủ, chùa lớn ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Hà, phủ Tây Hồ, chùa Phúc Khánh... tấp nập người đi lễ.

8h30 sáng mùng 1 Tết, đền Quan Thánh tương đối đông người tới lễ. Một người đàn ông trung niên đang to tiếng với người phụ nữ trông xe vì bị "cắt cổ" 10.000 đồng khi gửi xe máy. Một bà cụ tỏ ra khá bất bình khi bị chặn lại ở cửa đền vì chưa mua vé.

Thông thường, các đền, phủ, chùa đều rộng cửa đón các thiện nam tín nữ đến dâng hương bái Phật. Thế nhưng, ở đền Quan Thánh thì khách thập phương bị chặn lại bắt buộc phải mua vé với giá 2.000 đồng. Số tiền bỏ ra mua vé vào cửa không nhiều, nhưng nhiều người không hài lòng với cách kiếm tiền này. "Đầu năm đi lễ chùa chẳng lẽ đến cổng đền rồi lại quay về sợ các "ngài" quở, chứ tôi chưa từng thấy đi lễ chùa lại phải mua vé bao giờ", chị Lâm ở quận Thanh Xuân ấm ức.

Các đền, chùa khác dù không bán vé vào cửa như đền Quan Thánh, nhưng giá vé gửi xe ngoài cổng thì cũng tương đương "một chín một mười", với mức dao động 5.000-10.000 đồng cho một lượt trông xe máy.

Theo Phan Anh - Anh Đức
VnExpress