Trâu đi lạc vào sân bay Nội Bài: Ai chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo quy định, UBND địa phương quanh sân bay cũng có trách nhiệm trong việc để gia súc của người dân đi lạc, xâm nhập vào cơ sở hạ tầng hàng không.
Trong vụ một con trâu đi lạc vào sân bay Nội Bài (Hà Nội) trưa 22/1, nhân viên an ninh đã đẩy đuổi con trâu ra khỏi sân bay thay vì giữ lại để xác minh chủ nhân.
Điều này có thể hiểu được khi "bạn của nhà nông" chưa gây ra thiệt hại tài sản hay uy hiếp an ninh an toàn cho phía sân bay. Tuy nhiên, sự cố hy hữu cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người dân, địa phương lân cận sân bay trong việc quản lý vật nuôi, gia súc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho biết, trong trường hợp con trâu chưa gây ra thiệt hại cho sân bay, người chăn thả trâu vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông".
Căn cứ Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người chăn thả bị phạt từ 60.000 đến 100.000 đồng.
Từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không), cho biết ủy ban nhân dân các địa phương tại khu vực lân cận sân bay cũng phải chịu trách nhiệm.
Cụ thể, Điều 8 của Nghị định 92/2015 về An ninh hàng không nêu rõ UBND các cấp nơi có sân bay có trách nhiệm quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
Công an cấp phường, xã chủ trì, phối hợp với lực lượng an ninh hàng không tổ chức tuần tra khu vực lân cận bên ngoài sân bay nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
Ngoài ra, khoản 2, Điều 24 Nghị định này cũng nêu rõ chính quyền địa phương quanh sân bay có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định về an ninh hàng không.
"Tuyên truyền cho người dân mà quên mất trách nhiệm tổ chức, địa phương, có lẽ khó phát huy được hiệu quả như mong muốn", ông Hùng chia sẻ.
Sân bay quốc tế Nội Bài nằm cách trung tâm Hà Nội 30km. Đây là khoảng cách lý tưởng giúp khu vực nội đô tránh được tiếng ồn, ô nhiễm của hoạt động bay và những quy định phiền toái về giới hạn tĩnh không nhà cao tầng.
Tuy nhiên, việc nằm ở vị trí tiếp giáp 5 xã sản xuất nông nghiệp của huyện Sóc Sơn cũng gây cho sân bay không ít ảnh hưởng. Đơn cử như tình trạng đốt rơm rạ gây khuất tầm nhìn, phơi thóc dưới lòng đường, thả diều uy hiếp an toàn bay hay để gia súc, vật nuôi xâm nhập sân bay.
Với vụ việc để trâu xâm nhập ngày 22/1, sân bay Nội Bài đã chỉ đạo đơn vị chức năng gửi văn bản khuyến cáo đến địa phương các xã giáp ranh để tiếp tục tuyên truyền nhắc nhở bà con trong việc quản lý vật nuôi, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn hàng không và hình ảnh của sân bay cửa ngõ của thủ đô.
Hàng năm, sân bay cũng phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Bắc tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về văn hóa an toàn hàng không cho các xã giáp ranh sân bay, đồng thời gửi văn bản khuyến cáo người dân không thả diều, bóng bay, flycam, đốt rơm rạ, quản lý vật nuôi… đảm bảo an toàn bay.
Đảm bảo an ninh hàng không, ngăn vật ngoại lai xâm nhập là nhiệm vụ quan trọng của mọi sân bay. Với sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, yếu tố an ninh, an toàn càng trở nên quan trọng khi Chính phủ đã quyết định đưa 2 sân bay này vào danh mục công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia (tháng 12/2018).