1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tránh rét đậm, rét hại cho trâu bò, cây trồng thế nào?

Bón bổ sung tro bếp để giữ ấm đồng thời tăng cường khả năng chống rét cho mạ, Ngừng cấy lúa xuân sớm khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ, phải có 5-7 kg rơm hoặc cỏ khô cho mỗi trâu, bò… là những biện pháp phòng chống trong thời gian rét đậm, rét hại kéo dài.

Ngừng cấy lúa khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ

Ông Phan Huy Thông, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong nhưng ngày rét đậm, rét hại vừa qua đến nay vẫn chưa có thiệt hại về cây trồng. Cục đã có sự chỉ đạo cụ thể tới các tỉnh để tiếp tục phòng chống với thời tiết rét đậm, rét hại đang và sẽ tái diễn.
 

Tránh rét đậm, rét hại cho trâu bò, cây trồng thế nào? - 1

Che kín chuồng tránh gió lùa và chuẩn bị thức ăn dự trữ để đảm bảo cho
trâu, bò không bị mắc bệnh và thiệt hại trong những ngày rét đậm, rét hại này.

Cụ thể, đối với lúa vụ Đông xuân 2010-2011: Diện tích mạ vụ xuân sớm đã gieo, cần chủ động che phủ nilon, duy trì mức nước ruộng từ 1-2 cm, bón bổ sung tro bếp để giữ ấm đồng thời tăng cường khả năng chống rét cho mạ; những ngày nhiệt độ xuống thấp hơn 15 độ C ngừng cấy lúa xuân sớm. Theo dõi thường xuyên tình hình sâu bệnh hại trên mạ, những địa phương có diện tích mạ bị bệnh vi rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen, cần huỷ bỏ và phun thuốc trừ rầy theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật. Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về nhân lực và hệ thống máy bơm, kể cả bơm dầu, bơm lưu động để chủ động lấy nước đạt hiệu quả cao nhất trong khung lịch lấy nước đổ ải đợt 1 từ ngày 27/1/2011 đến 2/2/2011.

Chủ động đủ nguồn giống lúa dự phòng, đảm bảo chất lượng để gieo mạ bổ sung hoặc gieo thẳng kịp thời nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ. Đối với rau màu vụ Đông 2010 cần khẩn trương thu hoạch cây vụ Đông để chuẩn bị cấy lúa xuân. Không gieo trồng các cây màu, lạc, đậu tương khi thời tiết còn rét đậm.

Đối với một số cây công nghiệp lâu năm như cây cao su mới trồng, để giảm tác hại của rét và hạn, cần tăng cường tủ gốc; vườn ươm cao su cần che chắn gió rét và phun nước lã vào sáng sớm để giảm tác hại của sương muối. Với cây cà phê có biện pháp che phủ cây mới trồng, nơi có điều kiện có thể phun nước lã buổi sáng nhằm giảm thiểu tác hại của sương muối.

Phải có 5-7 kg rơm hoặc cỏ khô mỗi trâu, bò

“Cho đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được báo cáo chính thức thiệt hại về vật nuôi của các tỉnh. Qua báo cáo sơ bộ của tỉnh Bắc Kạn, tính đến 18 giờ ngày 6/1 trên địa bàn tỉnh đã có 145 trâu bò chết. Trong số đó, 107 con chết vì đói, rét, còn 38 con chết vì các nguyên nhân khác” – ông Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng gia súc lớn, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết.

Theo ông Tuyên, Cục cũng đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh chủ động phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là trâu, bò. Cục đã chỉ đạo các  tỉnh phải tiêm phòng cho toàn đàn gia súc, đặc biệt là tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng. Cùng với đó, cần củng cố chuồng trại đảm bảo kín, khô, ấm, đảm bảo điều kiện vệ sinh, chống được mưa và gió lùa. Thu gom, dự trữ, chế biến tốt các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò mùa khô và mùa đông. Mỗi gia đình phải có một cây rơm, rạ để  mỗi trâu, bò một ngày phải có 5-7 kg rơm hoặc cỏ khô.

Đồng thời, có kế hoạch di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực núi cao, trâu bò thả rông về chỗ nuôi nhốt có thể kiểm soát được. Cần chuẩn bị thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi khi cần.

Theo N.Lê
báo Lao Động