Tranh luận trên Quốc hội về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia, thuốc lá
(Dân trí) - Có đại biểu Quốc hội ủng hộ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng như nước giải khát có đường, thuốc lá, rượu bia, song cũng có ý kiến đề nghị cần có lộ trình phù hợp, tránh tăng sốc, gây hệ lụy.
Phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi chiều 27/11 ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng như nước giải khát có đường, rượu bia, thuốc lá.
Đề nghị mở rộng đánh thuế "đồ uống có đường"
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy góp ý kiến về đề xuất của Chính phủ liên quan việc bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào nhóm đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nhất trí với đề xuất này nhằm hạn chế lạm dụng chất có đường gây hại cho sức khỏe, song nữ đại biểu cho rằng Luật cần mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung, thay vì chỉ nước giải khát có đường.
"Tôi rất lo ngại về tác dụng ngược của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, vì có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng chỉ có nước giải khát có đường mới không được khuyến khích sử dụng. Trong khi đó trên thực tế, nhiều loại đồ uống có đường khác còn chứa hàm lượng đường cao hơn nước giải khát", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội lập luận.
Cho biết một số quốc gia xác định đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là toàn bộ đồ uống có đường hoặc một số đồ uống có đường cụ thể, đại biểu Kim Thúy đề nghị Luật nên quy định theo một trong hai hướng.
Một là áp thuế đối với đồ uống có đường, có hàm lượng đường trên 5g/100ml và hai là liệt kê các nhóm đồ uống có đường thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giao Chính phủ quy định cụ thể.
"Nhưng dù quy định theo hướng nào thì cũng cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, chứ không chỉ nước giải khát có đường", bà Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng đề xuất nên có một danh mục cụ thể liệt kê các loại đồ uống có đường cần áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Danh mục này có thể do Chính phủ điều chỉnh theo từng thời kỳ.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…
Theo đại biểu Hòa, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng cao, không phải chỉ có nước giải khát có đường. Và nếu áp thuế cao, có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu bia được làm thủ công, nhập lậu rất khó kiểm soát vào Việt Nam.
Cần lộ trình hợp lý, tránh tăng sốc
Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) phân tích với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030 mức thuế tuyệt đối, cộng thêm áp dụng cả hai phương án do Chính phủ trình là 10.000 đồng một bao. Như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở Phương án 1 và hơn 100% ở Phương án 2.
Đại biểu cho rằng việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế.
"Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động", nữ đại biểu nói.
Đại biểu cho rằng, hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như dự thảo Luật là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều góc độ: kinh tế, xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh) ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ nhằm định hướng tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông, cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. "Nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh", ông An nói.
Ủng hộ tăng thuế thuốc lá để giải quyết vấn đề sức khỏe và môi trường, song đại biểu cũng đề nghị cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, tránh gây ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp và người dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, nhưng đề nghị cần xem xét thận trọng, căn cứ vào tình hình thực tiễn để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng phù hợp nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu mà chúng ta đề ra.
Phân tích rõ hơn, ông Cường cho biết trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là tăng 5% với độ giãn cách 3 năm. Lần sửa đổi này, thuế ở phân khúc thuốc lá nội địa sẽ tăng khoảng 10% và tăng hàng năm (nếu theo phương án 2 thì sẽ tăng khoảng 25% ngay năm đầu tiên).
"Việc tăng thuế ở mức cao hay còn gọi là tăng sốc sẽ đạt được mục tiêu giảm cầu, nhưng nếu chưa thể làm tốt công tác chống buôn lậu, hậu quả lại rất tai hại", ông Cường cảnh báo.
Vị đại biểu nhắc lại việc tăng thuế "sốc", chưa có tiền lệ, trong khi công tác chống buôn lậu chưa đáp ứng yêu cầu là vấn đề phải hết sức cân nhắc để tránh những hệ lụy vô cùng tai hại của gia tăng buôn lậu.
Ông đồng thời đề nghị cân nhắc kỹ về mức và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia trong bối cảnh tình hình buôn lậu rượu bia còn phức tạp.