Tranh luận "nóng" việc giao doanh nghiệp viễn thông đấu giá sim số đẹp

Thế Kha

(Dân trí) - Trước ý kiến của VNPT, Viettel, Mobifone, Bộ TT-TT bảo lưu quan điểm tổ chức đấu giá số thuê bao có cấu trúc đặc biệt đã phân bổ cho doanh nghiệp nhưng chưa được phân bổ cho người sử dụng.

Góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet, Bộ Tư pháp cho rằng điểm a khoản 3 Điều 48 và điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Viễn thông quy định nếu kho số viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ cho doanh nghiệp viễn thông thì không tổ chức đấu giá mà doanh nghiệp có quyền quyết định, Nhà nước không can thiệp vào vấn đề này. Từ đó bộ này đề nghị chỉ quy định Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đấu giá kho số viễn thông.

Đại diện Bộ Tài chính phân tích, Khoản 5 Điều 48 Luật Viễn thông quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet thông qua đấu giá, chuyển nhượng” (khâu Nhà nước phân bổ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân). Vì vậy đề nghị làm rõ căn cứ pháp lý quy định các doanh nghiệp tổ chức đấu giá mã, số viễn thông như đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong khi đó, Tập đoàn VNPT, Viettel, Mobifone đề nghị xem xét để bỏ việc ủy quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông cho doanh nghiệp viễn thông tổ chức đấu giá; đề xuất chỉ đấu giá số thuê bao mà Bộ Thông tin và Truyền thông chưa phân bổ với lý do tương tự ý kiến của Bộ Tư pháp.

Tranh luận nóng việc giao doanh nghiệp viễn thông đấu giá sim số đẹp - 1

Một buổi đấu giá số điện thoại đẹp năm 2011 (Ảnh tư liệu: Vietnam+).

“Bảo lưu quan điểm" tổ chức đấu giá số thuê bao có cấu trúc đặc biệt

Giải đáp những nội dung trên, Bộ Thông tin và Truyền Thông (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho rằng quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật quản lý tài sản công thì “Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”; khoản 7 Điều 4 phân loại tài sản công có kho số viễn thông.

Điều 105, 106 và 107 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý tài sản công nói rõ khi “lựa chọn sử dụng dãy số đặc biệt” trong kho số phục vụ quản lý thì tổ chức, cá nhân phải trả cho Nhà nước (ngoài phí, lệ phí theo quy định) tiền cấp quyền lựa chọn để được sử dụng.

Viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, sử dụng tài nguyên vô hình (kho số viễn thông, tên miền Internet…) để các doanh nghiệp viễn thông thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ.

Khác với kho số quản lý nhà nước về phương tiện giao thông thì cơ quan quản lý phân bổ (cấp) trực tiếp cho tổ chức, cá nhân nên việc “lựa chọn sử dụng dãy số đặc biệt” tổ chức, cá nhân sử dụng sẽ trả tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

Đối với kho số viễn thông (số thuê bao viễn thông), cơ quan quản lý nhà nước chỉ phân bổ cho doanh nghiệp qua đấu giá hoặc trực tiếp theo quy hoạch (khoản 1 Điều 31 Nghị định 25/2011/NĐ-CP). Sau khi được phân bổ số thuê bao, doanh nghiệp phân bổ lại cho người sử dụng dịch vụ viễn thông qua giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ (phân bổ trực tiếp hoặc thông qua đấu giá đối với số thuê bao có cấu trúc đặc biệt).

Thời điểm cấp quyền sử dụng kho số là thời điểm thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ (thời điểm số thuê bao được lựa chọn, kích hoạt trên hệ thống và trở thành số thuê bao viễn thông - chính là thời điểm số thuê bao được đưa vào sử dụng).

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 3 Điều 107 Nghị định 151/2017 thì Bộ Thông tin và Truyền thông được giao quản lý nhà nước đối với kho số có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số, xác định giá khởi điểm để đấu giá, lộ trình thực hiện và các nội dung cần thiết khác để thực hiện việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

“Bộ Thông tin và Truyền thông bảo lưu quan điểm là tổ chức đấu giá các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt đã phân bổ cho doanh nghiệp nhưng chưa được phân bổ cho người sử dụng dịch vụ qua giao kết hợp đồng. Để không trái với quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 25/2011 thì cần giao cho doanh nghiệp tổ chức đấu giá. Việc này cũng phù hợp với quy định tại khoản 5, Điều 5 Luật Đấu giá tài sản. Tiền trúng đấu giá phải nộp ngân sách sau khi trừ các chi phí theo quy định của pháp luật”- dự thảo tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định nêu rõ quan điểm.