Ông chủ New Century bị đề nghị 12-18 tháng tù giam
(Dân trí) - Xác nhận “lách luật”, Nguyễn Đại Dương cũng khẳng định không cách gì kiểm chứng độ cồn đảm bảo trong rượu pha loãng. Bị cáo “đẩy” việc chứng minh cho VKS. Không chấp nhận, Viện vẫn kết bị cáo phạm tội, đề nghị mức phạt 12-18 tháng tù giam.
“Gói dịch vụ mang tên chai rượu”
Tiếp tục biện giải về cách thức bán rượu mạnh pha thêm nước, đá, sôđa, Nguyễn Đại Dương cho rằng, việc lách luật là thực tế chung của tất cả các vũ trường, quán karaoke vì nếu chỉ bán rượu dưới 30 độ cồn thì đương nhiên chỉ cần giấy phép đăng ký kinh doanh, không phải xin giấy phép con của Sở thương mại mà lĩnh vực hoạt động vũ trường, biểu diễn nghệ thuật không đủ điều kiện được cấp.
Nguyễn Đại Dương dẫn chứng, sau khi được cấp đăng ký kinh doanh bổ sung ngành nghề rượu, bia, thuốc lá, suốt thời gian dài các cơ quan chức năng kiểm tra liên tục nhưng không có nhắc nhở gì hoạt động mua bán rượu của vũ trường. Bản thân VKS quận Hoàn Kiếm từ năm 1999 tuần tự 6 tháng kiểm tra 1 lần và “lý lịch” vũ trường vẫn… sạch.
“Tại phiên toà này, nếu VKS thay đổi quan điểm để kết tội bị cáo vì một việc đã rồi thì thì bị cáo không có gì để nói thêm” - Nguyễn Đại Dương nói.
Bị cáo tự bạch, kinh doanh vũ trường cần tìm mọi cách để hút thật nhiều người tập trung như một lễ hội vui tươi, nhộn nhịp. Vì vậy, New Century đã khuyến khích mua rượu và đưa ra dịch vụ gửi rượu để “móc” khách hàng tiếp tục quay lại như một lượng “khách mồi” hữu hiệu. Lợi nhuận về rượu, theo bị cáo, không phải về giá mà là thứ lợi nhuận vô hình. Cứ mua 2 chai rượu lại khuyến mại 1 chai, thực chất vũ trường chỉ lời giá một nửa chai rượu dù đã bán đắt gấp 2-3 lần giá mua.
Thuốc lắc giả?
Không tự bào chữa, phần tranh luận, bị cáo Lê Thị Kim Anh chỉ “xin khai thêm” về lô 10 viên thuốc lắc lần đầu mua của Trương Thị Thu Hiền là hàng giả. Theo bị cáo, người mới “chơi” thuốc lần đầu cắn ¼ viên đã… phiêu. Nhưng mang cả nắm thuốc vào quán Internet, chỉ từ 2h-4h sáng, Kim Anh “chơi” liền 10 viên mà chỉ thấy “nghe nhạc hay hơn tí chút”, hoàn toàn không “phê”. Xem xét vấn đề thật giả này sẽ làm rõ bị cáo có phạm tội nhiều lần hay không. |
Ông chủ vũ trường đáp: “Bị cáo không chứng minh được là món rượu pha nước đá đó dưới 30 độ cồn nhưng cũng không ai chứng minh được nó trên 30 độ cồn. Mà để xử bị cáo thì Viện cần phải chứng minh điều đó”.
Trong bản tự bào chữa cho mình đọc trước toà, bị cáo cũng cho rằng, CQĐT chỉ thu giữ được hơn 400 chai rượu tại vũ trường, trị giá gần 100 triệu đồng thì chưa đủ căn cứ xử lý hình sự. Còn số liệu gần 2.500 chai rượu lấy trên máy tính của vũ trường là số liệu không hợp pháp do CQĐT mở niêm phong các CPU không có mặt bị cáo Nguyễn Đại Dương, in sẵn tài liệu rồi mang đến để Phùng Lam Sơn ký khi đang bị tạm giam.
Bác tất cả những lý lẽ đó, VKSND quận Hoàn Kiếm vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Theo đó, việc “lách luật” như bị cáo trình bày vẫn phạm luật.
“Quên” quy định có lợi cho bị cáo?
Tranh luận tại toà, luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng nêu quan điểm, dù Nguyễn Đại Dương “lách luật”, nghĩa vụ chứng minh việc pha chế như vậy có giảm được độ cồn trong rượu hay không là của VKS, CQĐT chứ không phải của thân chủ ông. Mặt khác, năm nào vũ trường cũng nộp thuế đầy đủ, trong đó có tiền thuế từ việc kinh doanh rượu. Ông Tâm đặt câu hỏi cho VKS: nếu kinh doanh trái phép liệu có cơ quan thuế nào tiến hành thu thuế cho New Century?
Tuy nhiên, thời điểm ra cáo trạng và xét xử thì hai văn bản pháp luật trên đã bị thay thế bởi Nghị định 40 Thông tư 10 của Chính phủ và Bộ Công thương, cùng ban hành trong năm 2008. Theo đó, mặt hàng rượu trên 30 độ cồn là mặt hàng không bị hạn chế kinh doanh và cũng không bị cấm bán tại vũ trường.
Như vậy, đã có sự chuyển biến về tình hình và thay đổi về pháp luật, hành vi bán rượu trên 30 độ cồn không có “giấy phép con” không bị coi là kinh doanh trái phép nữa. Áp quy định của Bộ luật hình sự, luật sư cho rằng bị cáo phải được miễn trách nhiệm hình sự.
Nguyễn Đại Dương bị đề nghị mức án 12-18 tháng tù giam về tội “kinh doanh trái phép” (theo khoản 2, Đ159-BLHS) và phạt bổ sung 30 triệu đồng.
Nhóm bị cáo “dính” tội mua bán trái phép chất ma tuý (Đ194-BLHS), Trần Thị Thanh, Lê Anh Tuấn cùng bị đề nghị 7 năm 6 tháng đến 8 năm 6 tháng tù. Tổng hợp với bản án trước đó, Thanh có khả năng nhận 10-11 năm tù, Tuấn 17-18 năm tù. Trương Thu Hiền bị đề nghị 5 năm 6 tháng tới 6 năm 6 tháng tù. Nguyễn Tuấn Trung và Đào Phương Trí cùng đối mặt với mức án 24-30 tháng tù.
Bị cáo Lê Thị Kim Anh bị đề nghị 4-5 năm tù, Lê Quốc Vương 5-6 năm tù cùng về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý (khoản 2, Đ194-BLHS). |
P.Thảo