Tranh luận “bốc hỏa” về tiền rút ruột Đề án 112
(Dân trí) - “Nói tiền Sơn đưa là của đồng nghiệp cho nhau là lời tự bào chữa của Thuần. Bị cáo nghĩ mình lớn tuổi, chức vụ cao thế mà khai là nhận tiền thì không được sạch sẽ” - công tố viên “khai hỏa” phần tranh luận khi phân tích tâm lý người phạm tội...
“Bị cáo chức vụ cao thế, khai nhận tiền thì không được sạch sẽ”
Đối lại quan điểm bào chữa, gỡ tội của các luật sư cho thân chủ của mình, đại diện VKS Hà Nội cũng tỏ ra không thiếu ngôn từ, giọng điệu. Với câu hỏi của nhiều luật sư về căn cứ xác định thiệt hại do các bị cáo gây ra, kiểm sát viên trích gần như trọn bộ 4 bản kết luận giám định CQĐT đã trưng cầu các cơ quan chức năng.
Theo đó, con số 4,6 tỷ đồng thiệt hại quy kết cho trưởng ban Vũ Đình Thuần được cộng từ khoản hụt 1,3 tỷ đồng trong gói thầu cung cấp phần mềm bản quyền với ISA; gần 1,2 tỷ đồng khống giá in ấn ở NXB Tư pháp; 1 tỷ đồng do “gửi giá” ở Tổng Công ty sách VN; 630 triệu đồng rút ruột trong các hợp đồng với 2 Công ty tin học Toàn Cầu, Nhất Vinh hơn 500 triệu đồng “phí môi giới” rơi vào tay Lương Cao Phong, Lương Cao Phi.
Bị cáo Thuần (trái) trả lời HĐXX.
Luật sư Đào Hữu Đăng “bật” lại, cho rằng đó là những việc thừa hành ở cấp dưới. Ông Thuần chỉ bị quy trách nhiệm nếu các quyết định chọn hình thức đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh là sai. Nhưng thực tế chứng minh ông Thuần đã xin ý kiến và có văn bản đồng ý của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ.
Kiểm sát viên vẫn lạnh lùng: “Văn bản này các luật sư mới chỉ lưu ý đến phần chỉ định thầu. Tuy nhiên ở phần cuối văn bản đã nêu rõ: Áp dụng chỉ định thầu khi đã triển khai đại trà các dự án”.
Về việc luật sư yêu cầu truy đúng trách nhiệm người nhận tiền từ các doanh nghiệp, đối tác của đề án, đại diện cơ quan công tố vẫn dẫn các bút lục khẳng định Giám đốc Công ty Toàn Cầu mang 360 triệu đồng (khoản tiền tương đương 15% giá trị hợp đồng ký với ban 112) cho Sơn chia lại với ông Thuần, ông Thuần cầm vui vẻ. Nhưng ra đến tòa, bị cáo Thuần lại nói chỉ hiểu đó là tiền Sơn cho.
“Lời khai có cả những chi tiết nhỏ, Chu Xuân Vinh cho tiền vào 1 chiếc ba lô để đưa Sơn, ai biết mà ép cung các bị cáo được. Sơn là công chức nhà nước, lấy đâu tiền cho sếp cả trăm triệu đồng. Đó là lời tự bào chữa của Thuần tại tòa thôi vì nghĩ mình lớn tuổi rồi, chức vụ cao thế mà khai là nhận tiền thì không được sạch sẽ. Chúng tôi cũng thông cảm cho tâm lý ấy” - công tố viên “chia sẻ”.
Vị này cũng chêm thêm phân tích, khoản 360 triệu này là tiền của Ban 112, luật sư không thể nói là tiền của doanh nghiệp. “Lại có người lý luận văn hóa Việt Nam quý nhau nên quà biếu tế cũng là thông lệ. Mang cho chừng ấy tiền mà bảo tự nguyện, không tính toán là văn hóa với phong tục?”.
Tranh thủ ưu đãi giá, ký hợp đồng để có tiền tỷ chia nhau?
Với Giám đốc Công ty cổ phần tin học ISA Nguyễn Thúy Hà, Kiểm sát viên khẳng định không chỉ buộc tội Hà trên cơ sở lời khai nhận của bị cáo tại CQĐT mà còn dựa vào nhiều chứng cứ khác như nhân chứng Quyên - nhân viên kế toán của Hà.
Quyên có lời khai về việc Hà chỉ đạo trích % cho Ban 112 và ước chừng khoản này là 10%. Quyển sổ ghi chép của Quyên đã bị thu giữ cũng ghi cặn kẽ từng mốc ngày tháng các lần rút tiền “lo lót” Ban 112.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Lời khai của Hà, đại diện VKS dẫn chứng, còn được chứng minh cả bằng lời khai của Vũ Đình Thuần. Bị cáo Thuần khai ban đầu không đồng ý kiến nghị mua phần mềm từ ISA nhưng Lương Cao Sơn phân tích nếu không ký hợp đồng ngay trong năm thì không được hưởng giá ưu đãi gần 1 nửa theo chính sách của 2 đơn vị IBM, Microsoft. Kiếm được phần ấy thì có tiền tỷ chia nhau. Ông Thuần đã bị thuyết phục.
Trong phần bào chữa cho thân chủ, luật sư Nguyễn Văn Quang cho rằng Hà bị ép cung, ép từ chối luật sư. Ông Quang dẫn chứng, về việc này chính VKS tối cao đã nêu yêu cầu phải bố trí luật sư tham gia tổng cung cho bị cáo vì Hà trong 16 tháng đầu bị bắt bị truy tố về tội tham ô tài sản với khung hình phạt lên đến tử hình.
Công tố viên lý giải, sau quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của VKS tối cao, CQĐT đã thay đổi tội danh đối với bị cáo, chuyển từ “tham ô tài sản” sang tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Mà tội này khung hình phạt cao nhất chỉ tới 15 năm tù, không có phạt tử hình nên yêu cầu có luật sư tham gia tổng cung không còn cần thiết.
Luật sư Quang phản bác cho rằng, chuyển tội danh nhưng CQĐT chỉ lấy lời khai của bị cáo thêm 1 lần, còn lại vẫn sử dụng toàn bộ những bản cung không có giá trị pháp lý vì vi phạm trong suốt 16 tháng trước đó để buộc tội bị cáo. Ông Quang vì vậy tiếp tục đề nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ án.
Kết thúc phần tranh luận, sau khi các bị cáo được nói lời sau cùng, tòa tuyên bố nghỉ nghị án đến 25/1 - thứ 2 tuần sau sẽ tuyên án.
“Nước mắt sau cùng” Vũ Đình Thuần: “112 là Đề án thực sự khó khăn. Tôi và các đồng nghiệp, các chuyên gia đã lao động tận tuỵ phục vụ những mục tiêu của Đảng, phục vụ nhân dân. Sự lao động gian khổ đó đổi lại là thành quả 14 phần mềm lần đầu tiên trong lịch sử VN được cấp giấy chứng nhận bản quyền. Cá nhân tôi đã cố gắng nhưng đã không tránh hết những va vấp, giờ tuổi đã cao, nhiều bệnh, xin HĐXX chiếu cố để được hưởng lượng khoan hồng cao nhất”. Nguyễn Thúy Hà (bật khóc): “Vụ án 112 đã trở thành “bóng ma” khiến cho Công ty ISA không còn nhận được sự hợp tác của các đối tác, nhiều chuyên gia, lập trình viên giỏi phải dời bỏ Công ty, khiến Công ty lâm vào nợ nần chồng chất... Ước mơ đưa VN thành cường quốc về công nghệ thông tin của tôi đã tan tành. Nhất định tôi không thể là tội phạm được. Là những người đi tiên phong về mã nguồn mở, chúng tôi chỉ thuần tuý làm công nghệ cao với cái tâm hoàn toàn trong sáng. Tôi thấy bất công và oan ức quá”. |
P.Thảo