1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Trắng tay vì lũ…

(Dân trí) - Mưa lũ tàn phá nặng nề nhiều vùng quê tỉnh Bình Định. Đến thời điểm này, ít nhất 2 người chết, nhiều tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, hàng trăm ngôi nhà đổ sập, tốc mái… Trong tích tắc, không ít gia đình trở nên trắng tay, "cơ nghiệp" tiêu tan vì... họa thiên tai.

“Màn trời, chiếu đất" sau lũ

Mưa lớn từ 30/10 đến ngày 5/11 đã gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề nhiều địa phương của tỉnh Bình Định. Chiều 5/11, ghi nhận của PV Dân trí, dù nước lũ đang rút nhưng nhiều vùng trũng vẫn ngập trong biển nước, giao thông còn chia cắt, hàng trăm ngôi nhà bị sập… Nhiều gia đình lâm vào tình cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Căn nhà mà gần 1 đời người dành dụm của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, trú thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) trở thành đống đổ nát sau trận mưa lũ bất ngờ
Căn nhà mà gần 1 đời người dành dụm của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, trú thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) trở thành đống đổ nát sau trận mưa lũ bất ngờ

Ông Nguyễn Văn Nhâm - Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cho biết: “Mưa lũ đã khiến 61 nhà dân bị sập, nhiều vùng tại địa phương nằm trong cảnh cô lập lập, sạt lở… Hiện nước lũ đang xuống chậm, tuy nhiên vẫn còn mưa, diễn biến lũ còn phức tạp. Vì vậy, chúng tôi đang huy động lực lượng chức năng đến các điểm xung yếu để kịp thời hỗ trợ. Đồng thời, kiểm tra và lập danh sách nhà sập, nhà hư hỏng… để kiến nghị ngành chức năng sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để bà con khắc phục nhà ở, sớm ổn định cuộc sống”.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (58 tuổi, trú thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) bị sập do mưa lũ. Trước mắt chúng tôi, căn nhà cấp 4 là gia tài lớn nhất của hai mẹ con bà Tâm trong chốc lát đã trở thành đống đổ nát sau trận mưa lũ bất ngờ.

Đang thu dọn những gì còn xót lại trong căn nhà đổ nát của mình sau trận lũ, bà Tâm ngậm ngùi kể: “Lúc đó nửa đêm ngày 3/11, nhưng không nhớ là mấy giờ nữa tôi và con trai đang loay hoay trong nhà dọn đồ chuẩn bị chạy lũ thì bất ngờ thấy gió mạnh thổi xốc vào nhà. Căn nhà rung chuyển, mái nhà xiêu vẹo… Biết chắc nhà chuẩn bị sập, hai mẹ con lập tức tháo chạy ra ngoài. Vừa bước ra khỏi cửa, căn nhà đổ sập xuống, bị gạch gói đổ văng vào người nên con trai tôi bị thương nhẹ ở chân”.

Ngôi nhà dột nát của bà Nguyễn Thị Mai (48 tuổi, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) vẫn chưa được sửa chữa
Ngôi nhà dột nát của bà Nguyễn Thị Mai (48 tuổi, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) vẫn chưa được sửa chữa

Chỉ trong chớp mắt, căn nhà mà cả gần một đời người bà Tâm vất vả làm thuê, dành dụm mới cất được để lấy chỗ che nắng của hai mẹ con, giờ đây đã trở thành đống đổ nát, hoang tàn. Đôi mắt hoen đỏ, nhìn bà Tâm càng thêm khắc khổ hơn. “Chồng không còn, tôi dành dụm mấy chục năm mới cất được căn nhà sơ sài làm chỗ ẩn náu. Ai ngờ chỉ chớp mắt, tan tành thế này. May mà còn thoát ra kịp không bị mái nhà sập xuống đè chết. Nhà cũng chẳng có cái gì giá trị ngoài cái bàn thờ ông bà, tổ tiên giờ phải che tạm bên ngoài để hương khói, còn hai mẹ con che bạt nằm ngủ dưới bếp”- bà Tâm ngậm ngùi nói.

Nỗi khổ dân vùng “9 áo, 1 quần…”

Nói đến dân ở khu Đông, nhiều người thường hay đùa nhau câu nói “dân “9 áo, 1 quần”, bởi cứ mưa lớn là ngập, còn lũ lụt thì khỏi phải bàn. Trận lụt lịch sử 2009, đặc biệt là trận lũ lớn bất ngờ năm 2013, vùng khu Đông biến thành biển nước mênh mông, nhiều nhà ngập tới nóc, người dân dỡ nóc nhà ngồi trên mái nhà cầu cứu trong đêm. Phải sống chung với lũ, người dân rất kinh nghiệm song mỗi khi lũ đi qua, để lại nhiều thiệt hại nặng nề, đời sống người dân bị đảo lộn.

Người dân khu Đông (huyện Tuy Phước) vẫn bơi trong biển nước (ảnh chụp chiều 5/11)
Người dân khu Đông (huyện Tuy Phước) vẫn bơi trong biển nước (ảnh chụp chiều 5/11)

Vợ chồng nghèo phải lo cho 5 đứa con ăn học, mơ ước có tiền xây lại căn nhà kiên cố, đổ nền cao để tránh nước ngập nhưng vẫn còn xa vời với vợ chồng bà Nguyễn Thị Mai (48 tuổi, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa). Vì tương lại các con “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, bao năm nay vợ chồng bà Mai vẫn ở căn nhà dột nát nên khi lũ về gia đình bà lại thấp thỏm nỗi lo nhà sập.

Giữa tâm vùng ngập lụt, trời mưa sụt sùi, trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, nước mưa dột ướt sũng, bà Mai phân trần: “Dân ở vùng này sống quen với cảnh lụt lội rồi. Nghe có lũ, vợ chồng con cái hì hục cả đêm kê dọn vật dụng đưa lên cao tránh lũ. May đợt này lũ nhỏ, nước vào nhà thấp nên vật dụng chưa bị ảnh hưởng, chứ lụt lớn như mấy năm trước thì vực dậy chẳng nổi. Nhà cửa xuống cấp nhưng không còn sức mà sửa chữa lại, khi lũ về là không ăn không ngủ nổi”.

“Nếu lũ lụt bình thường thì không sao, còn lụt như năm 2009 thì "bó tay", nhưng đó là do thiên tai mình không trách. Dân ở đây sợ nhất xả lũ, nước lũ xuống quá nhanh, người dân không kịp trở tay bao tài sản, lúa thóc bị ngập nước hư hỏng hết. Năm 2013 cũng vậy, nghe nói là xả lũ, nếu không nước không thể lên nhanh đến vậy. Nhà tôi thuộc khu đất cao rồi mà nước vào cả mét, dân vùng này nhiều nhà lút phăng, tài sản hư hỏng nặng…” - anh Nguyễn Hữu Hận (38 tuổi, thôn Tân Giản, xã Phước Hòa) cho biết.

Chuyện chạy lũ với người dân ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Bình Định) trở thành thói quen
Chuyện chạy lũ với người dân ở các xã khu Đông huyện Tuy Phước (Bình Định) trở thành thói quen

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, mưa lũ đã làm 2 người chết, 2 người bị thương, 189 ngôi nhà dân bị sập và vùi lấp, 116 ngôi nhà tốc mái. 1.450 nhà ngập nước, 1.664 ha lúa mùa, 628ha hoa màu bị ngập, 3.556 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…

Riêng huyện Tuy Phước, nước ngập chia cắt các xã Phước Lộc, Phước Nghĩa, thị trấn Tuy Phước, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Quang, Phước Thắng. 180 nhà dân bị sập, 2 cầu gỗ bị cuốn trôi.

Doãn Công