Nghệ An
"Trắng đồng" vì thuốc bảo vệ thực vật
(Dân trí) - Sau khi sử dụng thuốc Anco 600 SL để diệt cỏ lúa, hàng chục hộ dân tại xã Hiến Sơn (Đô Lương, Nghệ An) phát hoảng khi thấy cỏ dại vẫn sống khỏe trong khi đó cây lúa lại héo rũ rồi chết dần. Gần 8 hec-ta lúa đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Gần 8ha lúa Đông Xuân của bà con nông dân xã Hiến Sơn đã chết héo sau khi phun thuốc trừ cỏ Anco 600 SL
Đang nhổ số lúa chết héo lên để dặm lại, chị Nguyễn Thị Bình (xóm 8, xã Hiến Sơn) cho biết vụ mùa này chị cấy 8 sào và toàn bộ diện tích lúa này đều được phun thuốc Anco 600 SL để diệt cỏ. “Cứ tưởng phun thuốc diệt cỏ thì đỡ công sức đi làm, ai ngờ giờ lúa cũng chẳng có. 8 sào ruộng của tui chết sạch. Để kịp mùa vụ, đành chạy đôn chạy đáo xin mạ rồi thuê người dặm lại diện tích lúa đã chết nhưng số lúa mới dặm này cũng chịu chung số phận”, chị Bình cho biết.
Anh Nguyễn Thọ Minh - hàng xóm của chị Bình cũng đang cố kiếm mạ để thay thế số diện tích lúa đã chết. "Sau khi cấy được 10 ngày tôi ra HTX dịch vụ nông nghiệp Hiến Sơn mua thuốc Anco 600 SL loại 100ml về phun với liều lượng 1 lọ/2sào như hướng dẫn của người bán thuốc. Phun được 10 ngày, hai vợ chồng ra thăm đồng thì tá hỏa khi thấy hơn 3 sào ruộng được phun thuốc Anco 600 SL bắt đầu héo úa rồi chết dần trong khi đó cỏ dại vẫn sống khỏe”, anh Minh cho biết thêm.
Cây lúa bị nhiễm độc, héo rũ và chết dần
Không chỉ có lúa của những hộ phun thuốc Anco 600 SL để diệt cỏ bị chết mà các hộ dân phun thuốc Anco 600 SL trước khi bừa ải rồi mới cấy lúa xuống ruộng cũng chịu chung số phận. Quan sát tại các ruộng lúa, chúng tôi nhận thấy rằng số diện tích ngập nước cao so với thân cây bị chết ít hơn số diện tích có nước lấp xấp chân lúa. Theo thống kê của HTX Hiến Sơn thì đến thời điểm này có 50 hộ nông dân nơi đây rơi vào tình trạng trắng đồng sau khi phun thuốc Anco 600 SL với tổng diện tích lên tới 7,7ha.
Theo cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp Hiến Sơn, toàn bộ số thuốc Anco 600 SL mà HTX cung ứng cho bà con nông dân đều lấy từ cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của ông Dương Trọng Phượng - một cán bộ Trạm bảo vệ thực vật Đô Lương đã nghỉ hưu. Toàn bộ số thuốc gồm 50 lọ do ông Phượng cung cấp cho HTXDVNN Hiến Sơn đều không có hướng dẫn sử dụng kèm theo. Khi xảy ra tình trạng lúa chết hàng loạt, một cán bộ của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang mới đem hướng dẫn sử dụng đến để đối chiếu.
Tình trạng lúa chết sau khi sử dụng thuốc Anco 600 SL để trừ cỏ cũng diễn ra tại xã Thượng Sơn, Trù Sơn (Đô Lương). Tuy nhiên nhờ phát hiện sớm nên một số hộ dân đã kịp thời phun thuốc giải độc cho lúa nên tính tới thời điểm này, hơn 10ha lúa tại xóm 12, 13, xã Thượng Sơn bị ngộ độc ở mức độ nhẹ.
Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật Đô Lương kiểm tra lúa chết tại Hiến Sơn
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tâm - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đô Lương cho biết: "Ngày 28, 29/2, Trạm đã cử cán bộ xuống địa bàn có tình trạng lúa chết hàng loạt để kiểm tra và hướng dẫn bà con cách khắc phục. Qua kiểm tra theo dõi, cán bộ trạm xác minh nguyên nhân lúa chết là do ngộ độc thuốc diệt cỏ Anco 600 SL có hoạt chất 2,4D. Loại thuốc này có xuất xứ từ Công ty bảo vệ thực vật An Giang. Hiện chúng tôi đã báo cáo Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An để có hướng xử lý”.
Thuốc trừ cỏ Anco 600 SL do Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang sản xuất được bà con sử dụng để diệt cỏ cho lúa
Sẽ xử lý nghiêm đơn vị cung ứng thuốc gây thiệt hại cho nông dân Ông Trần Doãn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết: "Thuốc diệt cỏ Anco 600 SL mới được đưa vào sử dụng nhưng nhà cung ứng bán trực tiếp cho người dân không thông qua chính quyền nên chúng tôi khó kiểm soát. Chúng tôi đã đề nghị Trạm Bảo vệ thực vật huyện xác minh các thông tin liên quan. Quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm, quyết liệt đối với đơn vị cung ứng thuốc gây thiệt hại, đối với các bên liên quan, trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó. Nếu diện tích lúa bị ngộ độc năng suất thấp hơn so với các trà lúa không bị ngộ độc, nhà cung ứng phải hỗ trợ cho nông dân" |
Ngày 12/3, ông Nguyễn Đình Ân, đại diện Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã có cuộc làm việc với chính quyền xã Hiến Sơn. Tại buổi làm việc, UBND xã Hiến Sơn đã đề nghị phía công ty này phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ bà công nông dân khắc phục. Tuy nhiên đại diện công ty này cho rằng số thuốc Anco 600 SL do HTX dịch vụ nông nghiệp Hiến Sơn cung ứng cho bà con nông dân được lấy từ cơ sở không phải là đại lý nằm trong hệ thống của công ty, công ty không xuất hàng và cũng không khuyến cáo bà con sử dụng thuốc ANCO 600 SL trong vụ đông xuân; mặt khác đại lý bán thuốc không hướng dẫn bà con sử dụng thuốc theo khuyến cáo bởi vậy công ty sẽ không chịu trách nhiệm về diện tích lúa chết này.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An thì thuốc Anco 600 SL là loại thuốc diệt cỏ nằm trong danh mục cho phép sử dụng do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang sản xuất. Đây là hoạt chất có khả năng diệt được nhiều loại cỏ dại trên lúa. Tuy nhiên nếu sử dụng thuốc với nồng độ cao trong điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng xấu tới cây lúa. Trong vụ sản xuất Đông Xuân do thường xảy ra tình trạng rét đậm, rét hại nên Chi cục Bảo vệ thực vật không khuyến cáo bà con sử dụng loại thuốc này để diệt cỏ.
Sau khi xảy ra tình trạng lúa chết, UBND huyện Đô Lương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xác minh làm rõ vụ việc.
Hoàng Lam